Không phải đến bây giờ, cứ tầm tháng 4, tháng 5 vài năm trở lại đây, bà con nông dân ở Quảng Nam lại lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì nặng” với những cánh đồng bạt ngàn dưa hấu đỏ. Vấn đề đáng suy nghĩ, là câu chuyện “giải cứu” nông dân chỉ mang tính tình thế nhưng quy hoạch diện tích trồng dưa bao nhiêu, làm thế nào để người dân có được đầu ra ổn định vẫn còn bỏ ngỏ!
Dưa hấu của nông dân Quảng Nam rớt giá còn 1.000 đồng vẫn không tìm ra thương lái để bán |
1.Nắng tháng 5 như đổ lửa, trên những cánh đồng dưa của huyện Phú Ninh (Quảng Nam), người dân thu hoạch dưa hấu trong tâm thế buồn bã. Điệp khúc được mùa, mất giá, thậm chí ế chỏng ế chơ không phải đến bây giờ mới có nhưng người nông dân vẫn cứ như một vòng tròn luẩn quẩn trước hệ lụy này, giống như những giọt mồ hôi của họ đổ xuống, thấm vào cát qua bao mùa canh tác.
Cánh đồng dưa thôn Phú Lai, xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) nổi tiếng bởi giống dưa hắc mỹ nhân ruột đỏ, ngọt lịm nhưng suốt mấy tuần nay, dưa rớt giá tới 5, 6 lần. “Hồi tháng 4, giá dưa 1 cân khoảng 6.000 – 7.000 đồng thì chừ chỉ còn 1.000 thôi. Thậm chí rớt giá vẫn không có thương lái đến mua”, ông Dương Văn Hòa buồn bã cho biết. Để bán được nông sản của mình làm ra, ông Dương phải chạy đôn chạy đáo đến các chợ để tìm mối nhập, loại dưa quả nhỏ hơn đôi chút, giá chỉ còn 500 đồng/ 1 cân. Sự vất vả của việc tìm đầu ra không kém gì nhọc nhằn mà những người nông dân một nắng hai sương như ông quần quật chăm sóc cây dưa suốt mùa vụ trước đó.
Còn hộ ông Nguyễn Ngọc Anh cùng ở thôn Tam Phước cho biết, gia đình ông trồng tới 6 sào dưa. Tính bình quân, mỗi sào dưa chi phí hết hơn 2 triệu đồng tiền phân bón, giống, chưa kể công chăm sóc suốt 2 tháng ròng. Đổi lại mỗi sào dưa được mùa thu được khoảng trên dưới 1,5 tấn. Nếu với thời giá hiện tại cứ mỗi cân 1.000 đồng thì lỗ nặng.
Tương tự nhiều hộ dân ở xã Tam Lộc (Phú Ninh) cũng lâm vào tình cảnh này. Ông Đặng Tiến buồn bã, đầu mùa giá được 6.000 – 7.000 đồng 1 cân, chừ còn 1.000 mà không tìm ra người mua. Dưa quá độ chín thì chỉ biết để cho nó rã xuống đất chứ còn biết làm gì hơn.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Ninh, vụ Xuân – Hè, toàn huyện có 500ha trồng dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các xã: Tam Phước, Tam Lộc và Tam An. Phú Ninh là vùng trồng dưa lớn nhất tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với loại đặc sản dưa hắc mỹ nhân.
2.Trước tình trạng dưa tồn đọng, ngày 11-5, Sở NN&PTNT đã có thư kêu gọi, gửi các đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn tỉnh vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động mua ủng hộ giúp bà con nông dân. Tuy nhiên, ai cũng biết, thư kêu gọi trên chỉ là giải pháp tức thời vì không thể cứ lặp lại tình trạng trên để rồi năm nào cũng có những cuộc giải cứu không giống ai diễn ra và người dân cứ tiếp tục mở rộng diện tích mà chỉ biết một chiều canh tác chứ không lường được trước nhu cầu của thị trường.
Vấn đề là làm thế nào để tạo ra nhịp cầu kết nối giúp người dân bằng những giải pháp lâu dài, để nông sản thực sự có giá trị tương đương với giọt mồ hôi người dân đổ xuống đồng ruộng chứ không đơn thuần là những cuộc giải cứu, câu trả lời xin dành cho ngành chức năng liên quan đến nông nghiệp, nông sản và nông dân. |
Trở lại với nguyên nhân vì sao dưa được mùa, mất giá, trước đó vào ngày 17-4, tại Quảng Ngãi, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị kết nối dưa hấu, tìm hiểu nguyên nhân và đầu ra cho bà con nông dân với sự tham gia của đại diện 7 sở công thương: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và gần 100 thương nhân hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu nông sản trên cả nước và phía Trung Quốc. Tại hội nghị này, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nêu nguyên nhân do: nông dân trồng dưa hấu tự phát, chưa xác định được thị trường về số lượng và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, bà con hầu như chưa có sự gắn kết với các hệ thống bao tiêu mà chỉ bán lẻ sản phẩm trực tiếp. Cũng vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nhận định, việc nông dân mở rộng quy mô sản xuất liên tiếp, tràn lan khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường đã tạo nên sức ép lên giá cả, gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân trong tiêu thụ nông sản.
3.Một tín hiệu vui tại hội nghị này là ngoài những nguyên nhân được phân tích, mổ xẻ, các kí kết hợp tác đã được khởi động để người nông dân có thêm đầu ra cho nông sản của mình. Phía doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã có những thông tin về nhu cầu nhập khẩu của họ và về cả mùa dưa của người dân Trung Quốc để người trồng dưa tránh trồng quá nhiều và kỳ vọng họ nhập khẩu trong khi thị trường cung cấp dưa của nông dân Trung Quốc đã đáp ứng đủ nhu cầu. Thiết nghĩ, không ai khác, chính người nông dân trước khi bắt tay vào sản xuất cũng nên có tầm nhìn so sánh về nhu cầu tiêu thụ của thị trường, ít nhất là trong một thời gian ngắn để tránh những thiệt hại không mong muốn vào vụ thu hoạch. Vấn đề còn lại, làm thế nào để tạo ra nhịp cầu kết nối giúp người dân bằng những giải pháp lâu dài, để nông sản thực sự có giá trị tương đương với giọt mồ hôi người dân đổ xuống đồng ruộng chứ không đơn thuần là những cuộc giải cứu, câu trả lời xin dành cho ngành chức năng liên quan đến nông nghiệp, nông sản và nông dân.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)