Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghĩa tình người Cu Hoan

Tạp Chí Giáo Dục

Với người làng Cu Hoan (xã Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị), hơn nửa thế kỷ qua, vẫn dành cho những người lính hy sinh vì nước một tình cảm thiêng liêng từ sâu thẳm trái tim mình!

Người Cu Hoan lấy miếu thờ Thần Hoàng làng làm nơi thờ các anh hùng liệt sĩ

Về nơi trận mở đầu chiến dịch

Cựu chiến binh Thái Anh Tùng, 90 tuổi, bắt chuyến xe đò từ thành phố Huế ngược ra Quảng Trị, đôi chân ông run run đến từng nấm mộ để thắp hương cho 66 đồng đội đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thiện. Ông và các đồng đội là những người lính thuộc Trung đoàn 6, Quân khu Trị – Thiên hy sinh trong trận đánh diễn ra vào ngày 28-2-1966 tại làng Cu Hoan, xã Hải Thiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mở chiến dịch giải phóng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng.

Người Cu Hoan phụng thờ liệt sĩ như người thân của mình. Bà con vẫn đau đáu nỗi niềm về những người lính ngã xuống vẫn chưa biết tên”. Người Cu Hoan còn cùng nhau góp công, góp sức để xây dựng bia tưởng niệm 66 liệt sĩ của Trung đoàn 6 hy sinh vào ngày 28-2-1966  nơi họ đã ngã xuống.

Trong ký ức của người Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 Thái Anh Tùng, trận chiến mở màn ấy như vừa diễn ra hôm qua. Những cái ôm thật chặt, nụ cười của đồng đội còn đâu đó chưa xa. “Chiến tranh ngày càng ác liệt, chúng tôi ngày ấy thường hành quân vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Đánh giặc chủ yếu dựa vào nhân dân. Trung đoàn tôi dọc thôn Gia Đẳng (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) rồi hành quân vào Đơn Quế (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng), lợi dụng sóng biển cả trung đoàn đi sát bờ biển, bảy tám đêm không ngủ nên cứ nhắm mắt đi, sóng òa vào thì mở mắt chạy lên trên khô, hết sóng thì vừa đi vừa ngủ, nhờ sóng biển để xóa đi dấu chân. Cứ thế mà về làng Cu Hoan. Hồi đó làng mạc cây cối chưa có, chúng tôi hành quân trên rừng về mỗi người mang theo 5 cây gỗ để làm hầm. Ở đây toàn cát nên làm hầm rất dễ, khoảng 5 đến 10 phút thì đã có hầm. Ngoài gỗ, mỗi chiến sĩ mang theo đạn, còn lương thực ở trong dân”.  

“Sáng 28-2-1966, chúng tôi đánh ở Cu Hoan nhiều trận. Giành nhau từng tấc đất, quyết bám làng đuổi địch. Trận chiến kéo dài qua các làng Gia Đẳng, Đơn Quế, Cu Hoan ở vùng Hải Lăng rất quyết liệt. Hy sinh ở đâu thì mai táng ở đó, riêng chiều 27 có khoảng 40 đồng chí hy sinh đưa về làng Cu Hoan mai táng. Thoắt cái đã ngót gần 50 năm!”, người lính già bồi hồi vịn tay vào vành mộ đồng đội, ông ngồi lặng giữa ngút ngàn khói nhang tỏa trên từng nấm mộ.

Lấy miếu Thần Hoàng thờ liệt sĩ

Cựu chiến binh Thái Anh Tùng thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội tại miếu Thần Hoàng làng Cu Hoan

Hải Thiện là xã duy nhất có một làng của tỉnh Quảng Trị, làng Cu Hoan. Cu Hoan xưa là tên gọi của cả một vùng đất rộng lớn. Cách đây tầm 600 năm, 12 dòng họ từ các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa đã di cư vào Hải Lăng để lập nên làng Cu Hoan. Trải qua hàng trăm năm người dân Cu Hoan vẫn sống gắn bó với nghề nông. Ông Đặng Xuân Hòe, người dân làng Cu Hoan cho biết: “Sau trận đánh ngày đó, 2 ngày sau dân trở về làng. Nhà cháy trụi, đất đai bị cày xới tan hoang. Việc đầu tiên bà con bắt tay vào làm là tiến hành tổ chức mai táng các liệt sĩ ngay trên đất làng mình. Năm 1981, các liệt sĩ được quy tập mộ về nghĩa trang. Cả làng quy tập và đưa tiễn”. Theo bước chân ông Hòe, người lính già Thái Anh Tùng bước thật chậm vì xúc động. Ông không thể ngờ rằng chỉ qua một ngày dừng chân ở Cu Hoan để quyết một trận sinh tử với kẻ thù, ngay sau đó ngược lên miền Tây Quảng Trị rồi dài theo năm tháng xuôi vào chiến trường Thừa Thiên – Huế để đánh giặc, nhưng người dân Cu Hoan lại dành cho những đồng đội Trung đoàn 6 của ông những tình cảm sâu nặng đến thế.

Ông Hòe kể: “Người Cu Hoan luôn trăn trở trước ân tình của những người lính đã ngã xuống, thường trực niềm trăn trở làm sao để đền ơn đáp nghĩa. Trước đây tổ tiên để lại cho cháu con ngôi miếu thờ Thần Hoàng. Người Cu Hoan sau này đã xây dựng, tu bổ thêm ngôi miếu để thờ liệt sĩ. Cốt sau này đến ngày hiệp kỵ toàn dân trong xóm, người dân tới miếu thể hiện niềm tin, sự kính trọng với người khai khẩn đất đai đồng thời nhớ ơn các liệt sĩ. Trong thấp thoáng những dòng người viếng mộ, cô Đinh Thị Lãnh, quê Quảng Bình, có chồng là liệt sĩ nằm lại làng Cu Hoan lặng lẽ thắp nén nhang thơm lên ngôi miếu thờ, xúc động nói: “Tình cảm mà chính quyền và người dân làng Cu Hoan, xã Hải Thiện dành cho các liệt sĩ từ suốt mấy chục năm qua làm cho tui thấy ấm lòng. Về với Cu Hoan tui thấy như được trở về nhà”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)