Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nghịch cảnh nghề nuôi heo

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện giá heo hơi tại Đông Nam bộ đã ở mức 50.000-52.000 đồng/kg, cao nhất trong hai năm qua, nhưng người nuôi heo vẫn không mặn mà gầy dựng đàn.Thậm chí nhiều người đang tính chuyện bán đất, bán trang trại vì rơi vào cảnh nợ nần.


Một trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở Đồng Nai phải thu hẹp vì thua lỗ Ảnh: TRẦN MẠNH

Câu chuyện trại ông H. chết một lúc 2.000 con heo ngay trước tết, thiệt hại 3-4 tỉ đồng, trại bà M. chết 3.000 heo nái phải kêu xe tải chở xác heo đi tiêu hủy trong đêm… cứ râm ran trong giới chăn nuôi Đồng Nai. Lãi suất cao, dịch bệnh hoành hành, giá cả thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng… là những nguyên nhân khiến nhiều chủ trại heo miền Đông Nam bộ rơi vào tình cảnh trên.

Bán trang trại trả nợ
Ông K., chủ một trại heo 2.000 đầu nái ở Đồng Nai, cho biết chưa bao giờ việc nuôi heo lại khó khăn như hiện nay dù giá thịt heo đang tăng. “Giá heo hơi tăng không kịp giá thức ăn, giá cám đã lên 7.000-7.200 đồng/kg, đậu nành, bắp do phụ thuộc nước ngoài, 90% phải nhập khẩu nên chỉ cần biến động của thế giới, lập tức giá TACN trong nước điều chỉnh theo” – ông K. nói.
Năm 2008, ông K. mạnh dạn vay vốn chương trình kích cầu của Chính phủ (khi đó lãi suất 0,8%/tháng), cộng với vốn nhà để đầu tư trang trại nuôi heo theo mô hình hiện đại. Theo tính toán của ông K., với tổng số tiền đầu tư 14 tỉ đồng ban đầu, khi trại hoạt động ổn định từ đầu năm 2010 sẽ thu lời 240 triệu đồng mỗi tháng. Trừ các khoản chi phí và lãi ngân hàng cũng còn dư khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, dịch heo tai xanh năm 2010 đã phá tan tành mọi kế hoạch của ông K.. Giá heo giảm xuống còn 26.000 đồng/kg trong khi giá thành ở mức 30.000 đồng/kg, với mỗi con heo bán ra ông K. lỗ 400.000 đồng. Để giảm chi phí, ông K. buộc phải giảm đàn bằng cách cắn răng bán đàn heo bố mẹ với giá bèo.
Chưa kịp bình phục sau đợt heo mất giá thì nay lãi suất ưu đãi đã không còn mà tăng lên gấp đôi (1,6%/tháng). Ông K. thừa nhận với tình trạng bây giờ không thể nào trả hết nợ, buộc phải bán đất trả cho ngân hàng. Tuy nhiên, do nuôi heo lỗ thê thảm nên đất trại heo cũng theo đó tụt xuống không phanh. “Hồi giá heo cao người ta trả tôi 28 tỉ đồng nhưng nay chỉ bán được 16 tỉ”, ông K cho biết.
Không chỉ các trại chăn nuôi quy mô lớn, các chủ trại heo quy mô nhỏ, hộ nuôi heo lẻ hiện cũng lao đao bán đất trả nợ. Anh Tr., nuôi đàn heo 50 con tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết năm ngoái gia đình anh vay mượn đầu tư một chuồng heo nhỏ nhưng chưa kịp bán lứa đầu thì dịch bệnh ập đến, heo lăn đùng ra chết hết. “Dù rất muốn tái đàn nhưng so với cách đây hai năm số tiền đầu tư một đàn heo đã tăng hơn gấp đôi, sau khi bán miếng đất trả nợ tôi gần như trắng tay”, anh Tr. chia sẻ.
Theo tổng hợp sơ bộ của ngành chăn nuôi Đồng Nai, do chăn nuôi lỗ vốn khiến tổng đàn heo hiện nay trên toàn tỉnh giảm gần 30%, trong đó nhiều trại heo không gầy đàn mới mà thu hẹp sản xuất hoặc chuyển sang làm nghề khác. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo Trí Công (Đồng Nai), cho biết nếu không có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ, các trại chăn nuôi lớn không chịu đựng nổi.
Nhập khẩu TACN (tỉ USD)

(Nguồn: Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi)

Hao hụt lên đến 15%

Người tiêu dùng chịu thiệt

Theo tính toán của các nhà kinh doanh, với giá heo hơi 50.000 đồng, giá thịt pha lóc đến tay người tiêu dùng bình quân 85.000-100.000 đồng/kg là người phân phối đã có lời, nhưng trên thị trường giá nhiều mặt hàng như sườn non, nạc dăm lên đến 120.000-125.000 đồng/kg.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho rằng ngành chăn nuôi VN hiện chịu rủi ro cao do công tác dịch tễ quá kém.

Gắn bó với ngành chăn nuôi lâu năm, ông Trần Quang Trung, chủ trại heo trên 1.000 con tại Thống Nhất (Đồng Nai), nhận xét ngành thú y và phòng chống dịch bệnh đang tụt hậu vì dịch bệnh ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn.
Cách đây khoảng 4-5 năm tỉ lệ hao hụt trong nuôi heo không quá 5% nhưng hiện đã lên tới 15% (tức tỉ lệ heo chết là 15/100 con tính từ lúc mới sinh đến khi xuất chuồng). “Năm ngoái trang trại tôi không bị dịch bệnh, tôi vừa nuôi vừa là người giết mổ để đưa heo ra các chợ đầu mối nhưng vẫn lỗ tới 1,2 tỉ đồng, các trại khác còn lỗ nhiều hơn”, ông Trung nói.
Thời gian gần đây, dịch heo tai xanh năm nào cũng xảy ra, ít thì 10 tỉnh, nhiều thì trên 30 tỉnh, nhưng các ngành chức năng vẫn chỉ chủ yếu là đợi địa phương công bố dịch mới khoanh vùng tiêu hủy. “Đó là cách làm tiêu diệt người chăn nuôi chứ không phải dập dịch”, một chủ trại bức xúc cho biết.
Lo ngại bài học gà công nghiệp

Là một “đại gia” trong nghề nuôi heo, nổi tiếng với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất để chăn nuôi nhưng giờ đây ông Nguyễn Trí Công (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng cay đắng thừa nhận ngành chăn nuôi VN hầu như không còn lối thoát. “Dịch bệnh, lãi suất ngân hàng quá cao và giá TACN liên tục tăng ngày càng bóp nghẹt người chăn nuôi. Nếu cứ tiếp tục như thế này, chỉ vài ba năm nữa ngành chăn nuôi heo trong nước sẽ bị nước ngoài chiếm lĩnh như từng làm với con gà công nghiệp”, ông Công cho biết.
Theo ông Công, nếu không có biện pháp tháo gỡ, các trại chăn nuôi lớn sẽ không chịu đựng nổi.
Điều lo ngại nhất hiện nay là sự cạnh tranh, nhòm ngó của các công ty chăn nuôi quốc tế. Theo ông Công, các công ty kinh doanh TACN quốc tế đều tính toán sẵn kịch bản trong bao năm nữa sẽ xuất khẩu thịt vào thị trường VN, lượng hàng ra sao. “Cứ với đà này thì các công ty nước ngoài sẽ chiếm 40% thị phần, 40% nữa thuộc về thịt đông lạnh nhập khẩu, chỉ còn 20% thuộc về người chăn nuôi trong nước. Khi đó người nuôi heo VN lại trở thành người làm thuê cho nước ngoài như nuôi gà công nghiệp hiện nay”, ông Công nhận định.

Theo nhiều người chăn nuôi, cách tốt nhất phòng chống dịch là dùng văcxin nhưng không phải lúc nào cũng mua được vì văcxin nhập khẩu hạn chế trong khi tổng đàn heo trong nước quá lớn. Đặc biệt, một số loại văcxin phân phối độc quyền bởi một số cơ quan thú y thì thường hết hàng khi người dân cần.

“Dịch lở mồm long móng đang xảy ra nhiều nơi nhưng khi tôi lên cơ quan thú y hỏi mua (văcxin) thì họ nói không có hàng. Giờ chúng tôi phòng dịch bằng cách nào?” – ông B., một chủ trại heo trên 3.000 con tại Đồng Nai, thắc mắc.
Mệt mỏi chạy theo giá TACN
Giá TACN tăng liên tục thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chăn nuôi nản chí. So với cùng kỳ năm ngoái, một số loại nguyên liệu làm TACN như bắp, đậu nành, bột cá, sắn… tăng hơn 30%, chưa kể năm 2010 giá TACN đến tay người dân tăng tổng cộng 14 lần.
Theo Hiệp hội TACN VN, giá TACN trong nước tăng liên tục thời gian qua do VN phải nhập khẩu đến 55-60% nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nguyên liệu giàu năng lượng (bắp, lúa mì) và protein (khô dầu, đậu nành, bột cá, bột xương thịt,…). Ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình (Đồng Nai), nói đó mới là tỉ lệ của toàn ngành, còn lượng hàng mà các nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp nhập khẩu sản xuất lên đến hơn 80%.
Thức ăn chiếm 70% giá thành chăn nuôi nên giá TACN trong nước tăng vọt mỗi khi có biến động trên thị trường thế giới. Vì theo ông Bình, không chỉ phụ thuộc giá nguyên liệu, các doanh nghiệp còn phải chịu lãi suất cao, cước vận chuyển, tỉ giá… Cùng với các phí đầu vào như điện, xăng, các doanh nghiệp cho biết thời gian tới TACN còn tăng nữa.
“Chúng tôi không an tâm để đầu tư nuôi nữa vì nếu giá TACN cứ tăng như thời gian qua thì ngành chăn nuôi quá rủi ro” – ông Nguyễn Trí Công bức xúc cho biết.
Nguồn TTO

Bình luận (0)