Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nghịch cảnh trong đào tạo và tuyển dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Trái với những hình ảnh đẹp đẽ từng được xây dựng trong thời gian học tập; khi ra trường, nhiều sinh viên (SV) phải đối diện với cảnh thất nghiệp,  thấm thía nỗi ê chề của người học cao mà không có việc làm.
Công nhân, phụ hồ
K.D, từng tốt nghiệp loại giỏi khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) hiện đang làm công nhân may giày da xuất khẩu ở khu công nghiệp Việt Nam – Singapore tỉnh Bình Dương với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, D. được gia đình hỗ trợ kinh phí đi xin việc làm. Trong suốt một năm, nộp bao nhiêu hồ sơ xin việc nhưng cũng không có kết quả. Đã có lúc D. tuyệt vọng và định tìm đến cái chết. Nhưng sau đó D. quyết định đứng lên, chấp nhận làm công nhân để trang trải cho cuộc sống hằng ngày và quan trọng nhất là không để mình vô dụng.
T.H (học ngành văn hóa học) và T.T (học ngành xã hội học), cùng tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hiện tại cả hai đều đang làm công nhân tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Làm lao động phổ thông, thu nhập thấp, nhưng H. và T. đành phải chấp nhận để trang trải tiền ăn, tiền nhà… 
K.D (giữa), là cử nhân tốt nghiệp loại giỏi nhưng phải đi làm công nhân vì không kiếm được việc làm – Ảnh: Nguyễn Oanh
Tốt nghiệp ngành điện – điện tử tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, A.T bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề: bán hàng, tiếp thị sản phẩm… vì không thể xin được việc. Sau một thời gian dài, vì quá nản chí, T. đã bỏ về quê để làm… rẫy, trồng cây ăn trái.
 Số lượng SV học tại các trường ĐH, CĐ địa phương khó tìm việc khi ra trường cũng khá đông. Trên mạng xã hội Yume, thành viên Candy đã kể những câu chuyện mình biết ở địa phương khiến nhiều người ngỡ ngàng: “Tôi biết có một quán cà phê trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Rạch Giá. Quán có 4 nhân viên, hai nam, hai nữ, cả bốn người đều là SV tốt nghiệp ngành kế toán, nhưng đến nay đã hơn một năm vẫn chưa tìm được việc làm, đành phải tiếp tục công việc bán thời gian trước kia. Xót xa hơn nữa là tình trạng một nhóm SV tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin (Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang) phải đi phụ hồ vì không tìm được việc làm”.
Làm trái ngành, lương thấp
SV ra trường phải đi làm trái ngành, thu nhập thấp vì không tìm được việc làm đúng chuyên môn ngày càng đông. 
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chỉ có 50% HS-SV sau khi được đào tạo có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt. 50% làm trái ngành nghề thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác.
M.Quân, cựu SV Trường ĐH Văn Hiến cho biết, do không xin  được việc làm phù hợp Quân đi tour tự do cho các hãng lữ hành. Thu nhập bấp bênh tùy vào mùa cao điểm hay thấp điểm, không thể sống được, Quân quyết định bỏ nghề và xin việc khác. Nhưng không có chuyên môn, trong 3 tháng trời Quân đành phải tìm những việc có thu nhập khá thấp và mới đây nhất, nhờ người quen giới thiệu mới tìm được việc quản lý tại chung cư với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Quân cho biết trong lớp cũng như trong khoa, số lượng SV bỏ nghề cũng phải lên tới khoảng 80%. Người đi làm phát hành báo chí, người nhờ người quen xin làm tín dụng ngân hàng và cũng có người vẫn đang thất nghiệp sau 2 năm ra trường.
Q.K, tốt nghiệp ngành kinh tế gia đình Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sau nhiều tháng vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng không chỗ nào nhận nên đành xin vào làm công nhân tại một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tại quận Bình Thạnh. Nhiều SV ngành kinh tế gia đình Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương TP.HCM thường đi làm bảo mẫu ở các nhà trẻ hoặc phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn.  
Theo Đăng Nguyên
(thanhnien)

Bình luận (0)