Những thiên thần áo trắng – bộ phim đang bị dư luận công kích cả về đề tài lẫn diễn xuất của các diễn viên. Ảnh: Lữ Đắc Long |
Thỉnh thoảng người viết bài nhận được điện thoại của một số diễn viên hỏi ý kiến có nên tham gia bộ phim này, phim kia không? Điều họ băn khoăn: Cát-xê khá lắm, nhưng ngại cách làm phim của các nhà sản xuất sẽ cho ra đời những bộ phim kém chất lượng rồi diễn viên bị mất uy tín với khán giả?!?
Những diễn viên có tâm với nghề!
Trước đây, nói đến cát-xê của diễn viên điện ảnh, người ta hay nói đùa: “Ráo mồ hôi” là hết tiền. Đóng phim truyền hình dài 20-30 tập, diễn viên nhận 3 triệu đồng/ tập nhưng có khi phải mất cả năm trời, thậm chí phim nói về đề tài chiến tranh quay 3 năm mới xong, diễn viên cực khổ rong ruổi nhiều nơi đóng phim, nên khi phim quay xong thì diễn viên cũng xài hết tiền. “Nghèo”, nhưng với nhiều diễn viên chuyên nghiệp, có tâm với nghề thì không hề so đo chuyện cát-xê. Họ chỉ chăm chút làm sao cho dù là vai chính hay phụ, phản diện… cũng phải để lại chút ấn tượng gì về diễn xuất với người xem. Đơn cử như diễn viên Nguyễn Hậu, trong hơn 20 năm làm diễn viên với hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, lại hiếm khi có hơn một triệu đồng trong túi. Nhưng, với thời kỳ mở cửa làm phim như hiện nay, anh đã “cải thiện” được tình trạng này, đồng thời những vai diễn của anh cũng tiếp tục gây dấu ấn với khán giả. Diễn viên Công Hậu cũng thế, là “ngôi sao” của dòng phim thị trường, quay trở lại với phim truyền hình bằng những vai phụ nhưng anh vẫn vui vẻ nhận lời. Dù mức cát-xê khá hấp dẫn nhưng anh thuộc dạng “khó tính với bản thân mình”, nếu thấy vai diễn không phù hợp là anh từ chối ngay. Diễn viên Hồng Ánh cũng tương tự, được mời đóng vai chính liên tục trong các bộ phim truyền hình, nhưng chị chỉ nhận lời khi nhân vật của mình thật sự tâm đắc. Chính vì vậy, dù thu nhập của chị không nhiều bằng các diễn viên trẻ “thời thượng” hiện nay, nhưng các giải thưởng phim ảnh có uy tín chị “gánh” trên vai rất nhiều.
Những “người đẹp nhạt nhòa”
Một vài năm gần đây, số đầu phim truyền hình cứ tăng vọt, vì thế số lượng diễn viên cũng đông đảo hơn, xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, ngoại hình đẹp, góp phần tăng thêm sức hút cho phim ảnh. Nhưng công bằng mà nói, phim truyền hình Việt đang rơi vào tình trạng chung là “người đẹp nhạt nhòa”. Những diễn viên trẻ có ý thức với nghề, với uy tín của mình khi tham gia đóng phim chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một diễn viên trẻ tâm sự: “Mặc dù biết chất lượng phim kém, nhưng từ chối thì bị chê là “chảnh”, mà diễn viên không có phim đóng là phải xoay nghề khác, hoặc ngồi chơi thì… lấy gì mà sống. Cát-xê cao không nhận thì tiếc… mà nhận thì biết chắc chắn phải chấp nhận “cuộc chơi” của nhà sản xuất…”. Chính vì thế mà có diễn viên khi phim của mình phát sóng lo đến mất ngủ, lảng tránh khi có người khác hỏi đến. Có người còn “trốn” đi đâu đó một thời gian sợ gặp người quen chê thẳng là “đóng phim dở”. Nhiều trường hợp, lỗi không hẳn tại diễn viên mà vì kịch bản quá tệ, thời gian quay ngắn, đạo diễn dễ tính hay quá “non” nghề… Có không ít diễn viên “tay ngang”, muốn chứng tỏ sự “đa tài” của mình trong hoạt động nghệ thuật, đã chạy theo “hư danh” của nghề diễn viên mà nhận những vai diễn không phù hợp, hoặc không đủ khả năng thể hiện làm người xem lên tiếng: “Cô diễn viên A, anh B… đẹp quá, khóc như mưa, đau đớn tột cùng mà vẫn đẹp như “bình hoa di động” trên màn ảnh”. Nhiều diễn viên xuất hiện liên tục trong nhiều bộ phim truyền hình nhưng chỉ một loại vai diễn na ná nhau. Để rồi khỏi cần xem cũng biết diễn như thế nào, hoặc có nhớ đôi chút thì lẫn lộn vai diễn này sang vai diễn khác…
ĐAN KHANH
Một đạo diễn có thâm niên trong nghề thẳng thắn cho biết: “Hiện nay, một số diễn viên trẻ Việt Nam còn có “mốt” bắt chước diễn xuất của các diễn viên trên phim truyền hình nước ngoài. Nhưng tài năng của họ có hạn, nên dù cát-xê cao cũng không cải thiện được diễn xuất. Điều này dẫn đến tình trạng “ngôi sao giấy” của phim truyền hình ngày càng bùng phát, đơn cử như bộ phim Những thiên thần áo trắng (hiện đang công chiếu trên VTV) là một thí dụ điển hình…”. |
Bình luận (0)