GV Trường TH Lương Định Của (Q.3) đang rèn chữ viết cho HS lớp 1. Ảnh: H.Triều |
Ở bậc tiểu học, các em HS được thầy cô giáo chăm chút nét chữ sao cho mềm mại, dễ đọc và cao hơn, rèn luyện cho các em nét chữ thật đẹp như để ứng dụng câu nói của người xưa “Nét chữ, nết người”. Thế nhưng, khi các em tiếp tục học lên bậc THCS, THPT thì liệu các em còn giữ được nét chữ mềm mại và đẹp như vậy không?
Chữ đẹp đã không theo suốt các em
Mặc cho các nét chữ cơ bản, đúng nét, đúng cỡ đã được các em rèn luyện trong suốt 5 năm học ở bậc tiểu học. Nhưng khi các em rời ngưỡng cửa tiểu học để bắt đầu một môi trường mới: bậc THCS thì mọi sự rèn luyện dần dần biến mất. Chữ các em bắt đầu nguệch ngoạc, nét không ra nét, cỡ chữ lung tung chẳng khác gì như toa thuốc của một… bác sĩ. Tôi đã chứng kiến nhiều phụ huynh đã phàn nàn “Chữ viết trước đây của con tôi đẹp thế mà khi lên cấp 2, các em viết cái gì mà về nhà, chúng tôi kiểm tra bài vở thì không thể đọc được chữ nào!?”. Lý giải cho việc các em viết xấu, giáo viên THCS lại cho rằng: “Do bài vở các em nhiều, kiến thức nhiều và việc ghi chép phải nhanh, nên các em phải ghi như vậy mới kịp giờ học!”. Về phía các em, các em cũng cho rằng do thầy cô không viết bài trên bảng mà chỉ giảng, nên các em nghe và tự ghi nên không còn thời gian ngồi để gò viết như bậc tiểu học. Cả hai cách giải thích trên, có thể là đúng trong thời lượng giờ học ít mà kiến thức lại quá nhiều. Nhưng, như vậy thì cũng chưa thỏa mãn vì nếu nhiều thì nhiều, tốc độ viết của các em phải được nâng lên theo từng lớp học. Các em hay giáo viên không thể biện hộ cho việc kiến thức nhiều mà buộc lòng các em phải viết tháo, viết cẩu thả. Điều đáng nói ở đây là bậc tiểu học ra sức phát động phong trào “rèn chữ, giữ vở” để rồi lên bậc THCS hay THPT, nét chữ đẹp, mềm mại đã không còn ở lại với các em mà chỉ còn lại những nét chữ ngoằn ngoèo chẳng khác nào như những chữ… tượng hình cổ xưa!
Chữ Việt đã biến thể theo… tuổi teen
Nhìn các em HS thế hệ 8x, 9x nói chuyện với nhau trên mạng internet (chat) thì sẽ thấy ngay một điều dễ hiểu: Các em có cách nói chuyện và ghi lại chữ Việt rất sáng tạo. Sáng tạo đến nỗi các nhà ngôn ngữ học chắc cũng phải cười ra… nước mắt. Mì đang làm ji đó? Wa tao chơi hok? Nghĩa là “Mày đang làm gì đó? Qua tao chơi không?”. Hay để thể hiện sự đồng tình, các em ghi “Uhm”. Nếu để trả lời điều mình chưa biết, các em có cách biến thể như sau “Tao hok bit nữa!”… Và còn nhiều cách biến thể đến chóng mặt của chữ Việt được thế hệ “sinh sau đẻ muộn” thời kỳ công nghệ thông tin sáng chế ra để nói chuyện và viết trong vở. Như vậy, các nguyên tắc, các luật về chính tả Việt Nam, các em đã bỏ qua một cách nhanh chóng để theo đuổi một loại chữ do chính các em tạo ra. Và điều gì đến sẽ đến, các em dẫu rằng lên tới đại học, vẫn viết sai chính tả là điều hiển nhiên. Hiển nhiên do cách các em tiếp cận những cách viết lóng, không theo khuôn mẫu, không theo luật gì cả mà chỉ do sự bột phát tạm thời của tuổi trẻ. Việc viết sai chính tả đã được ngành giáo dục quan tâm, nói đi nói lại hoài nhưng xem ra, việc rèn luyện cho các em có thể thành công ở bậc tiểu học, còn bậc THCS, THPT thì xem như bỏ ngỏ với những lý giải như đã nêu trên và do một phần các em tiếp thu trực tiếp từ công nghệ thông tin, trở thành thói quen, thành mốt mà những ai đang sống ở trong lứa tuổi đó phải biết.
Như vậy, có phải là một nghịch lý khi học chữ Việt hay không? Khi mỗi thầy cô giáo bậc tiểu học vất vả với các em thế nào nhưng khi lên các bậc cao hơn, các em lại bỏ quên nhanh chóng, lại đánh mất sự công phu đó của thầy cô để đổi lấy những nét chữ cẩu thả, những kiểu chữ “lạ”. Các em đã biến công lao của thầy cô giáo tiểu học thành công “dã tràng se cát”, bởi các em không còn giữ được nét thanh thoát, mềm mại, không còn viết đúng cỡ như hồi còn ở bậc tiểu học nữa. Đó là một thực tế đáng buồn mà mỗi chúng ta cần phải nhìn nhận lại để tìm giải pháp thích hợp, làm sao “kéo” các em trở về với những điều đã được học một cách cơ bản, để các em luôn luôn tự rèn luyện chữ viết, như để rèn luyện chính tính nết của mình, để câu dạy của người xưa “Nét chữ, nết người” luôn luôn là kim chỉ nam cho việc hoàn thiện nhân cách của mỗi HS.
Trần Minh Duy
(Trường Quốc tế Việt Úc)
Các nguyên tắc, các luật về chính tả Việt Nam đã bị bỏ qua một cách nhanh chóng để theo đuổi một loại chữ do chính các em tạo ra. Và điều gì đến sẽ đến, các em dẫu rằng lên tới đại học, vẫn viết sai chính tả là điều hiển nhiên. |
Bình luận (0)