Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nghịch lý khi phụ huynh lo con không có suất vào lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm nay, TPHCM luôn tuyển không đủ chỉ tiêu vào lớp 10. Thế nhưng, phụ huynh lại lo con không đủ suất, từ đó chạy đua gây áp lực cho con…

TPHCM chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10

Nhiều năm nay, TPHCM đặt mục tiêu tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học lớp 10 THPT công lập. Điều này khiến cho kỳ thi tuyển sinh 10 được phụ huynh đánh giá là một kỳ thi áp lực, khó để có được 1 suất vào trường công. Thế nhưng, một nghịch lý là cũng trong suốt nhiều năm, chưa năm này thành phố tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra vào các trường THPT công lập. Năm ngoái, con số tuyển cao nhất song cũng chỉ đạt 97% trong tổng chỉ tiêu đặt ra. Thậm chí, khi đã trúng tuyển rồi, phụ huynh học sinh sẵn sàng bỏ không học. 

TPHCM chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra vào lớp 10 song phụ huynh luôn sợ con mình không có suất

TPHCM chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra vào lớp 10 song phụ huynh luôn sợ con mình không có suất

Ông Võ Thiện Cang – Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, ngay trong đợt tuyển sinh vào lớp 10 năm ngoái, một trường THPT tại huyện Bình Chánh có tới 30% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 nhưng bỏ, không đăng ký nhập học.

“Tỷ lệ chọi cao đến nhiều từ các trường THPT nội thành, các trường THPT được phụ huynh đánh giá là tốp trên. Để xoá được áp lực cho con, chính phụ huynh phải thay đổi quan niệm, đừng gắn mác cho trường và cho con. Hiện nay, môi trường giáo dục tại các trường THPT toàn thành phố đều rất tốt, chất lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy, sự đầu tư cơ sở vật chất đều chuyển biến mạnh mẽ. Phụ huynh cần nhìn nhận đúng năng lực của con, lựa chọn các trường THPT phù hợp, gần nơi cư trú để giảm bớt áp lực học tập cho con, từ đó giảm bớt áp lực chung cho kỳ thi…” – ông Võ Thiện Cang nhấn mạnh. 

Năm học này, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) dự kiến tuyển sinh 15 lớp 10. Thế nhưng, trên thực tế trường chỉ có 12 lớp 12 ra trường. Sở dĩ phải đặt chỉ tiêu “dôi dư” ra tận 3 lớp, theo cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng nhà trường – là vì chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra, trừ hao như đi là vừa… 

“Hiện nay, nhà trường không ngừng cải thiện về cơ sở vật chất, tạo thêm những mảng xanh, xây dựng đa dạng các hoạt động phát triển năng lực học sinh, đội ngũ giáo viên luôn được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Song chính phụ huynh phải là những người thay đổi về tư duy, môi trường giáo dục nào cũng sẽ tốt với con, chỉ cần con cảm thấy thoải mái khi học tập…”.

Rớt nguyện vọng cao “sang hơn” đậu nguyện vọng thấp?

Tâm lý của phụ huynh vẫn luôn kỳ vọng vào con nên đặt ra cho con những áp lực

Tâm lý của phụ huynh vẫn luôn kỳ vọng vào con nên đặt ra cho con những áp lực

Nhìn nhận từ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM trong nhiều năm nay, cô Đỗ Thị Ngọc Hải – Phó hiệu trưởng Trường THCS Bàn Cờ (quận 3) – đánh giá, đề thi đã ngày càng giảm tải về khối lượng kiến thức, không chú trọng kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức một cách máy móc của học sinh mà “đánh mạnh” vào kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. 

Kiến thức trong đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình học cấp THCS, đa phần là lớp 9, trong đó 70% kiến thức đề thi là ở mức thông hiểu, vận dụng. Như vậy, với các kiến thức trên lớp giáo viên trang bị cho các em cùng với sự bồi dưỡng, ôn tập của thầy cô và khả năng tự học của học sinh thì việc lấy điểm 7-8 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là trong tầm tay.

“Rõ ràng, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải là vấn đề tạo nên áp lực cho học sinh. Nhưng tại sao trước mỗi kỳ thi chúng ta luôn thấy học sinh căng thẳng, thậm chí có nhiều em rơi vào trầm cảm, phụ huynh thì “lo sốt vó”. Vấn đề chính là nằm ở tâm lý của phụ huynh, chính phụ huynh đã tạo ra một cuộc tranh đua trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và đặt những áp lực lên vai con em mình” – cô Đỗ Thị Ngọc Hải khẳng định.

Bà dẫn chứng: Một bộ phận lớn phụ huynh luôn có kỳ vọng, mong muốn con phải học ở các trường này, trường kia mà không hề chú ý đến năng lực thực sự của con em mình đang nằm ở đâu. Sức học của con chỉ được 7-8 nhưng lại kỳ vọng con được 9-10 và đặt các nguyện vọng “trên trời” cho con.

“Không hiếm trường hợp vì phụ huynh kỳ vọng con vào các trường THPT lớn, với điểm trúng tuyển hàng năm cao mà đưa con đi học thêm hết giáo viên này đến giáo viên kia, đúng kiểu chạy đua để cho con vào lớp 10. Trong khi đó, với sức học của con, con hoàn toàn có thể “thong dong” bước vào một trường THPT công lập khác vừa sức một cách nhẹ nhàng. Thậm chí, còn có nhiều phụ huynh khi đặt nguyện vọng dù đã được giáo viên chủ nhiệm tư vấn rất kỹ về sức học của con và các nguyện vọng trường THPT phù hợp nhưng vẫn nhất quyết đặt nguyện vọng cao cho con, với tâm lý “rớt nguyện vọng cao còn sang hơn là đậu nguyện vọng thấp” – cô Đỗ Thị Ngọc Hải phân tích.

Hãy để con” thong dong” bước vào kỳ thi 

Thay vì áp đặt hãy trò chuyện cùng con để con thong dong bước vào kỳ thi tuyển sinh 10

Thay vì áp đặt hãy trò chuyện cùng con để con thong dong bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 9, cô Phạm Thanh Xuân – GVCN lớp 9/8, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) nhìn nhận, áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đến chủ yếu từ 3 nguyên nhân: tỷ lệ chọi; học sinh chưa tự tin vào bản thân; kỳ vọng từ gia đình. Trong đó, kỳ vọng của gia đình là nguyên nhân chính, lớn nhất tạo ra áp lực kỳ thi. 

“Tỷ lệ chọi cao khiến học sinh luôn sợ không đủ suất vào trường THPT công lập như mong muốn, nhất là các trường tốp trên. Nỗi sợ khiến các em thiếu tự tin vào bản thân, tự đặt áp lực cho mình bằng việc phải đi học thêm thật nhiều. Cuối cùng, sự kỳ vọng của gia đình lại càng khiến cho những nguyên nhân trên thêm căng thẳng" – cô Xuân đánh giá. 

Giáo viên này nêu thêm, nhiều phụ huynh với cách hỗ trợ con chưa đúng hướng, thấy con yếu ở phần nào liền cho con đi học thêm để bù lấp mà quên đi việc phải tìm hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu để giải quyết. Tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh vẫn là “nhìn sang con nhà người ta” để so sánh với con mình, làm gia tăng thêm những áp lực lên con. Chính các nguyên nhân này đã khiến việc đặt các nguyện vọng không phù hợp với năng lực học tập của con. 

“Áp lực về khái niệm trường chuyên, lớp chọn, các trường THPT tốp đầu nhiều năm nay đã phần nào cải thiện song vẫn còn rất lớn. Việc phụ huynh muốn con học ở trường tốt là hoàn toàn chính đáng song phụ huynh cần phải nhìn đúng vào năng lực của con, hỗ trợ và đồng hành cùng con để con thong dong bước vào kỳ thi…” – cô Xuân chia sẻ.

Theo Quốc Trung/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)