Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nghịch lý mía đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đường lậu tràn ngập, đường sản xuất trong nước lại xuất bán sang Trung Quốc.

Nhiều vấn đề được mổ xẻ tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2010 – 2011 do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 15- 7 tại TPHCM. Vụ mía 2011- 2012, dự kiến cả nước có khoảng 282.000 ha (tăng 11.000 ha so với vụ trước), sản lượng mía khoảng 16,9 triệu tấn (sản lượng đường 1,4 triệu tấn).
Xuất 100.000 tấn đường sang Trung Quốc
Theo báo cáo từ Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và nghề muối, những tháng gần đây có khoảng 100.000 tấn đường được xuất sang Trung Quốc (TQ). Đây là khối lượng nắm được, nếu cộng với khối lượng xuất tiểu ngạch thì còn nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sở dĩ năm nay xảy ra tình trạng xuất đường sang TQ là do TQ đang thiếu hụt nguồn cung cả triệu tấn, giá bên đó khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg, nên thương nhân TQ đến Việt Nam tìm mua.

Đường được bày bán tại chợ Bình Tây – TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Thời điểm này các nhà máy đường tiêu thụ rất chậm, cho dù giảm giá 1.500 đồng – 2.000 đồng/kg (giá bán buôn còn 16.000 đồng – 16.500 đồng/kg) cũng khó bán. Trong khi đó đường nhập lậu từ Thái Lan vẫn tràn về với số lượng lớn. Đường lậu phủ cả khu vực miền Trung, miền Tây. Khối lượng đường nhập lậu là bao nhiêu thì đến nay các cơ quan chức năng đều không trả lời được. Giá đường lậu luôn thấp hơn giá đường  trong nước khoảng 1.000 đồng –
2.000 đồng/kg.
Bà Lương Ánh Quỳnh, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết doanh nghiệp trong nước cần phải nhanh chóng hạ giá thành sản xuất mới mong ngăn chặn đường nhập lậu. Không phải chỉ có trốn thuế mà được hưởng lợi, họ còn phải tốn chi phí vận chuyển xa cũng như chịu nhiều rủi ro, do đó doanh nghiệp trong nước cần phải xem lại mình. Ông Bùi Xuân Trình, Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ), cho rằng việc chống buôn lậu đã được triển khai quyết liệt nhưng chưa thu được kết quả mong muốn, chỉ có cạnh tranh với họ mới giải quyết được vấn đề.
Nông dân vẫn chịu thiệt
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng cần phải tính toán lại lợi ích giữa các bên tham gia mặt hàng đường. Giá mía, đường hiện nay có hợp lý chưa? Với giá đường bán lẻ hiện nay khoảng 22.000 đồng/kg, trong đó nông dân trồng mía nếu bán được giá cao 1.000 đồng/kg (tức 1 triệu đồng/tấn) thì nhà máy hưởng 8.000 đồng/kg, còn hệ thống phân phối hưởng 4.000 đồng/kg. Trong 8.000 đồng nhà máy hưởng thì chi phí sản xuất chiếm khoảng 4.000 đồng/kg.
Mặc dù nói giá mía bán cao như vậy nhưng đa số người dân bán mía với giá từ 800.000 đồng- 900.000 đồng/tấn, trong khi chi phí lao động tăng cao, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đều tăng. Do đó người trồng mía được hưởng lợi rất ít từ cây mía. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết nông dân chưa yên tâm sản xuất là do giá mía tăng “ảo”, còn giá bán thật vẫn còn thấp. Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng đối với cây lúa, nông dân được Chính phủ bảo đảm lãi tối thiểu 30%, còn cây mía thì chưa có chính sách nên khó phát triển được vùng trồng mía.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc độc quyền vùng nguyên liệu chỉ làm lợi cho nhà máy, còn nông dân phải chịu thiệt thòi vì không thể bán cho nhà máy với giá cao. Ở Thanh Hóa, người dân bán  mía chỉ được 650.000 đồng/tấn, trong khi những nơi khác giá cả triệu đồng. Từ đó, diện tích trồng mía ở Thanh Hóa teo tóp dần, từ 30.000 ha giảm còn 26.000 ha, năng suất cũng giảm từ 56 tấn xuống còn 45 tấn- 47 tấn/ha.
Lo ngại cuối năm thiếu đường
Tồn kho đường đến giữa tháng 6 của các nhà máy là 347.000 tấn (chưa kể tồn kho trong thương mại), cộng với lượng đã cấp quota nhưng chưa nhập khẩu còn 142.000 tấn.
 
Với mức tiêu thụ khoảng 100.000 tấn/tháng, lượng đường này đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường đến hết tháng 10- 2011. Đến tháng 8 tới, một số nhà máy sẽ vào vụ mới, và đến tháng 9, tháng 10 các nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào vụ.
Tuy nhiên, tình trạng đường luân chuyển cuối vụ, theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối là quá “mỏng”, nên dễ xảy ra sốt giá vào tháng 10, tháng 11 và khó tránh khỏi hiện tượng đầu cơ đẩy giá lên cao.

Các cơ quan chức năng lo ngại tình trạng xuất bán đường sang TQ như hiện nay sẽ làm cho nguồn cung trong nước cuối năm thiếu hụt.
NGUYỄN HẢI / NLĐ


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)