Đã có nhiều quy định kiểm soát nạn mua sắm chi tiêu công tràn lan. Thế nhưng, cho tới giờ, sản phẩm của các DN trong nước vẫn không được các “ông lớn” để mắt đến khi mua sắm, chi tiêu công.
Nhằm tạo cơ hội cho hàng hóa và doanh nghiệp (DN) Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đối với các gói thầu xây lắp chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu, hoặc đã tổ chức đấu thầu trong nước rồi mà không tìm được nhà thầu thích hợp.
Ngoài ra, khi đấu thầu mua sắm hàng hóa chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế nếu hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu, hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất, hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA… thì mới sử dụng đến các sản phẩm ngoại.
Mua sắm, chi tiêu công cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước
Ảnh Quý Hòa
Như thế sẽ bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa để các DN trong nước nhận được hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Kết quả của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa thật sự mang tính thuyết phục sau một thời gian dài được triển khai.
Chưa thể nói chương trình hiệu quả tới đâu, chỉ thấy hiện tại khẩu hiệu này đã ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận người tiêu dùng.
Với chúng tôi, thay đổi tư duy của người tiêu dùng là động lực thúc đẩy các DN trong nước phát triển, nhưng những người hô hào khẩu hiệu trên lại không lựa chọn hàng Việt thì quả là nghịch lý.
Trên thực tế, trong suốt thời gian dài, đấu thầu các dự án đầu tư vốn nhà nước sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước không được quan tâm đúng mức, do đó hàng hóa nước ngoài thường được ưu tiên và thắng thầu.
Một mặt do hồ sơ mời thầu các dự án lớn đến nay vẫn thường được giao cho các cơ quan tư vấn nước ngoài soạn thảo, các tiêu chuẩn được đưa vào hồ sơ mời thầu cũng thường được sao chép lại từ các hồ sơ được đánh giá là đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nói cách khác, rất ít hoặc không có DN Việt Nam nào đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra, dẫn đến không lọt qua được vòng sơ tuyển để được dự thầu.
Ví dụ, trong lĩnh vực điện năng, ngoại trừ những trường hợp được chỉ định thầu, còn thì các DN Việt Nam chỉ có khả năng làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài.
Đối với các gói thầu quy mô nhỏ hơn, việc soạn thảo hồ sơ mời thầu có phần linh động hơn, thế nhưng một số DN Việt Nam hội đủ điều kiện dự thầu lại vướng phải các vấn đề chi phí lập hồ sơ đúng tiêu chuẩn và chi phí quan hệ. Và chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể bị loại.
Về phía DN, dẫu biết cần phải nâng cao năng lực sản xuất để làm ra hàng hóa có chất lượng cao, phù hợp với tiêu chí mà hồ sơ mời thầu đưa ra, nhưng tôi cũng mong rằng, trong tương lai không xa, sản phẩm của chúng tôi cũng được các cơ quan nhà nước đưa vào danh sách lựa chọn khi cần mua sắm.
Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các DN trong nước, nhất là các DN nhỏ, phát triển, mà còn giúp Chính phủ giảm bớt thâm hụt ngân sách vì giá thành hàng hóa do chúng tôi sản xuất chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại nhập.
Hơn nữa, chúng tôi cũng hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị bổ sung “Về việc ưu tiên sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước” trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và mua sắm của các cơ quan nhà nước, các bộ, ban, ngành trực thuộc Chính phủ từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời, để có cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương này, Chính phủ cần ban hành các quy chế về đấu thầu, mua sắm vật tư cho các cơ quan nhà nước, nêu rõ điều kiện “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan trong Luật Đấu thầu (ngày 29/11/2005).
LÊ SƠN / DNSG
Bình luận (0)