Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, 8 tháng đầu năm 2015 huy động vốn bằng ngoại tệ trên địa bàn thành phố tăng trên 12% so với đầu năm 2014. Trong đó, tiền gửi thanh toán bằng ngoại tệ của tổ chức và cá nhân tăng 8,2% (tương đương hơn 160.100 tỷ đồng), và tiền gửi tiết kiệm từ dân cư tăng tới 17,47% (tương đương gần 74.900 tỷ đồng). Trong khi huy động ngoại tệ tăng cao thì tín dụng ngoại tệ lại giảm, dư nợ 8 tháng giảm 2,6%.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận dư nợ cho vay ngoại tệ giảm trong khi huy động tăng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt hơn. Tỷ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ trên thị trường hiện khoảng 80%, nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài thì chỉ vào khoảng 60%. Giai đoạn 2011 – 2012, tỷ lệ này là trên 100%, các ngân hàng trong tình trạng luôn sử dụng hết tiền huy động để cho vay.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu – ông Nguyễn Thanh Toại cũng thông tin, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào.
Huy động bằng ngoại tệ 8 tháng qua trên địa bàn TP HCM tăng mạnh. Ảnh: QH. |
Lý giải hiện tượng trên, ông Toại cho rằng, lượng USD mà các tổ chức, doanh nghiệp gửi tại ngân hàng thời gian qua đa phần là tiền gửi thanh toán nên phần lớn họ giữ không chỉ vì lãi suất, mà để phục vụ nhu cầu chi trả xuất nhập khẩu sau này hoặc có kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng. "Do đó, tiền gửi ngoại tệ thời gian qua có xu hướng tăng cao", ông Toại nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận, giai đoạn vừa qua chứng kiến sự phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ và thông tin Mỹ sẽ điều chỉnh tăng lãi suất, nhiều người đã kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng. Vì vậy, tình trạng găm giữ ngoại tệ đã xuất hiện nên lượng tiền USD gửi vào ngân hàng tăng mạnh.
Một nguyên nhân khác được Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing chỉ ra là nhờ nguồn cung USD thời gian qua khá dồi dào từ kiều hối gửi về, số lượng ngoại tệ giải ngân FDI cao, xuất khẩu khả quan…
Trong khi đó, đầu ra ngoại tệ gặp khó vì bị siết chặt đối tượng vay. Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích kể từ 2013, các ngân hàng chỉ được phép cho vay ngoại tệ đối với 4 nhóm nhu cầu, gồm vay ngắn hạn – trung và dài hạn để thanh toán nhập khẩu; vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu; vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu và vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài… "Do đối tượng được vay ngoại tệ bị siết, tức không phải đơn vị nào cũng được vay nên tín dụng giảm là điều dễ hiểu", ông bình luận.
Lý do khác được phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nêu lên đó là việc các doanh nghiệp xuất khẩu ngại vay ngoại tệ vì chứng kiến tỷ giá biến động tương đối mạnh thời gian qua. Nếu tính hai lần tăng tỷ giá cộng với hai lần điều chỉnh biên độ thì mức tăng cao nhất của tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay lên tới 5%. Mức thay đổi này cộng với lãi suất cho vay thực tế bằng ngoại tệ tại các ngân hàng hiện dao động 3,5-5% nữa thì tổng mức lãi mà doanh nghiệp vay thực trả lên tới gần 10%, cao hơn nhiều so với tiền đồng chứ không hề rẻ.
Mặt khác, các áp lực đồng nhân dân tệ có còn giảm giá hay không, Mỹ tăng lãi suất USD lúc nào…, vẫn còn treo lơ lửng nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngại vay USD vì sợ tỷ giá còn biến động. "Đây có thể là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp chùn tay khi vay ngoại tệ, số khác sợ rủi ro về tỷ giá nên đã mua ngoại tệ trả nợ trước hạn và vì thế mà tăng trưởng tín dụng của loại tiền này giảm thời gian qua", ông nói.
Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia đều đánh giá đây là tín hiệu tốt, trước hết là giúp thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng dồi dào hơn. Bước tiếp theo là giúp Ngân hàng Nhà nước có thể triển khai mục tiêu chống "đôla hóa", từng bước chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ. "Nói cách khác, khi nào quan hệ mua bán ngoại tệ thay thế hoàn toàn quan hệ vay mượn ngoại tệ thì Nhà nước sẽ phần nào thành công trong việc chống đôla hóa", ông Hiếu nhìn nhận.
Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý, thanh khoản ngoại tệ quá dư thừa (tỷ lệ cho vay/huy động không nên dưới 80%) cũng không tốt cho ngân hàng vì sẽ gây áp lực lên chi phí cũng như đối mặt với nhiều rủi ro khác.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, động thái hạ lãi suất huy động USD với cá nhân xuống 0,25% và doanh nghiệp, tổ chức xuống 0% vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, cộng với cam kết ổn định tỷ giá trong thời gian tới là nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ (cũng là nhằm giảm bớt tỷ lệ tăng tiền gửi huy động USD) và là tiền đề để các ngân hàng thu hút nguồn vốn tiền gửi VND trong thời gian tới, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, ông Minh cũng kỳ vọng dưới tác động của lãi suất tiền gửi USD về 0% mỗi năm thì lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng tiền đồng và USD sẽ giảm nhẹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ thực sự vay USD với lãi suất thấp hơn, giúp giảm chi phí tài chính và giảm giá thành sản phẩm trên thị trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn khó khăn, hàng loạt các nước cắt giảm lãi suất như: Nhật Bản đưa lãi suất về 0%, Trung Quốc cắt giảm 0,25%, Ấn Độ giảm 0,5%, còn Thuỵ Điển, Dan Mạch, Thuỵ Sĩ thì duy trì mức lãi suất âm…, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng, không chỉ hạ lãi suất USD mà thời gian tới Việt Nam chắc chắn sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu bằng tiền đồng khi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Hôm nay là ngày thứ ba thực hiện chính sách mới về hạ trần lãi suất huy động USD, tỷ giá trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi. Theo đó, giá USD bán ra đầu ngày 30/10 tại Eximbank lần lượt giữ nguyên ở mức 22.510 đồng, còn mua vào dao động quanh 22.445 đồng. Vietcombank có nhích lên so với ngày trước khi hạ lãi suất nhưng cũng không cao hơn Eximbank, chỉ quanh 22.510 đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản được ghi nhận khá cao, tỷ giá đầu ngày giảm mạnh, được xem là một phản ứng trước quyết định hạ trần lãi suất USD mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, mức quy đổi tăng nhẹ trở lại sau đó và giao dịch trong khoảng 22.480 – 22.500 đồng.
Lệ Chi (VNE)
Bình luận (0)