Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nghịch lý thiếu – thừa nhân lực giữa các ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh tìm hiểu về ngành nghề trong một buổi tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Trong khi nhiều ngành nghề “cung không đủ cầu” thì cũng có một số ngành nghề dư thừa nhân lực khiến sinh viên tốt nghiệp lao đao tìm việc làm.
Hiện nay, trong tình hình các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu nhiều lao động bỗng trở nên thừa nhất là ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…
Người lao động lo bị sa thải
Năm 2008 trở về trước, tài chính được coi là một ngành “hot” khi thu hút nhiều nhân lực, lương cao nhưng những năm gần đây, không ít sinh viên ngành này dở khóc dở cười khi phải làm việc trái ngành học hay… thất nghiệp.
Tốt nghiệp loại khá ngành tài chính ngân hàng  Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) gần 2 năm nay, N.T.N.A đã nộp hồ sơ xin việc ở khoảng 10 ngân hàng nhưng chẳng có kết quả. Cuối cùng, N.A đành xin làm nhân viên văn phòng tại một công ty, công việc không liên quan gì đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Không chỉ có sinh viên ra trường mới thất nghiệp mà nhiều nhân viên tại các doanh nghiệp cũng nơm nớp lo sợ bị cắt giảm nhân sự. Chị N.T.T.H (đang làm việc tại một ngân hàng ở Q.Phú Nhuận) cho hay: “Ngân hàng tôi đang làm từ đầu năm đến nay đã cắt giảm khá nhiều nhân sự và cắt giảm lương của nhân viên. Nếu những năm trước chúng tôi được thưởng Tết khoảng 4-5 tháng lương thì năm vừa rồi thưởng rất ít. Tôi đang có bầu và lo sợ khi sinh xong cũng bị cắt giảm nhân sự”.
Theo kết quả nghiên cứu của một trang web tuyển dụng, từ đầu năm 2013 đến nay, ngành ngân hàng giảm khoảng 36% nhu cầu nhân lực và là một trong 5 ngành có mức giảm nhu cầu nhân lực nhiều nhất. Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu nhân lực ngành này trong năm tới sẽ tiếp tục giảm tuyển dụng, cắt giảm nhân sự trước thực trạng mua bán, sáp nhập của các ngân hàng.
Từ thực tế này, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương cắt giảm chỉ tiêu đào tạo ngành tài chính ngân hàng. Đồng thời, nhiều ngành khác trong nhóm ngành kinh tế đang dư thừa lao động như kế toán, quản trị kinh doanh… cũng bắt đầu giảm chỉ tiêu ở các trường. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM giảm 1.200 chỉ tiêu so với năm trước, trong đó ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán có mức giảm mạnh nhất (khoảng 30-40%), từ 1.900 chỉ tiêu xuống còn 1.250 chỉ tiêu. Chỉ tiêu năm nay của Trường ĐH Sài Gòn là 3.900 (giảm khoảng 1.400 chỉ tiêu) so với năm trước, trong đó nhóm ngành tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh giảm mạnh nhất (giảm khoảng 40%).
Nhiều ngành còn thiếu lao động
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý 1 vừa qua nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở nhóm ngành: Dịch vụ phục vụ, cơ khí – tự động hóa, công nghệ thông tin, kiến trúc – xây dựng, dệt may – giàyDự báo trong  quý 2 năm 2013, nhu cầu nhân lực cao nhất vẫn là một trong những nhóm ngành này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm – cho hay: “Từ nay đến năm 2020, có 4 ngành kinh tế chủ lực cần nhiều lao động là cơ khí chế tạo chính xác – tự động hóa: Cần khoảng hơn 8.000 người/năm; điện tử – công nghệ thông tin: Cần 16.200 người/năm; chế biến thực phẩm: Cần 10.800 người/năm; hóa chất – hóa dược – mỹ phẩm: Cần 10.800 người/năm”. Bên cạnh đó, các ngành như nông lâm, dịch vụ… vẫn có xu hướng phát triển nhân lực, vì thế sinh viên tốt nghiệp những ngành này trong thời gian tới sẽ dễ kiếm việc làm, thu nhập ổn định hơn.
Trong những nhóm ngành chủ lực trên, chế biến thực phẩm và điện tử – công nghệ thông tin không phải là các ngành thu hút nhiều thí sinh. Hiện nay nhiều doanh nghiệp cần lao động trong ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt là lao động chất lượng cao nhưng vẫn không tuyển đủ. Thậm chí trên một trang web việc làm đã rao tuyển dụng gần cả năm mà vẫn không kiếm được ứng cử viên phù hợp. Còn đối với ngành công nghệ thông tin, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ năm 2013 đến 2015, xu hướng nhu cầu nhân lực ngành này chiếm tỷ lệ 7,75% (khoảng 23.000-25.000 người). Nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhóm ngành này trong năm 2012 tăng 66% so với năm trước, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ trung cấp, CĐ, ĐH cần nhiều ở các chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, nhân viên phát triển phần mềm… Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động năm 2012 cho thấy nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng 70% nhu cầu tuyển dụng”.
Bài, ảnh: D.B

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)