Đợt xét tuyển NV2 vào các trường ĐH, CĐ năm nay đã xảy ra không ít lộn xộn ở các trường, làm mất công bằng trong tuyển sinh. Đáng nói, sự việc bắt nguồn từ những quy định có nhiều mâu thuẫn của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh làm đơn xin chấm phúc khảo tại trường ĐH Y Dược TP.HCM. Đây là trường có thông báo tuyển sinh ngoài ngân sách nhưng giờ cuối lại có sự thay đổi – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không cho đào tạo nhưng vẫn cấp chỉ tiêu
Như Báo Thanh Niên đã đề cập, trước kỳ tuyển sinh năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định không cấp chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách (diện tự túc kinh phí đào tạo) cho bất kỳ trường nào. Tuy nhiên, thông qua hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng, Bộ đã cấp chỉ tiêu cho nhiều trường để đào tạo hệ này như là một biến tướng của hệ ngoài ngân sách (tuyển điểm thấp và thu học phí cao). Chẳng hạn trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, ngoài tổng chỉ tiêu đã công bố trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, Bộ còn cấp bổ sung thêm 130 chỉ tiêu hệ chính quy cho trường với lý do để “đào tạo nhân lực cho địa phương và Quân khu 3”. Tuy nhiên, trong 130 chỉ tiêu này chỉ có 30 được dùng để đào tạo cho Quân khu 3, 100 dự kiến đào tạo cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa (Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh). Theo tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện tỉnh này đang có tới hơn 700 sinh viên đào tạo theo diện cử tuyển còn chưa có việc làm. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương chỉ là hợp thức hóa số chỉ tiêu này.
Điều đáng nói, theo văn bản về hướng dẫn đào tạo theo địa chỉ sử dụng mà Bộ mới ban hành thì người học sẽ được đơn vị đề nghị đào tạo hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, thực tế hầu hết chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng đều được các trường thỏa thuận với các đơn vị thu học phí cao từ người học. Như vậy, việc cho phép đào tạo hệ này thực chất là việc cho đào tạo ngoài ngân sách.
Cho công khai nhưng không công nhận
Một nghịch lý khác gây ra sự lộn xộn là có những thông tin của các trường ĐH, CĐ đăng công khai trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ (do Bộ GD-ĐT phát hành) nhưng đến khi các trường thực hiện thì Bộ lại không công nhận.
Điển hình là sự việc của trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định. Trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, Bộ GD-ĐT cho đăng công khai thông tin trường xét tuyển khối B cho những ngành kỹ thuật. Thế nhưng đến khi trường làm đúng như thông tin đã công khai (nhưng do việc này là không đúng quy định) thì Bộ lại “thổi còi”.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng trong tình trạng này. Mặc dù, năm nay, Bộ không cho trường nào đào tạo ngoài ngân sách nhưng trong cuốn những Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2011 lại cho trường này và một số trường khác đăng công khai chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách. Sau khi có dư luận phản ảnh, lãnh đạo Bộ lại lý luận: “Cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ cũng chưa phải là văn bản chính thức của Bộ về việc duyệt chỉ tiêu cho các trường. Tài liệu trên có đề cập đến chỉ tiêu ngoài ngân sách chỉ là nguyện vọng của nhà trường”!
Không công khai những điều cần minh bạch
Năm nào cũng vậy, cứ sau khi công bố điểm sàn và xét tuyển NV2 thì lại xuất hiện tình trạng các trường khó tuyển sinh phải xin hạ điểm sàn bằng cách vận dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh. Muốn vận dụng được điều này, các trường sẽ phải hợp thức bằng việc xin được là trường “đào tạo nhân lực cho địa phương”. Vì vậy để được vận dụng quy chế, có trường đóng tại thành phố lớn nhưng đến các địa phương xin được xác nhận đào tạo cho địa phương!
Điều đáng nói, khái niệm về “đào tạo nhân lực cho địa phương” đã được Bộ GD-ĐT và các trường vận dụng “linh hoạt” tùy theo việc xin – cho ở các trường từng năm. Năm nay, do thiếu nguồn tuyển, rất nhiều trường đóng tại các địa phương được vận dụng quy chế này. Thế nhưng, đối tượng tuyển sinh của những trường này vẫn là thí sinh trong cả nước (như những trường đóng tại khu vực khác) nhưng lại được tuyển điểm thấp hơn! Vấn đề đặt ra là tại sao Bộ không công khai chính thức trường nào được vận dụng Quy chế tuyển sinh mà phải để các trường đề nghị? Điều này thật sự không khó khăn và năm nào báo chí cũng phản ánh nhưng không hiểu sao Bộ không chịu công khai!
Công bố điểm trúng tuyển trước thời hạn
Dù chưa hết thời gian nộp hồ sơ xét tuyển NV2 nhưng trường ĐH Võ Trường Toản đã 2 lần công bố điểm chuẩn dự kiến xét tuyển NV2 bậc ĐH chính quy ngành dược. Lần thứ nhất vào ngày 30.8 trường đã công bố trên website điểm chuẩn dự kiến NV2 ngành này là 18 cho cả khối A và B. Sau ngày 8.9, trường công bố điểm lần 2 (cũng 18) và thông báo thí sinh đã đăng ký xét tuyển NV2 vào ngành dược trình độ ĐH nhưng không trúng tuyển sẽ được ưu tiên xét tuyển vào ngành dược trình độ CĐ. Nếu thí sinh có NV, trường sẽ chuyển xét tuyển từ ĐH sang CĐ hệ chính quy ngành dược. Bên cạnh đó, trường không công khai về số hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh mỗi ngày theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Theo thông báo của trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), khi tra cứu website của trường, thí sinh nộp hồ sơ vào trường có thể biết ngay kết quả xét tuyển NV2. Nhưng khi chúng tôi nhập thử tên một số thí sinh trong danh sách mà trường công khai trên website thì dù ở mức điểm nào cũng thấy hiển thị kết quả trúng tuyển!
Trong khi đó, để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh khi tham gia xét tuyển, Bộ GD-ĐT quy định các trường không được phép công bố điểm chuẩn NV2 trước khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ (sau ngày 15.9), dù đó là kết quả chính thức hay dự kiến.
Hà Ánh
|
Theo Vũ Thơ
(thanhnien)
Bình luận (0)