Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghịch lý trong xử lý hàng giả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hàng gian, hàng giả đang mỗi ngày làm hại nhiều doanh nghiệp chân chính. Cơ quan nhà nước cũng xác định, hàng gian, hàng giả, hàng lậu làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, một bất hợp lý là ngay cả doanh nghiệp sản xuất chân chính đi khiếu nại, “kêu gào” xử lý hàng gian, hàng giả nhưng… “má đã sưng vẫn không được vạ”. 

Nhiều nhãn hàng nước ngoài thấy thế lại không hợp tác với cơ quan chức năng để xác định hàng giả, vì sợ báo chí công khai sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu. Nguyên nhân, việc xử lý không nghiêm, không đến nơi đến chốn, khiến doanh nghiệp phải chọn giải pháp… tự bơi!
Mặt hàng bóp, túi xách hay bị nhái thương hiệu 
Xử như gãi ngứa!
Tại hội nghị về hàng gian, hàng giả mới đây, đại diện Ban giám đốc Công ty Thời trang Nón Sơn phản ánh, người làm hàng giả, hàng nhái nhận siêu lợi nhuận, nhưng việc xử lý sai phạm chỉ như “gãi ngứa”, khiến người làm hàng giả trở nên “lờn thuốc”. Điều bất hợp lý là vi phạm kinh doanh nhưng nhà nước lại quy định mức phạt rất thấp, không đủ sức răn đe. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái sẵn sàng vi phạm, nộp phạt để sản xuất, kinh doanh hàng giả thu lợi nhuận lớn. 
Đó là chưa kể, cơ quan chức năng làm không hết trách nhiệm, hoặc bảo kê cho vi phạm. Có trường hợp đơn vị sản xuất hàng giả mở nhà máy hoạt động công khai với hàng trăm công nhân, máy móc, trang thiết bị đầy đủ, có địa chỉ rõ ràng… Người dân xung quanh ai cũng biết điểm sản xuất hàng giả nhưng cán bộ địa phương… không hay biết. Thậm chí có những địa chỉ từng bị kiểm tra, xử phạt nhưng sau đó vẫn tái phạm. “Một hoạt động vi phạm công khai mà nói địa phương không biết là có vấn đề”, một giám đốc doanh nghiệp bức xúc. Ông Trần Thanh Kha (Công ty NGK SPARK PLUS Việt Nam) cũng phản ánh, công ty đã đầu tư vào Việt Nam năm 2015, đã chiếm khoảng 70% thị phần nhưng tỷ lệ bugi NGK vẫn bị làm giả đến 20%. Bugi giả gây nguy hại cho người sử dụng xe máy nhưng nhà sản xuất lén lút đưa hàng ra thị trường vì lợi nhuận cao. 
Rất nhiều phản ánh với cơ quan chức năng bị chìm xuồng vì không điều tra ra được. Nếu doanh nghiệp muốn bảo vệ mình thì phải tự đi điều tra. Nhưng bất hợp lý ở chỗ, dù điều tra ra địa chỉ thì doanh nghiệp cũng không có chức năng xử lý, lại phải báo cơ quan quản lý, nhưng khi đi cùng lực lượng chuyên trách đến kiểm tra thì quá chậm, kẻ gian biến mất hoặc đã tẩu tán hết hàng giả. 
Và vì lỏng lẻo nên số lượng hàng lậu ngày càng lớn, hàng gian, hàng giả trong nước, rồi hàng lậu tuồn qua biên giới khiến cơ quan chức năng kiểm tra không xuể, doanh nghiệp chân chính đành… “sống chung với lũ!”.
Hàng giả lên mạng… 
Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết hiện hàng giả, hàng nhái không chỉ được rao bán tràn lan trên thị trường ở kênh truyền thống mà còn ở các kênh online. Giá bán hàng rẻ hơn nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp chính hãng. Các mặt hàng mỹ phẩm hiện đang bị làm giả, nhái nhiều nhất và đang được mua bán, kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), cuối năm 2017, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD. Mặc dù người tiêu dùng quan sát sẽ thấy việc rao bán trên mạng hiện nay có những doanh nghiệp giả mạo nhãn hiệu, chẳng hạn như đồng hồ Rolex thật có mức giá đến hàng trăm triệu đồng/chiếc nhưng trên mạng chỉ rao bán giá vài triệu đồng, ai cũng biết giả nhưng vẫn cứ mua nên rất khó trong phát hiện xử lý. 
Ngược lại, mặc dù hàng giả ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp chân chính, thế nhưng một số cơ quan quản lý cho biết khi phát hiện hàng giả đã mời đại diện thương hiệu đến đối chiếu nhưng họ từ chối, không hợp tác vì sợ phát hiện có hàng giả, báo chí thông tin thì ảnh hưởng đến thương hiệu, làm lung tay niềm tin của khách hàng. Trong khi đó, nếu phối hợp với cơ quan chức năng thì hiệu quả không cao, xử lý rồi thì đối tượng làm hàng giả vẫn tái phạm, không triệt để.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện 79.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thế nhưng, lượng hàng giả trên thực tế vẫn tăng nhiều hơn chứ không giảm đi sau xử lý. Trong khi đó, dù Ban chỉ đạo 389 Quốc gia có trách nhiệm chính trong hoạt động đấu tranh với hàng gian, hàng giả nhưng trước tình hình hàng gian, hàng giả công khai thì lãnh đạo đơn vị này đòi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ vừa có trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ các quan chức năng và người tiêu dùng.
CHẾ HÂN (theo SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)