Trong các cuộc hội thảo, hội nghị và phát biểu trên các phương tiện truyền thông, không ít trường đại học (ĐH) mạnh mẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép được tự chủ tuyển sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã chính thức đề nghị các trường ĐH trọng điểm chủ động đề xuất phương án tuyển sinh, nếu thấy phù hợp thì Bộ sẽ cho phép tự chủ.
Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay mùa thi năm 2012 đã cận kề vẫn chưa có trường nào gửi đề án tự chủ đến Bộ GD-ĐT. Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng những trường lớn vẫn thích thi tuyển sinh “ba chung” vì nhà trường nhàn hơn mà vẫn xét tuyển được những thí sinh có chất lượng.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là ĐH đầu tiên được Bộ thí điểm giao quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực. Từ năm 2010, Bộ đã yêu cầu đề xuất phương án tuyển sinh nhưng đến năm nay vẫn chưa thực hiện. Tại cuộc hội thảo về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo mới diễn ra tại trường này, ông Nguyễn Cảnh Lương – Phó hiệu trưởng, cho biết trường vẫn chưa thể công bố phương án tuyển sinh vì có những rủi ro. Phát biểu tại cuộc hội thảo nêu trên, Bộ trưởng Bộ
GD-ĐT đã yêu cầu trường nêu cao vai trò là trường trọng điểm. Bộ trưởng nói: “Trường đề nghị được tự chủ nhưng trong vấn đề tuyển sinh thì chưa thấy tự chủ. Khi tự chủ thì phải chấp nhận rủi ro, Bộ sẵn sàng chia sẻ những rui ro với trường”.
Bộ trưởng còn cho biết khi Bộ yêu cầu 2 ĐH Quốc gia và 16 ĐH trọng điểm đề xuất phương án tuyển sinh thì có trường còn yêu cầu ngược lại là Bộ phải có văn bản chỉ đạo mới làm. Điều này cho thấy các trường có thái độ sợ trách nhiệm.
Trong lúc các trường trọng điểm còn rụt rè khi nhận được quyền tự chủ thì nhiều trường không nằm trong diện này lại mong muốn được đổi mới. Thực tế cho thấy ngay từ năm 2007, một trường ĐH mới thành lập đã có đề án xin phép Bộ GD-ĐT được tự chủ trong tuyển sinh. Dù Bộ không đồng ý nhưng từ đó đến nay, trường ĐH này vẫn có kỳ thi riêng và chỉ lấy kết quả thi “ba chung” là điều kiện đủ cho TS trúng tuyển vào trường.
Có thể thấy, với tư duy “ngại trách nhiệm” như hiện nay của không ít trường được xem là đầu tàu của giáo dục ĐH thì có lẽ sẽ lại một mùa tuyển sinh nữa không nhiều thay đổi, trong khi nhu cầu phải đổi mới là bức bách. Thận trọng là cần thiết, nhưng thận trọng không có nghĩa là không làm để chậm cả quá trình đổi mới.
Theo Vũ Thơ
(TNO)
Bình luận (0)