Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghịch lý tuyển sinh: điểm cao rớt, điểm thấp đậu

Tạp Chí Giáo Dục

Đăng ký xét tuyển cùng ngành, cùng trường, nhưng thí sinh điểm cao vẫn rớt đợt 1 trong khi thí sinh điểm thấp hơn lại trúng tuyển đợt sau. Đó là bất cập đang khiến nhiều phụ huynh, thí sinh bức xúc trong xét tuyển ĐH 2016…

Nghịch lý tuyển sinh: điểm cao rớt, điểm thấp đậu
Thí sinh đến nhận giấy báo trúng tuyển và nộp phiếu điểm tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Lần đầu tiên trường này phải xét tuyển bổ sung 1.000 chỉ tiêu – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trên diễn đàn các trường ĐH, các thí sinh đang tranh luận gay gắt về hiện tượng bất thường: đăng ký xét tuyển cùng ngành, cùng trường mà thí sinh điểm cao hơn thì trượt, còn thí sinh điểm thấp thì đậu.

Tuy nhiên, bên cạnh những bức xúc từ thí sinh “chịu thiệt” thì những thí sinh trúng tuyển ở đợt sau lại hân hoan vì “trâu chậm bất ngờ được uống nước… trong”.

Trường hạ điểm chuẩn, thí sinh bức xúc

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, tất cả các ngành đều có điểm trúng tuyển bổ sung thấp hơn từ 0,5-2,75 điểm so với điểm chuẩn đợt 1. Điểm trúng tuyển bổ sung nhà trường không còn áp dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển như đợt 1.

Theo đó, ngành răng hàm mặt có điểm trúng tuyển bổ sung là 25,5, trong khi điểm chuẩn đợt 1 ngành này là 26 (giảm 0,5). Ngành dược học 23,5 (điểm chuẩn đợt 1 là 25,25, giảm 1,75). Ngành điều dưỡng (gây mê hồi sức) có điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung là 20, giảm đến 2,75 điểm.

Trong khi đó ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, so với điểm chuẩn đợt 1 chỉ có ngành kỹ thuật y học tăng 0,5 điểm (điểm chuẩn bổ sung là 22,25), bốn ngành còn lại đều giảm. Đáng chú ý, ngành răng hàm mặt là ngành có điểm chuẩn cao nhất đợt 1 (23,25 điểm), trường xét tuyển bổ sung với tám chỉ tiêu nhưng chỉ có năm thí sinh trúng tuyển với điểm chuẩn 22,75.

Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung, nhiều thí sinh, phụ huynh tìm đến tận các trường ĐH bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng việc các trường hạ điểm chuẩn là “quá bất công”.

Chị Dương Thái Nguyệt Hằng (Bến Tre) cho biết cháu của chị đăng ký xét tuyển đợt 1 vào ngành dược học và ngành y học cổ truyền Trường ĐH Y dược TP.HCM, đồng thời đăng ký hai ngành tương tự tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

“Điểm chuẩn đợt 1 ngành y học cổ truyền Trường ĐH Y dược TP.HCM là 24 điểm, trong khi cháu tôi đạt 23,75 điểm nên rớt nhưng lại đậu vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ nên buộc lòng phải xuống Cần Thơ học.

Vài ngày sau, ĐH Y dược TP.HCM thông báo hạ điểm để xét bổ sung, chúng tôi đến ĐH Y dược Cần Thơ xin rút giấy báo điểm lại nhưng không được.

Nay ĐH Y dược TP.HCM công bố điểm trúng tuyển bổ sung ngành y học cổ truyền với mức điểm cháu tôi dư 0,5 điểm. Quy chế tuyển sinh của bộ năm nay làm cho thí sinh hụt hẫng” – chị Hằng bức xúc.

Bạn Thanh Quý (Từ Sơn, Bắc Ninh) – một thí sinh đạt 23,5 điểm nhưng rớt Học viện Tài chính vì thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 – cho rằng việc bộ cho phép các trường lấy điểm chuẩn đợt sau có thể thấp hơn đợt trước là rất vô lý.

“Những năm trước, điểm chuẩn đợt 2 luôn cao hơn đợt 1 vì thường ở đợt tuyển bổ sung còn rất ít chỉ tiêu và những người còn lại ở đợt này là những bạn đã không lựa chọn được ngành phù hợp với mức điểm của mình.

Còn năm nay, bản thân mình đạt mức điểm dư so với điểm chuẩn cuối cùng (đợt bổ sung) của ngành kế toán Học viện Tài chính đến 1,5 điểm mà rốt cuộc lại không đậu” – Quý cho biết.

Điều không mong muốn

Thực tế, tình trạng “điểm cao thì trượt, điểm thấp lại đậu” không chỉ khiến thí sinh, phụ huynh bức xúc mà ngay với các nhà trường cũng là điều không hề mong muốn.

Lãnh đạo nhiều trường tỏ ra tiếc nuối khi “lỡ tay” làm rớt thí sinh điểm cao ở đợt 1 vì không lường hết tỉ lệ ảo, xác định điểm chuẩn xa thực tế, để rốt cuộc phải tuyển bổ sung những thí sinh điểm thấp hơn.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng mùa tuyển sinh năm nay Bộ GD-ĐT đã đẩy khó khăn, trách nhiệm về phía các trường.

“Trước khi kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển đợt 1, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhắn tin cho các trường yêu cầu không được gọi thí sinh trúng tuyển quá chỉ tiêu vì còn đợt nguyện vọng bổ sung có thể nhận hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn đợt 1.

Nếu không có chỉ đạo đó, trường chúng tôi tính đến tỉ lệ thí sinh ảo cao để gọi nhiều thí sinh hơn chứ không đưa ra phương án điểm chuẩn như đợt 1. Và nếu tất cả các trường đều thực hiện đúng theo chỉ đạo trên của bộ thì không có tình trạng các trường phải hạ điểm thế này, vì thực tế có không ít trường gọi vượt chỉ tiêu rất nhiều (để loại trừ thí sinh ảo) nhưng họ đâu bị xử lý gì” – vị này nói.

Đồng thời, vị phó hiệu trưởng này còn cho rằng thực tế bộ không kiểm soát được khâu tuyển sinh của các trường đã gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh của nhiều trường.

“Trong đợt 1 nhiều thí sinh trúng tuyển vào trường tôi mang giấy chứng nhận kết quả thi bản chính đến xác nhận nhập học nhưng chúng tôi không đưa vô hệ thống được vì thí sinh này cũng đồng thời trúng tuyển vào một trường khác. Do phía trường kia không cần bảng điểm chính thức, họ đã nhập dữ liệu thí sinh này vào hệ thống, đưa vào danh sách trúng tuyển rồi” – vị này cho biết thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), lại cho rằng thí sinh đã biết “luật chơi” này được quy định rõ trong quy chế. Tuy nhiên, nếu thí sinh không quá vội vã thì đã có cơ hội học trường mình thích. Vấn đề là thí sinh cũng thích trường tốp dưới nên đã đăng ký nhập học ngay.

“Quy chế nào cũng chỉ mang tính công bằng tương đối cho tất cả thí sinh. Nếu cho rằng trường hạ điểm rồi lấy số điểm thấp thì lại không công bằng, nhưng thực tế có thí sinh đăng ký vào ngành A rớt, ngành B đậu một trường khác nhưng không chọn mà vẫn chờ nguyện vọng bổ sung. Khi tham gia xét tuyển bổ sung thí sinh đều biết có xác suất đậu – rớt nhưng họ vẫn chấp nhận để theo đuổi ngành học, trường mình yêu thích. Với phương thức xét tuyển hiện nay đã tạo thêm cơ hội cho những thí sinh này” – ông Phong nói.

Nghịch lý tuyển sinh: điểm cao rớt, điểm thấp đậu
Hàng trăm ý kiến bình luận trên fanpage cộng đồng sinh viên Trường ĐH Thương mại quanh chuyện điểm cao trượt, điểm thấp lại trúng tuyển

Lên fanpage than thở

Trên fanpage cộng đồng sinh viên Trường ĐH Thương mại, một cuộc tranh luận gay gắt về tính công bằng của kỳ tuyển sinh cũng nổ ra khi nhiều thí sinh đạt 23 điểm trượt ngành kế toán từ đợt 1 lại ngậm ngùi tiếc nuối nhìn những thí sinh chỉ cần đạt 20 điểm lại may mắn lách “cửa hẹp” để đỗ vào ngành này ở đợt tuyển bổ sung.

Một thí sinh bày tỏ trạng thái “sốc” đến mức không thể tin điểm chuẩn của trường rơi vào trạng thái “tụt huyết áp” khiến cho bao nhiêu thí sinh điểm cao không đậu vào ngành “hot” của trường từ đợt 1 đã phải lựa chọn một ngành không yêu thích để “nhường chỗ” cho những người điểm thấp hơn.

“Cuộc đời chuối đến thế là cùng, tưởng điểm mình thấp ai ngờ trường lấy điểm thấp hơn. Xui không tưởng…” – một thí sinh đạt 26 điểm (trượt ngành ngôn ngữ Anh đợt 1, đợt bổ sung trường này chỉ lấy điểm chuẩn 25 điểm) than thở.

“Mình nghĩ cái này phải trách nhà trường rồi, không lường trước được lượng thí sinh ảo cao, dẫn đến điểm chênh lệch nhiều giữa hai đợt, gây mất niềm tin ở thí sinh” – một thí sinh chia sẻ trên trang mạng cộng đồng sinh viên của trường.

Phụ huynh muốn kiến nghị lên Bộ GD-ĐT

Trong những ngày qua, tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, nhiều phụ huynh đã đến tận trường thắc mắc về nghịch lý này khi con em họ đạt 24,5 điểm không đậu ngành y đa khoa đợt 1, trong khi nhiều thí sinh 24 điểm lại ung dung có một suất vào ngành này ở đợt xét tuyển bổ sung.

Với ngành y học cổ truyền, nhiều thí sinh đạt 23,5 điểm cũng không đậu, nhưng ở đợt bổ sung, điểm chuẩn ngành này lại giảm còn 21,25 điểm.

Có phụ huynh còn chia sẻ sẽ kiến nghị lên Bộ GD-ĐT về bất cập phi lý này.

“Cách xét tuyển năm nay dẫn đến việc thí sinh có tâm trạng không tâm phục. Với những thí sinh lẽ ra trúng tuyển nhưng không được học ngành mong muốn sẽ tạo sự bức xúc trong các em và sẽ không có thái độ học tập tích cực. Vì vậy tôi cho rằng cách xét tuyển này không thể duy trì cho các năm tiếp theo"

TS NGUYỄN KIM QUANG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM)

 
 

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ/TTO

 

Bình luận (0)