Cơ chế xét tuyển linh hoạt, không phải thi, chỉ tiêu “thừa thãi” nhưng từ nhiều năm nay, hệ Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) luôn nằm trong tình trạng thiếu học sinh trầm trọng, trong khi đây là một trong những nguồn đào tạo nhân lực “thợ” quan trọng.
Tuyển cả thí sinh trượt tốt nghiệp THPT nhưng vẫn “ế”
Ngành giáo dục đặt mục tiêu từ năm 2010 – 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN, học nghề. Vậy mà, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh, nhiều trường nghề lại than thở vì tuyển không đủ chỉ tiêu.
Xã hội hiện rất thiếu những tay nghề bậc cao |
Bộ GDĐT quy định các trường TCCN chỉ sử dụng hình thức xét tuyển để tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển, trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Các trường TCCN tùy theo đặc thù của ngành đào tạo sẽ quyết định tiêu chí xét tuyển là kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Đáng lưu ý là Bộ GDĐT cho phép các trường TCCN có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm để thực hiện kế hoạch tuyển sinh của nhà trường và không hạn chế số nguyện vọng, số cơ sở đăng ký dự tuyển.
Bộ cũng quy định, đối tượng tuyển sinh vào TCCN là những học sinh đã tốt nghiệp THPT và THCS hoặc tương đương. Căn cứ năng lực đào tạo của trường và nhu cầu của người học, các trường TCCN tạo điều kiện để xét tuyển cả những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT.
Khi vào học TCCN những học sinh này sẽ được chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện ở phổ thông (kết quả lớp 12) và không phải học lại, thi lại các môn văn hóa phổ thông theo yêu cầu đào tạo của TCCN với những môn học đạt kết quả từ 5,0 trở lên.
Với những môn văn hóa phổ thông có kết quả dưới 5,0 ở phổ thông, nhưng theo yêu cầu đào tạo TCCN bắt buộc phải có thì cơ sở đào tạo TCCN sẽ tổ chức cho học sinh ôn tập và thi lại.
Điều kiện xét tuyển thông thoáng đến như vậy, bản thân các trường TCCN cũng luôn cố gắng đưa ra nhiều biện pháp để thu hút học sinh nhưng nhiều năm nay, hệ đào tạo này luôn nằm trong tình trạng thiếu hụt học sinh. Lãnh đạo một trường TCCN của Hà Nội than thở: "Năm nào trường cũng phải chi cả chục triệu đồng cho việc quảng cáo, giới thiệu trường tới từng trường THPT, thậm chí còn tạo điều kiện đến mức tối đa như học sinh chỉ cần ghi tên, tuổi, địa chỉ và những thông tin cần thiết theo mẫu có sẵn trên website của trường là trường sẽ in giấy báo trúng tuyển gửi về tận nhà, thế mà năm nào cũng không tuyển đủ học sinh".
Theo số liệu của Sở GDĐT Hà Nội tổng hợp số lượng học sinh nhập học của 46 trường TCCN trên địa bàn tính đến hết ngày 10/10/2011. Theo đó, tỷ lệ tuyển mới vào hệ chính quy của các trường TCCN đạt khoảng 50% kế hoạch được giao. Đặc biệt hơn 1.400 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm gần như chưa tuyển được.
Nguyên nhân chính từ tâm lý sính bằng cấp
Thực trạng sính bằng cấp và tâm lý khoa bảng đã từ lâu ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhiều gia đình bằng mọi giá tìm cho con em mình một tấm bằng ĐH, bất đắc dĩ họ mới chọn trường nghề. Thậm chí, họ sẵn sàng cho con em họ thi lại 2-3 lần đến khi nào vào được ĐH mới thôi. Bản thân nhiều học sinh trong các trường CĐ nghề, TCCN cũng coi đây chỉ là một “bến đỗ” tạm thời chứ không thật tình muốn học. T.H.C – CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Em không đủ điểm vào ĐH Thương mại nên đành phải vào học ở đây, chẳng nhẽ lại ở nhà? Sang năm em sẽ thi lại vào ĐH Bách khoa”.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông chưa tốt. Chính vì thế, đến mùa tuyển sinh, học sinh chỉ quan tâm đến các trường ĐH hoặc CĐ, hầu như không có sự chú ý đến các trường nghề.
Chính vì vậy, việc thừa thầy thiếu thợ vẫn luôn là một thực trạng nhức nhối của Việt Nam trong nhiều năm nay, và cho đến nay, thực trạng này được cho là căn bệnh chưa có thuốc chữa.
Các trường nghề chật vật trong công tác tuyển sinh, các doanh nghiệp lại lao đao với việc mò kim đáy bể lao động giỏi có tay nghề cao. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hiện nay hàng nghìn sinh viên ra trường hầu như không đáp yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng. Lãnh đạo Công ty Hanel xốp nhựa cho biết, hiện nay công ty rất thiếu công nhân có tay nghề làm được việc thật sự, trong khi lại thừa khá nhiều kỹ sư, cử nhân.
Chính vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp thay vì tuyển những người có bằng cấp, đã chuyển sang tuyển những lao động có trình độ phổ thông để về đào tạo từ đầu.
“Thừa thầy thiếu thợ” không phải là vấn đề mới, có điều chưa ai giải quyết vấn đề này tận gốc.
Theo Nguyên Minh
(laodong)
Bình luận (0)