Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đề nghị các trung tâm ngoại ngữ – tin học trên địa bàn TP.HCM khi tăng giá học phí phải đúng quy định, cân nhắc hợp lý, hợp tình, hợp với nhu cầu, sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuyệt đối không mượn danh nghĩa dạy ngoại ngữ để huy động vốn phụ huynh…
Gần 68.000 học sinh được học tiếng Anh với người bản ngữ
Theo thống kê, năm học 2023-2024, TP.HCM có 1.112 trung tâm ngoại ngữ, tin học với 5.623 phòng học; 4.425 giáo viên và 334.445 học viên. Trong năm học, 180 trung tâm với 3.181 giáo viên tham gia thực hiện phối hợp giảng dạy chương trình trẻ làm quen tiếng Anh theo quy định tại Thông tư 50/2020 của Bộ GD-ĐT. Số trẻ tham gia chương trình làm quen tiếng Anh ở lứa tuổi 3-4 tuổi là 39.958 em; lứa tuổi 4-5 tuổi là 55.524 em; lứa tuổi 5-6 tuổi là 61.396 em.
Kết quả phối hợp với nhà trường trong giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với người bản ngữ là 67.879 học sinh; 2.543 học sinh theo chương trình tiếng Anh tích hợp. Cạnh đó, có 145 học sinh học tiếng Hàn; 527 học sinh học tiếng Nhật; 67 học sinh học tiếng Đức; số học sinh học tin học quốc tế là 21.989 em.
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, các trung tâm ngoại ngữ – tin học chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của Sở GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên và người lao động; nhiều đơn vị đã đầu tư tốt cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ giáo viên, nhân viên và đã khẳng định được uy tín với xã hội. Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học các chương trình ngoại ngữ – tin học đã được các trung tâm quan tâm hơn. Trong đó, nhiều trung tâm đã chỉ đạo sâu sát việc nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn giáo viên như tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên môn; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nhóm nội dung…; các trung tâm đã tổ chức khảo sát phân loại học viên, trên cơ sở đó lập kế hoạch phụ đạo các em.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất thiết bị, cảnh quan môi trường, phòng học của một số trung tâm còn hạn chế, xuống cấp chưa cải tạo đáp ứng nhu cầu người học. Đặc biệt, công tác phát triển, đổi mới chương trình tại một số trung tâm giảng dạy tiếng Trung chưa được quan tâm đầu tư, đội ngũ giáo viên chưa cập nhật phương pháp mới, cập nhật chương trình tài liệu mới chưa được triển khai thực hiện…
Mặc dù vậy, ông Lê Hoài Nam (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận, một số nhà đầu tư nhỏ chưa nắm rõ và tìm hiểu kỹ các văn bản quy định về tổ chức hoạt động trung tâm ngoại ngữ – tin học dẫn đến thực hiện tuyển dụng giáo viên và sử dụng giáo viên chưa đạt chuẩn và chưa đúng quy định. Một số trung tâm tổ chức các hoạt động chưa đúng với chức năng giáo dục được cho phép như tổ chức bán trú vệ tinh, tổ chức giữ trẻ mầm non, dạy thêm học thêm hè.
Nhân rộng mô hình “Cộng đồng học tập ngoại ngữ”
Năm học 2024-2025, để nâng cao chất lượng trung tâm ngoại ngữ – tin học, ông Lê Hoài Nam cho biết Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Triển khai thực hiện các tiêu chí thành phố học tập với tư cách thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Thứ hai, tăng cường công tác tham mưu, củng cố mạng lưới trung tâm ngoại ngữ – tin học và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các trung tâm, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người học; nâng cao chất lượng dạy và học. Thứ ba, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các trung tâm. Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị cơ sở và trong các hoạt động của các trung tâm. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về ngoại ngữ – tin học. Thứ sáu, đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng. Tích cực tham gia xây dựng chính sách về giáo dục thường xuyên.
Theo ông Lê Hoài Nam, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích và nhân rộng mô hình các trung tâm liên kết với nhà trường chính quy nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ – tin học thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo, gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển nhân cách người học, quan tâm triển khai, nhân rộng mô hình “Cộng đồng học tập ngoại ngữ”.
Ông Lê Hoài Nam đề nghị các trung tâm ngoại ngữ – tin học tham gia các hoạt động chung của ngành. Cạnh tranh trong môi trường giáo dục giữa các trung tâm ngoại ngữ – tin học cần phải lành mạnh, từ công tác quảng cáo, giới thiệu về trung tâm phải đúng quy định, phải “chơi đẹp” theo nguyên tắc thi đua, phấn đấu. Trung tâm phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Trình độ giáo viên bản ngữ thì phải đảm bảo chuẩn, đúng quy định, có hợp đồng lao động, có chứng chỉ hành nghề. Cơ sở vật chất phải đảm bảo các điều kiện thực hiện tốt việc giảng dạy. Một số trung tâm chưa đảm bảo được chất lượng như cam kết với phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, ông lưu ý các trung tâm không mượn danh nghĩa dạy ngoại ngữ để huy động vốn phụ huynh. “Năm học vừa qua, còn một số trung tâm thực hiện công tác huy động vốn chưa công khai, minh bạch, rõ ràng. Theo quy định phải công khai giá để phụ huynh nắm, và mức tăng học phí không quá 15% mỗi năm, nhưng thực tế có những trung tâm tăng từ 30-40%, thậm chí lên 50%, lý do dịch bệnh, cơ sở vật chất. Khi tăng giá học phí phải đúng quy định, cân nhắc hợp lý, hợp tình, hợp với nhu cầu, sự phát triển kinh tế – xã hội thì mới thuyết phục được phụ huynh”, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)