Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nghiêm túc xem xét chất lượng đào tạo tại chức, dân lập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Vấn đề “nói không” với tại chức và dân lập của một số địa phương cũng là chủ đề được nói đến trong Hội nghị sơ kết 1,5 năm thực hiện chỉ thị về Đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Những ngày gần đây, dư luận vẫn tiếp tục “nóng” với câu chuyện ở tỉnh Nam Định khi kiên quyết nói không với ĐH tại chức và dân lập. Chuyện Nam Định tiếp bước Đà Nẵng và Hải Dương đang làm cả ngành Giáo dục nghiêm túc nhìn lại vấn đề chất lượng giáo dục ĐH.
Vấn đề “nói không” với tại chức và dân lập của một số địa phương cũng là chủ đề được nói đến trong Hội nghị sơ kết 1,5 năm thực hiện chỉ thị về Đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu với đại diện các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT và với đại điện các trường ĐH, CĐ trong cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: Bộ GD&ĐT nên hoàn thiện thêm những văn bản liên quan đến vấn đề vừa học vừa làm. 
Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chất lượng đầu vào hai nguồn tuyển sinh này không chênh lệch quá. Vì tuyển sinh chính quy chúng ta làm rất nghiêm túc, tốn kém, cả xã hội tập trung lực lượng cho một kỳ thi, trong khi đó tuyển sinh hệ vừa học vừa làm giao cho từng trường thực hiện. Chúng ta thừa nhận, hai loại văn bằng có giá trị pháp lý như nhau nhưng phải làm sao để chất lượng tuyển sinh của hai nguồn này không chênh nhau quá nhiều về chất lượng. Vì hệ vừa học vừa làm chiếm đến 50% số người học trong các trường ĐH, CĐ hiện nay.
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có ý kiến: Việc một số địa phương không tuyển tại chức, dân lập là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục, nhưng các trường cũng nên thẳng thắn xem xét đến chất lượng đào tạo của mình, phân tích kỹ và củng cố lại để nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Hiện nay, Bộ đang giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh phi chính quy của các trường. Không chia đều chính quy và phi chính quy theo tỷ lệ ngang bằng như trước nữa. Năm 2010, Bộ quy định chỉ tiêu đào tạo phi chính quy chỉ bằng 80% chỉ tiêu chính quy của từng trường. Đến năm 2011, chỉ tiêu phí chính quy chỉ còn bằng 60% chỉ tiêu chính quy. Như vậy, Bộ đang siết chặt chỉ tiêu đào tạo tại chức của ĐH, CĐ.
Theo đề nghị của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì: Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo; đồng thời có cơ chế giám sát, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện nhân thì việc này, Bộ GD&ĐT làm “hơi lâu”. Bộ GD&ĐT đã dự kiến trong ba năm, kể từ 2010, phải cho ra đời được ba đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Nay, đã gần hết năm 2011 mà vẫn chưa hình thành được đơn vị nào.
Theo Phan Thủy
(PL&XH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)