Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghiên cứu khoa học: Mục đích hay công cụ kiếm sống?

Tạp Chí Giáo Dục

Mấy ngày nay dư luận xôn xao về chuyện các dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu bị Đan Mạch ngưng cấp vốn vì bị nghi là sử dụng một phần lớn kinh phí sai mục đích (chiếm hơn 23%, tức 3,3 triệu kroner, tương đương 11,4 tỉ đồng). Nhiều phát biểu lên án nặng nề, nhiều người nói đến danh dự quốc gia. Sự thật bên trong ra sao còn đợi kết luận, nhưng có nhiều chuyện có thể bàn được, nhất là những ai đã từng và đang tham gia nhiều dự án quốc tế loại như vậy, bởi chúng có rất nhiều điểm trùng nhau!

Những khoản chi nhập nhằng khó nói

Nếu ai đó hỏi nghiên cứu khoa học để làm gì, tất nhiên câu trả lời sẽ là để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Từ năm 1990 trở về đây ở nước ta có rất nhiều dự án nghiên cứu do chính phủ các nước hay các quỹ quốc tế tài trợ. Chúng có thể là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển hay nghiên cứu dự báo với kinh phí ít thì vài trăm ngàn đôla Mỹ, nhiều thì hàng chục triệu đôla Mỹ.

Với nhà tài trợ, tiền nghiên cứu chỉ dùng vào mục đích nghiên cứu, dứt khoát không dùng để trả lương, mua sắm hay nghỉ dưỡng. Điều này trở thành nguyên tắc tài chính đối với các đơn vị nghiên cứu nhà nước, bởi vì họ quan niệm anh là nhà nghiên cứu đang hưởng lương từ Nhà nước, sử dụng thiết bị đã có sẵn (chỉ trừ những loại nghiên cứu mới cần mua sắm thiết bị thì có thể) thì không lý gì tôi phải trả lương cho anh và sắm thêm thiết bị văn phòng.

Nhưng trên thực tế, các loại đề tài này phải gánh hàng trăm loại chi phí mà không biết phải giải trình cho phía nhà tài trợ như thế nào cho phải đạo. Một quy định không công bố quốc tế, nhưng có công bố nội bộ mà chủ nhiệm đề tài nào cũng phải làm, là phải trích ra từ 5 – 10% tổng dự án nộp cho đơn vị chủ quản dưới rất nhiều tên gọi mỹ miều khác nhau nhưng được hiểu là thuế nghĩa vụ.

Một điều khác nữa là khi xây dựng tiền dự án, chủ nhiệm đề tài bao giờ cũng phải đưa tên các quan chức lãnh đạo cấp cao vào trong các ban bệ, đề tài càng nhiều tiền và cấp quản lý đề tài càng cao thì càng phải đưa nhiều quan chức, các nhà khoa học lãnh đạo vào cho đẹp đội hình và dễ dàng được thông qua.

Sự có mặt của họ có giá trị bảo hiểm cho sự thành công của dự án! Do vậy, dù trong quá trình thực hiện họ không hề đụng bút nhưng khi triển khai đề tài, chủ nhiệm phải dành sự ưu ái cho các vị này và người nhà của họ, có thể là phong bao định kỳ hoặc dưới những hình thức khác, chẳng hạn như mời vợ con họ tham gia các chuyến đi nước ngoài tham dự hội thảo, dành suất học bổng cho “thế hệ kế cận”. Ngoài ra, chủ nhiệm đề tài còn phải biết điều với rất nhiều các bộ phận liên quan như tài chính, hội đồng đánh giá, các vị tham mưu, thậm chí cô văn phòng đóng dấu đỏ… Tất tần tật những thứ phải chi không dính dáng đến nghiên cứu đó làm mất đi có thể từ 10 – 20% tổng kinh phí nghiên cứu là có thật.

Những khoản lạm chi và nghiên cứu vô bổ

Nếu ai đó hỏi nghiên cứu khoa học để làm gì, tất nhiên câu trả lời sẽ là để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Nhưng có một thực tế trần trụi khác là nghiên cứu khoa học thông qua các dự án đôi khi còn là cơ hội kiếm tiền với một số người. Và như thế, khoa học từ chỗ là mục đích nay trở thành công cụ kiếm sống! Có một thực tế là các nhà khoa học Việt Nam bình thường (không kể các nhà khoa học có chức vụ) đang sống với đồng lương tệ mạt. Lương của một GS.TS có thâm niên hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu không thể quá 5 triệu đồng, tương đương với 250 đôla Mỹ (đồng nghiệp ở Thái Lan khoảng từ 5.000 – 7.000 đôla Mỹ, Indonesia, Malaysia từ 3.000 – 5.000 đôla, Singapore là 12.000 đôla Mỹ).

Ở Việt Nam lâu nay tồn tại tình trạng ông chủ, cai đầu dài trong khoa học giống hệt như trong thực hiện các dự án làm cầu đường, xây dựng nhà cửa. Một số người do có quyền chức, quen biết, giỏi chạy dự án nhận được những đề tài béo bở nhưng không làm gì cả, sau đó phân cho thầu hai, thầu ba, thầu bốn và cuối cùng người làm thực chỉ là các nghiên cứu viên trẻ mới tập sự, do vậy mà có chuyện có những đề tài lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mà chủ nhiệm đề tài chỉ xuất hiện vào lúc đọc bản báo cáo nghiệm thu (cũng do người khác viết nốt).

Với trình tự thứ bậc mà giới khoa học gọi là “cây cổ thụ lật ngược” – gốc ở trên trời, cành ở dưới đất, phần hưởng thụ tài chính của một dự án được phân chia theo dạng thức như thế! Cũng bởi vậy mà những nghiên cứu viên “thường thường bậc trung” cũng theo gương đàn anh để nhập nhằng kiếm thêm, chẳng hạn đã có máy tính xách tay rồi nhưng vẫn xin mua mới nhưng thực chất là mua hoá đơn để thanh toán; phỏng vấn 50 người thì kê lên thành 100 người… và cứ như thế, tình trạng người lớn xẻo miếng lớn, người nhỏ vét miếng nhỏ làm cho phần tài chính thực đưa vào nghiên cứu cứ teo lại, phần chi cho thử nghiệm trước khi đưa vào đại trà bị bỏ đi. Có những chuyện nói ra không ai tin, có một loạt dự án kinh phí “cực khủng” của các nhà nghiên cứu ở phía Bắc nghiên cứu về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nghiên cứu về các dân tộc ít người đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu quy hoạch cả một thành phố như Vũng Tàu được hoàn tất chỉ sau một chuyến đi lòng vòng không quá một tuần, nhưng kết quả nghiệm thu cái nào cũng… xuất sắc!

Ở Việt Nam hiện nay nghiên cứu biến đổi khí hậu đang là một cái mốt, nếu thống kê hết có thể có đến hàng chục viện, trung tâm, hàng chục đề tài nghiên cứu với số tiền lên đến hàng ngàn ngàn tỉ đồng mà hiệu quả của nó đến đâu thì không ai biết chắc. Vì thế, chuyện thực, hư nhóm đề tài bị phía Đan Mạch soi như thế nào hồi kết sẽ rõ, nhưng dù sao, đó cũng là một lời cảnh báo cần thiết cho Chính phủ Việt Nam trong việc đánh giá, kiểm tra, giám sát lại một cách nghiêm túc, chặt chẽ các việc không hay ho đang tồn tại ở không ít cơ quan nghiên cứu và ở nhiều dự án khác nhau.

Các dự án nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có ích cho đất nước, phục vụ nhân dân khi các nhà khoa học được sống và làm việc trong một môi trường khoa học lành mạnh, nghiêm túc, công bằng. Trong môi trường tử tế ấy, muốn làm bậy chắc sẽ không dễ!

TS Nguyễn Minh Hoà
SGTT.VN 

Bình luận (0)