Phong trào nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông tại TP.HCM đang ngày càng thực chất khi gắn với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018…
Tạo môi trường thúc đẩy học sinh nghiên cứu
2 năm nay, cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường của Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) luôn được học sinh, giáo viên nhà trường chờ đợi. Tại đây, những ý tưởng của các em học sinh ở nhiều vấn đề đã được dịp “bung ra”, thể hiện quá trình nghiên cứu dài hơi và đầu tư chỉn chu.
Cô Chu Thị Kim Hương – giáo viên phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, Trường THPT Trần Phú cho biết, hàng năm từ tháng 5 nhà trường đã tổ chức những buổi hướng dẫn cho học sinh về nghiên cứu khoa học để học sinh hiểu được nghiên cứu khoa học là gì, khởi nghiệp là gì. Từ đó khơi gợi lên trong các em những ý tưởng, đề tài ở những lĩnh vực mà các em yêu thích, sau đó giáo viên sẽ có sự định hướng, thảo luận trực tiếp cho các em.
Riêng năm nay, công tác nghiên cứu khoa học hướng đến tạo điều kiện hơn cho giáo viên, học sinh. Giáo viên có thể hướng dẫn nhiều đề tài hơn, học sinh chủ động tìm giáo viên hướng dẫn, thậm chí một số đề tài học sinh tự thực hiện mà không cần đến giáo viên hướng dẫn.
Cô Kim Hương đánh giá, khi nhà trường tổ chức một cách bài bản, các đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh đã tăng vọt về cả chất và lượng. Số đề tài trong năm nay tăng mạnh gấp 1,5 lần so với năm trước. Năm ngoái khoảng 43 đề tài thì năm nay lên đến 90 đề tài. Các đề tài của học sinh rất phong phú, gần gũi, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống, từ khoa học xã hội và hành vi đến hóa học, y sinh, môi trường…, thể hiện sự quan tâm của các em với các vấn đề trong đời sống hàng ngày, như cách bảo quản xoài để sử dụng được lâu; làm nước xịt giày, khử khuẩn giày khi đi vào phòng máy lạnh bị hôi…
Đối với lĩnh vực xã hội, nhiều đề tài thể hiện sự quan tâm của các em về mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; ảnh hưởng của mạng xã hội, TikTok, AI đến đời sống học sinh…
“Nghiên cứu khoa học trong trường bây giờ không chỉ dừng ở vấn đề đặt mục tiêu để tham gia các cuộc thi hay là sân chơi nữa mà nhà trường đang cố gắng hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh, gắn liền với các môn học theo Chương trình GDPT 2018 mà các em đã lựa chọn học. Từ đó định hướng ngành nghề sau này cho các em. Từ việc tạo môi trường thúc đẩy các em nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo sẽ hình thành cho các em tư duy, sự quan sát để vận dụng kiến thức đã học trên ghế nhà trường giải quyết các vấn đề mà các em thấy còn tồn tại trong cuộc sống. Các em học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng khi tự mình mạnh dạn, tự tin tham gia vào nghiên cứu khoa học” – cô Kim Hương nhận định.
Gắn với mục tiêu Chương trình GDPT 2018
Tham gia làm giám khảo đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học ở một số trường THPT tại TP.HCM trong nhiều năm nay, TS. Nguyễn Thị Ngọc (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) rất khuyến khích học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học.
Cô đánh giá, các đề tài của học sinh ngày càng thể hiện được khả năng ứng dụng những kiến thức học ở trường phổ thông vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là các ý tưởng vận dụng giải quyết thực tế cuộc sống. Những chủ đề đơn giản như tạo ra nước súc miệng từ lá trầu không…, các chủ đề có tính ứng dụng rất cao, nghiên cứu bài bản.
“Trong trường phổ thông điều kiện phòng thí nghiệm chưa nhiều nhưng các đề tài đã thể hiện nỗ lực lớn của học sinh. Vai trò của trường phổ thông rất quan trọng để tạo ra môi trường làm sao giúp học sinh thấy được sự vận dụng của kiến thức vào để giải quyết một vấn đề cụ thể. Từ đó giúp các em thấy được rằng để giải quyết một vấn đề thì phải tổng hợp kiến thức như thế nào, phát triển ra làm sao. Khơi gợi các em niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học, định hướng lĩnh vực nghề nghiệp sau này…”, TS. Ngọc chia sẻ.
Đặc biệt, theo TS. Ngọc, khi học sinh được tham gia vào đa dạng hoạt động, có điều kiện để tiếp cận với các lĩnh vực, kỹ năng thì sẽ là nền tảng để các em thích ứng với môi trường đại học. Các em có sự chủ động, tự chủ, độc lập, với nhiều kỹ năng rất tốt.
“Khi chấm các đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh thấy được rằng nhiều đề tài học sinh đã thể hiện khả năng đọc thêm các bài báo quốc tế để làm tài liệu tham khảo. Đây là kỹ năng vô cùng cần thiết, quan trọng ở bậc đại học”.
Chung nhận định, TS. Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH Sài Gòn cho hay, so với trước đây nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông nghiêng nhiều về hàn lâm, hình thức thì hiện nay, khi nghiên cứu khoa học đi đúng theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 lại trở thành phương tiện để học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp rất hiệu quả. Như vậy, nghiên cứu khoa học phải trở thành hoạt động thường xuyên của trường, hình thành cho học sinh thói quen quan sát, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề bằng kiến thức mình đã học.
Trưởng khoa Giáo dục, ĐH Sài Gòn TS. Nguyễn Thị Ngọc nhấn mạnh, trong Chương trình GDPT 2018 một trong những yếu tố mới đó là đề cao hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp. Do đó, nghiên cứu khoa học trong Chương trình GDPT 2018 không chỉ dừng là một sân chơi mà là lĩnh vực để rèn luyện phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp cho các em theo đúng mục tiêu chương trình mới đề ra. Khuyến khích các em quan sát cuộc sống nhận ra cuộc sống đang biến đổi như thế nào, bản thân các em là thành viên trong cuộc sống đó thì trách nhiệm của các em phải thể hiện ra sao.
“Nếu trường phổ thông đi đúng hướng này sẽ tạo ra sự bứt phá rất lớn trong giáo dục” – bà nói.
Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông, TS. Ngọc (Trưởng khoa Giáo dục) nêu rõ, vai trò của nhà trường phải có tính định hướng, khơi nguồn và gieo mầm. Ngoài sự nhiệt huyết, quyết liệt của nhà trường thì còn đòi hỏi vai trò của giáo viên.
Bà phân tích: Hiện nay, trong chương trình sư phạm của tất cả các trường sư phạm thì đều có môn nghiên cứu khoa học sư phạm. Ngay chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên hàng năm thì đều có nội dung ứng dụng nghiên cứu khoa học sư phạm. Như vậy, nếu giáo viên cũng được khuyến khích, cũng được tạo điều kiện để quan sát, hỗ trợ học sinh, nâng học sinh lên từ nghiên cứu khoa học thì phong trào nghiên cứu khoa học của mỗi nhà trường sẽ ngày càng thực chất. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của nhà trường. Khuyến khích giáo viên đổi mới trong giờ học cũng truyền tải một cách hiệu quả nghiên cứu khoa học.
“Rất nhiều ý tưởng của học sinh ở trường phổ thông tiếp tục được các em nghiên cứu, quan sát khi lên bậc đại học. Như vậy, kết quả nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông đã có tính bền vững, liên thông từ phổ thông lên đại học, chứ không hẳn chỉ dừng ở tính chất nền tảng. Và ngay cả khi các em không tiếp tục theo đuổi đề tài mình đã nghiên cứu ở trường phổ thông thì chính trong quá trình các em nghiên cứu ở phổ thông đã trang bị cho các em những kỹ năng tự học, chủ động rất cần thiết, quan trọng ở trường đại học” – TS. Nguyễn Thị Ngọc nói thêm.
Khương Yến
Bình luận (0)