Sự kiện giáo dụcTin tức

Nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH: Đang bị bỏ lửng

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Trần Quang Quý (thứ 2 từ trái sang) tại buổi làm việc với Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM

Vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường ĐH hiện nay đang bị bỏ lửng, thiếu đề tài cấp Nhà nước, chưa tương xứng với tiềm năng, không thực sự thu hút đối với giảng viên, cán bộ NCKH…
Các trường chưa chú trọng NCKH
Tại buổi làm việc về vấn đề NCKH tại ba trường ĐH trọng điểm khu vực TP.HCM gồm ĐH Nông lâm, ĐH Kinh tế và ĐH Sư phạm TP.HCM của đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, PGS.TS Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đánh giá: Các trường hiện nay chưa chú trọng công tác NCKH mà chỉ quan tâm đến công tác đào tạo. Do đó, việc tồn đọng vốn ngân sách mà Bộ hỗ trợ cho các trường là điều khó tránh khỏi và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là một điển hình. Việc chậm giải ngân, chậm xúc tiến và triển khai các đề tài nghiên cứu của giảng viên dẫn đến tình trạng đề tài nghiên cứu bị dồn ứ làm kém hiệu quả của công tác nghiên cứu ứng dụng. Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Tạ Đức Thịnh đề nghị nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề nhận thức về công tác NCKH trong đội ngũ giảng viên, không thể để tình trạng nhận thức về công tác NCKH trong đội ngũ sư phạm yếu như hiện nay tồn tại.
Theo báo cáo của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì từ năm 2005 đến nay trường không có được một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước nào, riêng năm 2009 đề tài cấp Bộ được duyệt là 29 đề tài nhưng gần như chưa có đề tài nào được khởi động. Số đề tài cấp trường chậm nghiệm thu cũng chiếm số lượng rất lớn. Đặc biệt, số tiền 385 triệu đồng được Bộ cấp hỗ trợ công tác NCKH theo định mức chưa thể giải ngân được một đồng vì không có đề tài nghiên cứu nào hoàn thành. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Nông lâm TP.HCM cũng không khá hơn. Năm 2009, ĐH Sư phạm với 95 đề tài được duyệt (32 cấp Bộ, 5 cấp Nhà nước, 63 cấp cơ sở) nhưng số đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ cũng không cao. Riêng năm 2009, trường có 11 đề tài cấp Bộ, 32 cấp cơ sở và không có cấp Nhà nước. Đến nay số đề tài cấp Bộ triển khai và nghiệm thu gần như chưa có, bên cạnh đó trường còn bị thanh lý 9 đề tài do chậm trễ về thời gian. Trường ĐH Nông lâm công tác NCKH trong vòng 2 năm qua có những chuyển biến rất rõ nét, số đề tài cấp Bộ không ngừng gia tăng và đã có nhiều đề tài được chuyển giao và ứng dụng vào trong đời sống. Tuy nhiên, số lượng đề tài bị tồn đọng cũng rất nhiều. Cụ thể giai đoạn 2001-2005 trường có 41 đề tài bị tồn đọng (đề tài cấp Bộ là 18). Giai đoạn 2006-2008 là 38 đề tài tồn đọng, trong đó có 3 đề tài bị đề nghị thanh lý.
Với số lượng đội ngũ giảng viên có trình độ khoa học và học hàm, học vị đặc biệt cao như 3 trường ĐH trọng điểm nói trên, công tác NCKH của các trường được đánh giá là còn khá yếu so với tiềm lực của đội ngũ sư phạm, việc NCKH gắn liền với công tác giảng dạy gần như không còn là mục tiêu chính của đội ngũ giảng viên. Do đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trần Quang Quý đã đề nghị các trường cần phải sớm khắc phục việc “bỏ lửng” công tác NCKH trong giảng viên như hiện nay. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác NCKH gắn liền với việc đào tạo TS, triệt để khắc phục hiện tượng tồn đọng đề tài và thiếu đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước như vừa qua.
Đưa NCKH vào tiêu chí bắt buộc
Chính việc thiếu các chế tài chặt chẽ, công tác khuyến khích người NCKH còn chưa được cao như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giảng viên một số trường coi trọng việc “chạy sô” hơn là làm công tác NCKH. Báo cáo với Bộ tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cũng thừa nhận hiện tượng “ngại” làm NCKH trong đội ngũ giảng viên hiện nay. Điều đó cho chúng ta thấy rõ được những bất cập ở các trường ĐH: công tác NCKH không được coi trọng. Các trường chưa chủ động trong việc đề xuất đề tài, đấu thầu đề tài cấp Bộ và Nhà nước, chưa xem công tác NCKH như một cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực giảng viên cho trường, sự liên kết giữa phòng NCKH với phòng sau đại học tại các trường còn quá yếu đã được đoàn công tác của Bộ xem là những nguyên nhân khiến tình trạng nợ, đọng, tỉ lệ thanh lý các đề tài ngày càng cao. Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho rằng: Công tác NCKH chưa phải là hoạt động mạnh của các trường. Các đề tài nghiên cứu phần nhiều vẫn chưa đi vào đời sống, các vấn đề nóng bỏng của ngành. Các nghiên cứu sinh vẫn còn khá thụ động, chưa chủ động trong việc kiến nghị, đề xuất đề tài… Từ những hạn chế cả về khách quan lẫn chủ quan được nhiều người chỉ ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý nhận định: Các trường đều đã đi đúng hướng trong công tác NCKH, đáp ứng được phần nào đòi hỏi của xã hội, nhưng tính ứng dụng của các đề tài trong thực tiễn chưa cao, cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Thứ trưởng Quý cho rằng bên cạnh nguyên nhân kinh phí hỗ trợ hoạt động NCKH còn hạn hẹp, thì nguyên nhân chính khiến cho hoạt động NCKH trong trường ĐH yếu là do nhận thức của giảng viên. Thứ trưởng đề nghị các trường, đặc biệt là những trường ĐH trọng điểm cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác NCKH trong đội ngũ giảng viên, xem đây là một tiêu chí bắt buộc, một nghĩa vụ phải thực hiện hàng năm của mỗi giảng viên đứng lớp nhằm đáp ứng tốt nhất đòi hỏi ngày càng cao của sự tiến bộ khoa học, cũng như của sinh viên và thực tiễn xã hội. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến tính liên thông, gắn kết giữa phòng NCKH và phòng sau ĐH, cùng việc xây dựng các kế họach, chương trình nghiên cứu, đội ngũ làm công tác nghiên cứu tại các trường. Bởi theo Thứ trưởng Quý nếu làm tốt công tác hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện cho giảng viên có thời gian, chủ động trong công tác NCKH, nhiệm vụ này chắc chắn sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn tại các trường.
Bài, ảnh: Thái Khuê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)