Thiếu thốn điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học (NCKH), các nghiên cứu sinh (NCS) ở các trường đại học Việt Nam vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với gần 3.400 luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công trong giai đoạn 2001-2006. Có đáng vui vì "con nhà nghèo học giỏi" hay sự thể nói trên đặt ra nhiều vấn đề đáng nói về công tác NCKH tại các cơ sở đào tạo sau ĐH ở nước ta?…
Cần nhiều nhà khoa học "đầu đàn"
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu khoa học. Ảnh: Đình Na |
Khi Việt Nam đang trên đà hội nhập mạnh mẽ trên các lĩnh vực thì cấp đào tạo sau ĐH, nơi sản sinh nguồn nhân lực có trình độ cao, nơi tạo tinh hoa, đòi hỏi được nâng cao chất lượng cũng như quy mô để đạt được thành công ngang tầm quốc tế. Điều được nhiều nhà khoa học lưu ý đặc biệt là hiện nay, các trường ĐH tiên tiến trên thế giới đang tập trung cho phát triển đào tạo sau ĐH chứ không phải là ĐH. ĐH Tokyo của Nhật nổi tiếng có nhiều học viên sau ĐH và ngay cả một trường ĐH có tầm trung bình ở Anh cũng có số người học sau ĐH bằng gần 1/3 số lượng SV. Trong khi đó, số học viên sau ĐH bằng 25% số lượng SV đang là mục tiêu phấn đấu của ĐH hàng đầu Việt Nam, ĐHQG Hà Nội, vào năm 2010.
GS-TS Lê Văn Thuyết, ĐH Huế nói: "Căn cứ theo số liệu ở một trường ĐH tại Hàn Quốc thì trong gần 3.000 SV có tới 1.500 học viên cao học và NCS. Điều đáng nói là với sự đầu tư mạnh, họ đã thu được kết quả khả quan từ việc nghiên cứu, học tập của học viên và NCS. Thậm chí, nhiều kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà nhóm học viên thực hiện, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, mang tầm vóc "vĩ đại" mà chúng ta phấn đấu không biết khi nào mới đạt được".
Đề tài luận án tiến sĩ phải là vấn đề có ý nghĩa khoa học thực sự, mang tính thực tiễn. GS-TS Lê Văn Thuyết đề xuất mô hình mà ông tâm đắc: Thầy giáo chủ trì một đề tài lớn, trong đó có nhiều nhánh nhỏ và đứng ra bảo vệ đề cương của đề tài lớn ấy. Sau đó, các NCS chủ trì các đề tài nhánh – xoay quanh đề tài của thầy. Làm được như vậy thì đề tài của nhóm thầy – trò mới có khả năng đạt được kết quả tầm vóc. Tuy nhiên, GS-TS Lê Văn Thuyết nhấn mạnh: "Làm được điều này đòi hỏi phải có nhiều nhà khoa học "đầu đàn".
Nghiên cứu sinh: Chưa có khung để "dựa"
Cũng là mô hình đề tài lớn nhưng hướng vào giải quyết khó khăn về kinh phí phục vụ NCKH tại các cơ sở đào tạo sau ĐH, TS Phạm Thu Hương, Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ khái niệm "học bổng giáo sư": Phần lớn NCS của các trường ĐH trên thế giới có thể tìm thấy nguồn kinh phí hỗ trợ từ kinh phí NCKH của các giáo sư.
Thực tế cho thấy, một số SV xuất sắc của Việt Nam có thể theo học sau ĐH bằng kinh phí do giáo viên hướng dẫn của họ chu cấp. Trên thực tế, SV có thể tìm thấy các thông tin tuyển NCS trên các trang web cá nhân hoặc của các khoa, trường. Nhiều giáo sư không bỏ qua cơ hội tham dự hội thảo quốc tế tại nước ngoài để tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nước đang phát triển. Còn đối với NCS, đó là cơ hội để vừa có tiền trang trải việc học, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành, lại được tiếp thu các thành tựu khoa học tiên tiến – điều đặc biệt quan trọng với những người theo đuổi các ngành khoa học kỹ thuật, điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ nano…
Nhìn nhận về tình hình NCKH ở Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta đang thiếu hẳn khung pháp lý cho chế độ học tập và nghiên cứu của NCS. "Họ gặp khá nhiều khó khăn, về tiền bạc đã đành, lại còn gặp khó trong việc sử dụng các phòng thí nghiệm. Ví dụ khi NCS đến một cơ sở khác (ngoài nhà trường) để tiến hành nghiên cứu, nếu không có mối quan hệ cá nhân thì không ai cho họ sử dụng thiết bị nghiên cứu cả".
Ông kể: Một NCS Việt Nam theo học tại Mỹ – theo chương trình của Quỹ Giáo dục Việt Nam tại một trường ĐH ở Niu -Yóoc cho biết, anh được sử dụng tất cả phòng thí nghiệm của trường nơi anh làm NCS; ngoài ra, anh có thể xin được sử dụng phòng thí nghiệm của các ĐH khác (qua giáo sư hướng dẫn) và có thể mượn sách tham khảo miễn phí ở tất cả các thư viện trên đất Mỹ. Tóm lại, việc của NCS là học và làm các nghiên cứu mà luận án yêu cầu.
Rõ ràng, không chỉ các NCS, hệ thống đào tạo sau ĐH đang rất cần một khung pháp lý để việc NCKH có thể khởi sắc trong thời gian tới.
Quỳnh Phạm (HNM)
Bình luận (0)