Sự kiện giáo dụcTin tức

Nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH: Vẫn ở mức “mì ăn liền”

Tạp Chí Giáo Dục

Các giảng viên ĐH tìm tư liệu để bổ sung công trình nghiên cứu khoa học. Ảnh: M.T

Ngày 24-10, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo giải pháp tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ của các trường ĐH. Kết quả cho thấy, trong thời gian vừa qua, nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ từ các trường rất thấp, công tác nghiên cứu vẫn ở mức “mì ăn liền”.
Nguồn thu từ khoa học, công nghệ: quá thấp
Trong nghị quyết của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đưa ra mục tiêu nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ tối thiểu 15% nguồn thu của các cơ sở giáo dục ĐH vào năm 2010 và 25% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Bộ GD-ĐT, số liệu từ 40 trường ĐH trong cả nước cho thấy: tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động KHCN trong tổng nguồn tài chính của các trường là 3,92% (từ 2006-2008). So với nghị quyết của Chính phủ thì con số này mới chỉ bằng 26% mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, trong tỷ lệ này, nguồn thu từ các hoạt động triển khai, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ chiếm 0,39%. Trong nguồn thu này, các trường thuộc khối kỹ thuật công nghệ chiếm tới 77,28%, tiếp đến là khối các ĐH, còn các khối khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, đặc biệt khối trường kinh tế chưa có nguồn thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao công nghệ và bán sản phẩm. Đối với các trường ĐH địa phương, ngoài doanh thu từ hoạt động triển khai và chuyển giao kết quả nghiên cứu bằng không, thì đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước của các trường này cũng bằng không. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, đối với lĩnh vực kinh tế, không thể cân đong đo đếm, vì đây là lĩnh vực liên quan đến chính sách, ý tưởng, không thể bán “thành phẩm”. Do đó, đánh giá như trên là không chính xác.
Vẫn “mì ăn liền”
GS. Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay, công tác quản lý chuyển giao công nghệ của các trường đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế đang tồn tại nhiều giảng viên trong tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”. Trường đang phải xử lý nhiều trường hợp như thế. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu còn chưa cụ thể, tản mát, hàm lượng khoa học thấp. Các trường còn thụ động trong việc nghiên cứu. Ngoài việc “ngồi đợi” bộ giao, đa số các trường đều không có chương trình nghiên cứu riêng của mình. Chính sự kém năng động thiếu nhạy bén của các trường đã dẫn đến việc nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH không hấp dẫn được các doanh nghiệp. GS. Giảng cũng cho hay, công nghệ chuyển giao còn nóng vội. Các nhà khoa học khi có công trình thường “mua đứt, bán đoạn”, không theo sát đề tài đến cùng để nhận được một khoản kinh phí nào đấy. Điều này làm giảm niềm tin của khách hàng vào các trường.
Đứng ở khía cạnh khác, GS. Nguyễn Văn Nam (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng khó khăn lớn nhất trong công tác nghiên cứu khoa học hiện nay của các trường là cân bằng giữa thời gian dạy và thời gian nghiên cứu khoa học. Hiện nay, các giảng viên mới chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy là chủ yếu. “Thực ra đấy là chúng ta đang làm theo kiểu “mì ăn liền”, giải quyết thu nhập trước mắt. Nhưng do điều kiện thu nhập nên không thể làm khác”, GS. Nam khẳng định.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như đội ngũ cán bộ KHCN đầu ngành còn mỏng, cán bộ trẻ kế cận còn thiếu. Cơ sở vật chất cho hoạt động này thiếu cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, bình quân mỗi trường ĐH có khoảng 20 phòng thí nghiệm. Số lượng này quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, hơn nữa các phòng thí nghiệm này cũng chỉ tập trung ở một số trường ĐH lớn.
Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 giải pháp để cải thiện tình hình. Trong đó có các giải pháp như phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động KHCN; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động KHCN; xây dựng định hướng chiến lược KHCN phù hợp với tiềm lực lợi thế của mỗi trường và định hướng phát triển KHCN của Nhà nước, của ngành giáo dục.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)