Trong ba năm tới, dự án nghiên cứu cấp nhà nước sẽ lai thành công 40 cá thể bò tót. Từ những giống bò lai, các đơn vị sẽ bắt đầu cho khai thác kinh doanh thịt bò thương phẩm trên diện rộng.
Bò lai F1 một tuổi rưỡi có trọng lượng lớn hơn nhiều so với bò nhà tại khu vực nghiên cứu vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: X.Thám |
Đây là nhận định của PGS.TS Lê Xuân Thám – nguyên giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng, chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa”, được triển khai cuối năm 2015.
Theo PGS.TS Lê Xuân Thám, đề tài cấp nhà nước đặt ra yêu cầu quan trọng nhất là trong ba năm tới sẽ lai thành công 40 cá thể bò tót cùng dòng F2. Từ những giống bò lai ổn định nguồn gen quý hiếm trên, các đơn vị sẽ bắt đầu cho khai thác kinh doanh thịt bò thương phẩm trên diện rộng.
Trước đó, ngày 5-5 Sở Khoa học và công nghệ hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã báo cáo kết quả nghiên cứu nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và khả năng phát triển của bò tót lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận” tại TP Đà Lạt.
Đây là đề tài nghiên cứu cấp tỉnh được triển khai đầu năm 2013, sau khi báo chí và người dân thông tin từ năm 2009 tới 2012 có nhiều bò nhà nghi lai bò tót rừng tại khu vực xã Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận.
Theo Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng, sau hơn ba năm thử nghiệm với 10 cá thể bò tót nhà (5 bò đực và 5 bò cái) nghi lai bò tót ở xã Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận mua từ người dân từ đầu năm 2013, các kết quả xét nghiệm đều chứng minh bộ nhiễm sắc bò F1 được lai giữa bò tót đực và bò nhà. Quá trình thử nghiệm, bò F1 đều có ưu điểm vượt trội về trọng lượng, lớn rất nhanh và có dấu hiệu kháng bệnh tốt.
Tuy nhiên, mục đích nghiên cứu sử dụng bò đực F1 phối giống cùng dòng với bò cái F1 để tạo ra đàn bê lai F2, mang 25% dòng máu bò tót chưa có kết quả khả quan trong năm 2015. Hầu hết bò cái F1 được phối giống cùng dòng có tỉ lệ vô sinh rất cao.
“Chúng tôi hi vọng trong năm 2016 sẽ tiến hành nhiều phương pháp lai cùng dòng và khác dòng để cho ra đời thành công khoảng 40 cá thể bò F2. Chỉ cần một bò đực F2 có 25% nhiễm sắc thể bò tót ổn định, sinh trưởng tốt có thể thụ tinh nhân tạo cho khoảng 50.000 bò cái nhà trong vòng một năm, mở ra hướng kinh doanh thịt bò thương phẩm rất lớn tới người dân” – ông Thám nói.
Được biết, dự án cấp nhà nước nghiên cứu lai bò tót lần này được Bộ KHCN duyệt chi với số tiền 4,8 tỉ đồng, thời gian nghiên cứu là ba năm kể từ ngày triển khai dự án.
CHÍNH THÀNH/TTO
Bình luận (0)