Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghiên cứu mô hình đào tạo nghề của các nước tiên tiến để áp dụng cho TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cùng nghiên cứu lựa chọn mô hình đào tạo nghề tiêu biểu ở các nước tiên tiến áp dụng cho TP.HCM, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy (thứ 3 từ phải sang) tặng hoa cho lãnh đạo ĐHQG TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ký kết hợp tác  

Đặt hàng trên được lãnh đạo UBND TP nêu ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025 giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, sáng 19-9.

Tập trung tuyên truyền về câu chuyện học nghề

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác phân luồng đào tạo nghề đối với nguồn nhân lực TP. Tuy nhiên, hiện nay TP mới đạt 26% chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề – con số còn khiêm tốn.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh THCS, THPT, bà Thúy đề nghị cần tập trung tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh về câu chuyện học nghề, chọn nghề phù hợp, phân luồng phù hợp với hoàn cảnh. Nếu định hướng công tác này tốt thì sẽ làm tốt công tác phân luồng. Ngoài ra, bà Thúy đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM phải tạo điều kiện cho hệ thống các trường nghề có cơ hội được tiếp cận học sinh, được tham gia bình đẳng trong các chương trình tuyển sinh, có chương trình hỗ trợ để nhà trường làm hướng nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm nâng chất trường nghề. “Trong cảm quan của tôi khi đi tham quan các trường nghề thì thấy chỉ rất ít trường nghề được đầu tư tốt. Sự quan tâm không hấp dẫn thì làm sao phụ huynh chọn. Điều này thuộc về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Đầu tư các trường trung cấp, cao đẳng nghề tạo sự hấp hẫn cho phụ huynh, học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng”, bà Thúy nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nghiên cứu mô hình đào tạo nghề tiên tiến áp dụng tại TP

Lãnh đạo UBND TP đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cùng nghiên cứu lựa chọn mô hình đào tạo nghề tiêu biểu ở các nước tiên tiến để áp dụng đối với TP; Đầu tư và đề xuất đầu tư đào tạo nghề tiên tiến; Nâng cao chất lượng giáo viên đứng lớp đào tạo nghề; Đề xuất nghiên cứu kết nối trường là nơi đào tạo với doanh nghệp của trường; Đặc biệt là chú trọng đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh, học viên…, có như vậy mới hấp dẫn các doanh nghiệp trong tuyển dụng nhân lực, để doanh nghiêp tuyển dụng an tâm với nguồn nhân lực được trường đào tạo ra. “Mong muốn của TP với giáo dục nghề nghiệp là chất lượng, hiệu quả, có ngay nguồn nhân lực trong 2-3 năm để phục vụ cho TP…”, bà Thúy nói.

Nhà báo Trần Văn Mạnh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM) phát biểu tại hội nghị

Dịp này, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ký kết hợp tác phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT; Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và ĐHQG TP.HCM ký kết hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy kỳ vọng các ký kết hợp tác sẽ trở thành trụ cột hỗ trợ TP.HCM thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề cho TP.

Phải tạo môi trường để học sinh được “nhúng mình” vào ngành nghề

Tạp chí Giáo dục TP.HCM là đơn vị tiên phong đồng hành cùng ngành giáo dục TP.HCM thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS và học sinh THPT. Nhà báo Trần Văn Mạnh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM) đánh giá, TP.HCM có thế mạnh lớn trong công tác phân luồng, hướng nghiệp đó là mạng lưới trường lớp đông, nguồn tuyển sinh dồi dào, do vậy cần đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tối đa hiệu quả. “Băn khoăn nhất là thay đổi nhận thức và định kiến của không chỉ phụ huynh, học sinh mà là của thầy cô giáo – những người trực tiếp làm công tác hướng nghiệp, phân luồng. Bởi trong quá trình hướng nghiệp ở bậc THCS, chính giáo viên cũng nêu băn khoăn rằng học sinh THCS còn nhỏ quá, không nên học nghề”, ông Mạnh nêu vấn đề.

Thầy Nguyễn Vân Yên (Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Q.3) cho biết, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, công tác hướng nghiệp được nhà trường triển khai một cách mạnh mẽ, thường xuyên hàng tuần vào các tiết hướng nghiệp, sinh hoạt chuyên đề… Song, cái khó của trường THPT hiện nay là mong chờ dự thảo tuyển sinh của các trường đại học theo Chương trình GDPT 2018 để giúp học sinh có định hướng lựa chọn hình thức xét tuyển, thi tuyển.

Đào tạo song bằng để thu hút phân luồng

Từ 4 năm nay, Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5) thực hiện chương trình đào tạo song bằng, buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học thêm chương trình trung cấp nghề. Trung tâm hiện hợp tác với 10 trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn TP đào tạo các ngành từ sức khỏe, kinh doanh, cơ khí, CNTT…; 100% học sinh của trung tâm được chọn học 1 ngành phù hợp.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng (Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An), hình thức đào tạo song bằng với đa dạng các ngành nghề là một trong những lý do khiến công tác tuyển sinh của trung tâm có sức hút với phụ huynh sau THCS. Mỗi khóa, tỷ lệ tốt nghiệp trung cấp nghề của trung tâm là 50-60% trước khi có bằng THPT. Trong số đó, 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT hòa nhập ngay vào thị trường lao động.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Để nâng cao hiệu quả hướng nghiệp, phân luồng bậc phổ thông, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các trường THPT cần chủ động hơn nữa, gắn hơn nữa với các trường đại học trong công tác hướng nghiệp, đưa học sinh đến các trường đại học để các em được trực tiếp tham gia trải nghiệm, tiếp xúc và “nhúng mình” vào trong môi trường ngành nghề. Từ đó học sinh mới biết mình thực sự phù hợp với ngành nghề nào…

Có thêm chế độ chính sách cho học sinh tham gia phân luồng

Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.1) nêu, khó khăn của công tác phân luồng học sinh trên địa bàn Q.1 đến từ nhận thức của người dân còn xem thường việc học nghề mà muốn con em phải vào đại học, cao đẳng. Hệ thống các trường THPT công lập, ngoài công lập, GDTX trên địa bàn quận nhiều nên phụ huynh không mặn mà với các trường nghề, có khuynh hướng cho con đi du học hoặc chuyển sang hệ thống trường quốc tế…

Để nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, bà Quỳnh kiến nghị có thêm chế độ chính sách cho học sinh tham gia phân luồng. Song song nâng cấp, thay đổi giáo trình giảng dạy tại các trường nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư đồng bộ cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, bố trí ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Căn cứ đặc thù của địa phương để áp chỉ tiêu phân luồng.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)