Ngày 15-6-2023, Hội đồng khoa học TP.Cần Thơ tổ chức xét duyệt đề tài “Nghiên cứu và biên soạn địa chí Cần Thơ: Văn hóa Cần Thơ”.
Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trình bày mục đích, ý nghĩa của đề tài nghiên cứu
Đây là lần đầu tiên một đề tài về nghiên cứu văn hóa được Cần Thơ thực hiện. Đề tài do ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ làm Chủ nhiệm. Văn phòng Thành ủy Cần Thơ chủ trì. Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức thực hiện; Ban Chủ nhiệm đề tài gồm các thành viên thuộc các sở, ngành liên quan…
Theo đó, TP.Cần Thơ chủ trương thực hiện công trình nghiên cứu khoa học “Địa chí TP.Cần Thơ”. Công trình được biên soạn thành 3 quyển: “Địa lý và lịch sử TP.Cần Thơ”, “Kinh tế – xã hội TP.Cần Thơ” và “Văn hóa Cần Thơ” với tổng số 37 chương. Việc biên soạn địa chí nhằm cung cấp thông tin cần thiết và đầy đủ nhất về sự phát triển của thành phố trên các lĩnh vực, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Đây cũng là tài liệu giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh đất và người Cần Thơ.
Quang cảnh buổi xét duyệt
Ban Chỉ đạo biên soạn “Địa chí TP.Cần Thơ” xác định đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030. Dự kiến, thời gian biên soạn địa chí trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2024.
TS. Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH-CN Cần Thơ, nêu những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện đề tài
Như vậy, công trình nghiên cứu sẽ biên soạn quyển “Văn hóa Cần Thơ” trong tổng thể chung của địa chí Cần Thơ. Đề tài “Văn hóa Cần Thơ” nhằm định vị những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của vùng đất Trấn Giang – Cần Thơ xưa, nay, theo quy chuẩn biên soạn địa chí quốc gia Việt Nam… Thời gian thực hiện dự kiến 18 tháng (từ tháng 7-2023 đến tháng 1-2025) với tổng kinh phí gần 1 tỷ 300 triệu đồng. Đề tài sẽ nghiên cứu, hệ thống hóa, biên soạn về văn hóa Cần Thơ trong tiến trình lịch sử từ khi thành lập vùng đất Trấn Giang đến nay, bao gồm: Tổng quan về văn hóa; vùng đất và con người; ẩm thực, nhà ở, đi lại; tôn giáo, tín ngưỡng; nghi lễ, phong tục tập quán và lễ hội; di sản kiến trúc; di sản Hán Nôm; làng nghề và nông ngư cụ; văn học nghệ thuật; báo chí; truyền thông và xuất bản; y tế; giáo dục; thể dục – thể thao; trang phục.
Bà Phạm Thị Hồng Thắm (Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ), trình bày khái quát nội dung đề tài
Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết thêm: “Công trình nghiên cứu “Văn hóa Cần Thơ” sẽ khái quát được quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của TP.Cần Thơ, và là nguồn tư liệu chính thức, có tính khoa học và thực tiễn, xác hợp với vị trí, vai trò của TP.Cần Thơ – đô thị loại I trực thuộc TW; là cơ sở cho các cấp quản lý trong hoạch định chiến lược phát triển về văn hóa cũng như trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa; quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ. Đồng thời góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí; phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh… góp phần để Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đạt mức cao vào năm 2030 và Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á vào năm 2045”.
Tại buổi họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, ý nghĩa, nhằm bổ sung về chủ thể, phạm vi và phương pháp nghiên cứu, góp phần để Ban chủ nhiệm hoàn thiện nội dung đề tài. Kết thúc buổi xét duyệt, Hội đồng thống nhất thông qua và cho triển khai thực hiện đề tài.
Đan Phượng
Bình luận (0)