Nghiện nét, nguy cơ học sinh bỏ học sẽ rất cao. Ảnh: V.M
|
Nhà nhà lắp đặt Internet và quán nét thì mọc khắp mọi nơi. Theo đó, các cô, cậu học trò lên mạng mọi lúc, mọi nơi cũng không phải là điều khó hiểu. Không ai có thể phủ nhận những tiện ích của Internet nhưng “Nếu không biết kiểm soát chặt chẽ, trẻ sẽ lún sâu vào thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thực”, bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi đồng II khẳng định.
Hầu như không ông bố, bà mẹ nào cấm con cái lên mạng chỉ để chơi những trò chơi đơn giản, hay chat với bạn bè… Bởi họ nghĩ rằng đó là vô hại. Tuy nhiên, tại hội thảo tâm lý: “Nghiện Internet: Nhận biết và can thiệp” do BV Nhi đồng II tổ chức mới đây, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc BV Tâm thần TW thì: “Một nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng Internet trung bình 38 tiếng/tuần cho các mục đích không liên quan đến học tập, công việc là những người nghiện Internet. Những người không nghiện chỉ sử dụng Internet khoảng 8 tiếng/tuần. Nghiện Internet sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực”.
Nhập viện vì… nghiện Internet
Đó là trường hợp của học sinh T.A (SN 2005), hiện đang học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM.
“Bé được mẹ đưa đến Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng II khám vào ngày 25-8-2011 (lúc đó học sinh T.A mới bước vào năm học mới 2011-2012 được 10 ngày – tựu trường ngày 15-8, PV). Lý do đến khám là hai ngày trước đó, cô giáo mời mẹ bé lên phàn nàn về việc học tập của bé. Trong giờ học, bé không chịu học mà vẽ toàn hình trong game như máy bay, ô tô và đòi đi về. Và cô giáo đã khuyên phụ huynh nên đưa bé đi khám”, bác sĩ Thanh Thủy kể lại.
Theo lời kể của phụ huynh thì, do bận công việc nên khi T.A còn nhỏ bà thường bật ti vi cho con coi. Và cách đây khoảng một năm (lúc đó T.A được 5 tuổi và đang học mầm non), T.A được chị gái (10 tuổi) dẫn qua tiệm Internet trước nhà. Lúc đầu chỉ coi phim hoạt hình, sau đó chuyển sang chơi game đua xe, bắn súng. Từ đó bé bắt đầu mê mẩn cái tiệm Internet này, từ trường về nhà là bé lại ghé sang đây. Mỗi ngày bé xin mẹ 2 ngàn đồng (2 ngàn đồng chơi được 30 phút), mỗi ngày xin 5-6 lần. Không chỉ có vậy, mỗi khi hàng xóm sang mua bánh khọt (mẹ bé bán bánh khọt) thấy bé nói chuyện về game rất giỏi nên đã cho tiền để bé chơi.
“Quan sát bé lần đầu tại phòng khám, cho thấy bé thân thiện, dễ gần gũi nhưng ngôn ngữ diễn đạt chậm, nhận thức chậm so với tuổi. Bé chỉ nói được những câu hoặc cụm từ ngắn, nói ngọng. Khi chơi, trẻ chọn những đồ chơi dài và tưởng tượng là súng rồi giơ lên bắn, chọn hình máy bay giơ lên bay và nói những từ đối thoại trong game như: “ta bắn được rồi”, “chạy đâu được”, “chết mày chưa”. Khi vẽ tranh, bé chỉ vẽ máy bay và ô tô. Hỏi bé tên gì, bé trả lời: “Máy bay nào thắng”, hỏi bây giờ là buổi gì, bé trả lời buổi tối (trong khi lúc đó đang là buổi sáng). Bé liên tục kêu mẹ đi về không nó bắn chết…”, bác sĩ Thanh Thủy kể tiếp.
Cũng theo bác sĩ Thanh Thủy thì đây chỉ là một trong vô số trường hợp mà khoa tâm lý tiếp nhận mỗi ngày…
Trẻ học kém vì… nét
Nói về hậu quả tiêu cực của việc nghiện Internet, PGS.TS Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Về vấn đề học hành, Internet đã được đưa ra là một công cụ giáo dục trong trường học. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy 86% giáo viên và các cán bộ nhà trường cho rằng trẻ em sử dụng vi tính không cải thiện được việc học tập; 58% sinh viên báo cáo rằng họ sa sút về thói quen học tập, bị rớt hạng, bỏ học nhiều môn do sử dụng Internet quá nhiều. Về mặt cơ thể, do lên mạng trong thời gian kéo dài, rất khuya, có khi gần như thâu đêm nên giấc ngủ của các “con nghiện” thất thường – không đến 4 giờ/đêm. Giấc ngủ bị tổn hại gây mệt mỏi, chức năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, dễ bị tổn thương và phát sinh bệnh tật. Về gia đình, do quá say sưa với Internet, mối quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ – con cái và những mối quan hệ thân thiết khác bị phá hoại nghiêm trọng. Người nghiện Internet ngày càng dành ít thời gian cho những người xung quanh mà chỉ ngồi một mình với máy vi tính. “Con nghiện” thờ ơ với công việc nhà, từ việc nhỏ như nấu ăn, giặt đồ, mua sắm đến việc quan trọng như đưa đón con đi học, chăm sóc con cái…”.
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang cho biết: “Trong thực hành lâm sàng hàng ngày, chúng tôi gặp một số trường hợp nghiện Internet đến khám. Đa số các trường hợp này có những đặc điểm: là trẻ vị thành niên và nam nhiều hơn nữ; hay có những rối loạn khác đi kèm như rối loạn tăng động kém chú ý, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn cư xử, khó khăn trong mối quan hệ xã hội… Những trường hợp này thường khó khăn trong điều trị, ngoài điều trị thuốc còn cần thêm điều trị tâm lý – xã hội”.
“Để cai nghiện cho con, phụ huynh cần cho trẻ biết có một thế giới thực sống động bên ngoài cuộc sống Internet. Đặc biệt, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con, cho con tham gia các hoạt động tập thể như dã ngoại, hướng đạo sinh…”, bác sĩ Thanh Thủy khẳng định.
Hòa Triều
Bình luận (0)