Phải khẳng định rằng bia, rượu hay nói chung là thức uống có cồn đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong các cuộc liên hoan, lễ hội, cưới hỏi…
Bia, rượu kích thích tiêu hóa, tăng ngon miệng, cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng đằng sau điểm sáng nhỏ tích cực của bia rượu, mặt trái bi thảm là tình trạng lạm dụng thức uống “thăng hoa” cuộc sống này: nạn nghiện rượu.
Không riêng ở nước ta mà cả thế giới, nghiện rượu đã và đang là một vấn nạn nhức nhối của gia đình và xã hội. Theo từ điển mở Wikipedia, ở Đức có đến 4,3 triệu người nghiện với hơn 30% là nữ, xã hội hằng năm mất đi 15-40 tỉ euro. Ở VN, theo BS Lý Trần Tình, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tỉ lệ bệnh tâm thần do rượu chiếm 4,4-7%. Còn Bệnh viện Tâm thần TP.HCM ghi nhận rối loạn tâm thần liên quan đến rượu ngày càng chiếm tỉ lệ đáng kể.
Hầu hết người nghiện rượu bị rối loạn giấc ngủ, ngoài ra nhiều người mắc hội chứng quên, bị rối loạn trí nhớ và rối loạn cương dương, suy giảm tình dục.
Người nghiện rượu sẽ bị hội chứng Wernickle Korsakoff, gồm hai chứng rối loạn chức năng não: mất khả năng nhớ và nhớ lẫn lộn, gọi nôm na là “teo não”. Đây là bệnh não do thiếu vitamin B1 kéo dài. Vitamin B1 giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống chuyển hóa năng lượng cho hoạt động của mọi cơ quan, đặc biệt là cho não bộ. Teo não còn gây nhiều hệ lụy khác như mất ngủ, ảo giác, nói nhiều, hoang tưởng, tay chân run… thậm chí bị tâm thần phân liệt.
Bia rượu sẽ là người bạn tốt nếu chúng ta hiểu và sử dụng đúng mức; ngược lại nếu lạm dụng thì nó sẽ là kẻ thù, mầm mống bệnh tật, gây đau khổ cho bản thân, gia đình và xã hội.
TS.BS Trần Bá Thoại/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)