Trà sữa đã trở thành đồ uống phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nơi khác ở châu Á. Nghiên cứu cho biết có mối liên hệ đáng lo ngại giữa thứ đồ uống này với các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Thanh Hoa và Trường đại học Tài chính Kinh tế trung ương Trung Quốc đã khảo sát 5.281 sinh viên ở Bắc Kinh và phát hiện ra rằng, các triệu chứng nghiện trà sữa không chỉ có thực mà còn liên quan đến các vấn đề như trầm cảm và lo âu.
Nghiện trà sữa gây trầm cảm ở giới trẻ.
Trong bài báo công bố nghiên cứu, các tác giả viết: "trà sữa đang trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là ở giới trẻ. Các phát hiện của chúng tôi khẳng định rằng uống trà sữa có thể dẫn đến nghiện và có liên quan đến trầm cảm, lo âu và ý tưởng tự tử".
Sử dụng một thang đo độ nghiện có uy tín để đánh giá các yếu tố như luôn luôn thèm uống và uống quá nhiều để thỏa mãn, nhóm nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy một số người trẻ tuổi có dấu hiệu nghiện. Gần một nửa số sinh viên tham gia khảo sát cho biết họ uống ít nhất 1 cốc mỗi tuần.
Trà sữa không chỉ chứa quá nhiều đường mà còn có chứa caffeine và các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, những loại đồ uống như vậy có thể dẫn đến tâm trạng chán nản và sự cô lập với xã hội ở thanh thiếu niên.
Nghiên cứu còn cho thấy cách tiêu thụ trà sữa còn liên quan đến trầm cảm và cảm giác cô đơn. Mặc dù mục đích của nghiên cứu không phải là tìm ra nguyên nhân, nhưng vẫn nhấn mạnh một vấn đề tiềm tàng cần được điều tra kỹ hơn, đặc biệt là cần xem xét việc đồ uống này ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Các chuyên gia cho rằng giới trẻ ở Trung Quốc và nhiều nơi khác đang sử dụng trà sữa như một cách đối phó và điều chỉnh cảm xúc, và đồ uống này có thể gây nghiện, gây tổn hại không kém gì phương tiện truyền thông xã hội hoặc ma túy.
Nghiên cứu trong tương lai sẽ thu thập số liệu ở quy mô lớn hơn và theo dõi việc tiêu thụ trà sữa trong thời gian dài hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng viết trong báo cáo rằng: "các kết quả cho thấy tiêu thụ trà sữa có thể dẫn đến các triệu chứng nghiện, trong đó có thèm/ phụ thuộc thường xuyên, ý định bỏ, không thể bỏ, và các cảm giác tội lỗi". Họ khuyến nghị rằng cần có các biện pháp tại chỗ để bảo vệ cả sức khỏe thể chất và tinh thần cho các đối tượng uống nhiều trà sữa, bên cạnh các vấn đề như béo phì hay sâu răng.
"Các phát hiện này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng các luật lệ như là cấm quảng cáo, mở rộng giáo dục tâm lý, xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với ngành công nghiệp tiêu thụ sản phẩm hướng đến giới trẻ hiện đang phát triển mạnh mẽ này đồng thời vẫn bảo vệ được sức khỏe tâm thần cho người tiêu dùng", các nhà nghiên cứu cho biết.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)