Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghiệp “phấn trắng, bảng đen” ở một ngôi làng

Tạp Chí Giáo Dục

“Tiểu đội” giáo viên của gia đình thầy Hoàng Ngọc Danh

Đã hơn một lần tôi được “mục sở thị” về những gia đình ba đời làm nghề giáo ở đâu đó khắp nơi trên mảnh đất Bình – Trị – Thiên khói lửa này, nhưng tiếng tăm về một làng quê mà “nhà nhà dạy học”, “người người học sư phạm” thì đây là lần đầu tiên, và có lẽ cũng là làng quê duy nhất, độc đáo nhất, “chẳng nơi nào có được”. Đó là làng Nại Cửu, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị).
Một dòng họ hơn 100 người dạy học
Hôm tôi về Nại Cửu, anh Trần Sinh, Trưởng thôn cho biết: “Nại Cửu tuy là một làng thuần nông, mỗi đầu người chưa tới 2 sào ruộng khoán nhưng lại là làng “giàu” nhất Quảng Trị đấy. Cả làng có 700 nóc nhà thì có hơn 500 người theo nghề giáo, nhà ít 1 người, nhà nhiều thì hơn một tiểu đội (12 người)”.
Ở Nại Cửu, gia đình thầy Hoàng Ngọc Danh là một trong những gia đình dạy học tiêu biểu nhất. Năm nay thầy Danh đã ngoài 75 tuổi. Dù đã nghỉ hưu cách đây hơn 10 năm, thầy vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày và tìm tòi, nghiên cứu phát hiện ra những phương pháp dạy học mới để góp ý cho các con vào mỗi ngày cuối tuần.
Rót cốc nước vối mời tôi giữa chiều đầu đông buốt giá, giọng thầy trầm ấm kể về cuộc đời dạy học ngót 40 năm của mình. Năm tốt nghiệp lớp 12, thầy theo nghề sư phạm với ước mơ ngày ra trường về lại làng quê giúp các em nâng cánh ước mơ đến trường. Nhưng rồi chiến tranh ly lạc, thầy phải “dạt” đi khắp nơi làm gia sư để kiếm sống. Đất nước hòa bình, thầy về lại quê hương, viết đơn tình nguyện xin dạy học ở trường làng.
Trong kí ức của cô học trò Nguyễn Thị Hường, nay là đồng nghiệp của thầy Danh vẫn còn nhớ như in những ngày cô và lũ bạn quanh xóm đến lớp mà không có tập vở, thầy đã chắt bòn những đồng lương còm cõi của mình mua vở cho cô và các bạn. Dẫu lúc đó cuộc sống của 8 miệng ăn trong gia đình thầy chỉ trông chờ vào đôi bàn tay tảo tần của người vợ. “Tấm lòng của thầy là động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn để thành đạt như hôm nay. 30 năm đứng trên bục giảng, tôi luôn nỗ lực hết mình để không phụ lòng thầy. Với tôi, thầy Danh như người cha ruột”.
Gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy Danh đã góp sức đưa bao nhiêu thế hệ trẻ ở vùng đất bùn lầy nước đọng, nghèo khó trăm bề này học con chữ để bước ra khỏi cái cổng làng… Giờ đây, các con thầy đã trở thành những nhà giáo đứng trên bục giảng. Nhà thầy có sáu người con thì năm người làm nghề dạy học, rồi cả năm đứa con dâu cũng là giáo viên. Thầy Danh cho biết: Trong dòng họ Hoàng hầu như gia đình nào cũng có người làm giáo viên. Theo thầy thì số con em trong họ làm nghề dạy học lên tới trên 100 người, chưa kể con cháu ngoại, dâu rể…
Theo lời giới thiệu của anh Sinh, tôi tìm đến nhà thầy Ước. Thầy Ước có thâm niên dạy học hơn 40 năm. Thầy đã từng dạy học từ Đà Nẵng, ra Huế, Quảng Bình rồi đến Nghệ An… Sau giải phóng, thầy về quê hương tiếp tục dạy học. Thầy có 5 người con thì cả 5 đều tốt nghiệp đại học sư phạm và 5 đứa con dâu cũng là giáo viên. Thầy Ước tự hào nói: “Làng tui thuần nông nhưng lại giàu nhất tỉnh đấy. Trong họ tui bây giờ đếm sơ sơ cũng chừng trên 60 người dạy học, chưa kể những người về hưu”.
Ở làng Nại Cửu, gia đình ông Võ Liễu được coi là tấm gương sáng để các bậc phụ huynh trong làng dạy con cháu noi theo. Vợ chồng ông Liễu suốt đời quần quật với ruộng đồng, lớp học vỡ lòng vẫn chưa từng trải, nhưng 6 người con của ông bà đều đỗ đạt, trong đó có 2 người hiện đang bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Havard Hoa Kỳ…
700 năm, truyền thống một làng nghề
Ngay từ thuở khai canh lập làng, các vị tiền khai khẩn làng Nại Cửu đã rất coi trọng việc học chữ. Khoán ước ghi rõ, hàng năm trích một phần ruộng gọi là “ruộng mậu” để ban thưởng cho con em học hành đỗ đạt. Ở đình làng, ngoài bàn thờ thần nông, thờ tổ tiên như bao nhiêu làng quê khác, Nại Cửu dành hẳn một không gian long trọng vinh danh con em trong làng đỗ đạt cao. Người ta gọi bàn này là bàn học sĩ. Và cũng chỉ duy nhất ở đây có bàn thờ nhưng không bao giờ bái lạy, bởi trong số học sĩ đỗ đạt ấy có người sống và người đã khuất.
300 năm trước, làng Nại Cửu có tiến sĩ sớm nhất vùng đất này, đó là tiến sĩ Trần Gia Thụy (Thượng thư Bộ Lễ thời Hậu Lê). Ông được coi là người “đặt nền móng” cho nghề dạy học ở Nại Cửu. Những năm sau đó, con em trong làng liên tục đỗ đạt cao. Niên hiệu Tự Đức thứ 4, làng lại có ông Võ Tử Văn đỗ Phó Bảng khoa Tân Hợi năm Tự Đức thứ 4 (1851), làm đến chức quan Án Sát, dạy học trong cung. Tính đến nay, con số tiến sĩ trong làng lên đến hàng chục; gần 200 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng; số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên là 30 em.
Chiều về trên triền đê giữa bạt ngàn đồng ruộng thật êm ả, lũ trẻ con nhảy choi choi, hát đồng dao: “Có duyên lấy được anh chị thầy đồ/ Đảm đang, trung hiếu, nơi mô cũng sẵn lòng/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Một đời chung thủy sắt son làng nghề!”. Tôi chợt nhớ lời thầy Danh: “Kể từ thuở cha ông đến khai canh lập làng đến nay, không ai biết vì sao con em làng Nại Cửu chọn nghề giáo, chỉ biết rằng, truyền thống về nghề giáo đã gắn bó máu thịt với làng, chảy trong huyết quản mỗi người dân”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Đã có một thời người ta nói nghề sư phạm là nghề “chuột chạy cùng sào”, nhưng với làng Nại Cửu người ta lại nói: “làm giàu bằng nghề giáo”… Câu nói vui cửa miệng của các bậc cao niên trong làng như “vận” vào thế hệ tương lai để hết năm này sang đời khác, bao thế hệ học trò làng kiên trì với nghiệp “phấn trắng, bảng đen” làm lý tưởng phấn đấu của đời mình…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)