Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

NGND Hoàng Như Mai: Cả đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục vì lời giáo huấn của Bác

Tạp Chí Giáo Dục

GS.-NGND Hoàng Như Mai một đời tận tụy với sự nghiệp GD-ĐT

“Thấm thía lời dặn dò của Bác Hồ về việc cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ kế thừa, gần 70 năm qua, tôi đã không rời bục giảng dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào!…” – Mở đầu câu chuyện GS. – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai đã khẳng định như vậy.
Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai kể lại: Dạy học gần 70 năm qua (kể từ năm 1943 tôi đã làm thầy giáo), chỉ có 2 năm gián đoạn nghề giáo bởi làm cán bộ cách mạng đi diễn kịch tuyên truyền cho chính sách của Việt Minh ở Hà Nội, Huế và theo đoàn quân Nam tiến vào Huế vào Tuy Hoà – Phú Yên cho đến khi kháng chiến toàn quốc tháng 12 năm 1946 bùng nổ… Sau đó tôi được phân công làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ kháng chiến tỉnh Hưng Yên, rồi làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Thanh ở tỉnh Thái Bình…
Kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời làm nghề giáo suốt mấy chục năm qua đó là năm 1950, lúc ấy tôi đang làm Hiệu trưởng ở Trường Sư phạm Việt Bắc thì có chỉ thị của Bác Hồ chuyển các trường giáo dục sư phạm, các trường đào tạo khác phải rời Việt Bắc để sang nước bạn Trung Quốc “lánh nạn” giặc Tây, bảo vệ an toàn cho học sinh, sinh viên và tiếp tục sự nghiệp giáo dục đào tạo cán bộ cho mai này…
Chủ trương của Bác chuyển các trường học sang Trung Quốc là “ở nhờ” trên một miếng đất nhỏ để tránh bom đạn, tiếp tục đào tạo thầy giáo và cán bộ khoa học. Ba trường được Đảng, Nhà nước gửi sang Trung Quốc để cho học sinh được an toàn gồm: Trường Sư phạm Việt Bắc (do thầy Hoàng Như Mai làm Hiệu trưởng), Trường Sư phạm Tuyên Quang (GS. Nguyễn Văn Chiển làm Hiệu trưởng) và Trường Khoa học Cơ bản (GS. Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng, đó là tiền thân của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sau này).
Trước khi lên đường sang đất bạn Quảng Tây (Trung Quốc) “ở nhờ”, Bác Hồ gọi tôi, GS. Nguyễn Văn Chiển và GS. Lê Văn Thiêm đến gặp để Bác dặn dò nên làm cái gì khi sang Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Ba chúng tôi đã đến an toàn khu (ATK) ở Tuyên Quang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đó trong 1 căn cứ bí mật. Hôm ấy Bác bận tiếp khách quốc tế, Bác đã cử đồng chí Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp chúng tôi. Cầu thủ bóng đá Huy Khôi đưa 3 chúng tôi đến 1 cái miễu thờ cúng để gặp Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng. Phó thủ tướng từ căn cứ bí mật cưỡi ngựa đến cái miễu để gặp chúng tôi. Sau khi tìm chỗ buộc ngựa xong, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói câu đầu tiên mà tôi nhớ suốt đời: “Tôi chưa được hân hạnh biết các anh. Hôm nay Bác bận tiếp khách quốc tế, Bác bảo tôi truyền đạt nguyên văn đến các anh như thế này: “Nhân dân tin cậy ở Đảng – Nhà nước – Chính phủ, ở Bác cho nên người ta gửi con đi học ở nước ngoài cho an toàn và để thành tài về giúp đất nước Việt Nam. Bây giờ Bác gửi học sinh lại cho các anh bảo vệ và chăm sóc, đào tạo…
Sang bên nước bạn Trung Quốc phải làm nhà mà ở, làm lớp mà học. Nếu xây dựng trường và nhà thì xây dựng gần con sông để tiện chở gạo, chở củi nuôi các cháu (dự định của Bác là chở gạo chở củi theo đường thuỷ từ Cao Bằng qua Quảng Tây – Trung Quốc nhưng sau đó nước bạn đã đài thọ hoàn toàn chi phí ăn học cho Việt Nam). Phải hết sức tránh tốn kém cho nước bạn Trung Quốc đồng thời ở cạnh bờ dòng sông để cho các cháu tắm rửa, bơi lội cho cơ thể khoẻ mạnh, các anh phải nhớ ngày nào cũng dặn các cháu học sinh tập thể dục.
Trên đường đưa các cháu học sinh sang Trung Quốc, các anh phải mua thịt lợn và thịt bò cho các cháu bồi bổ để khoẻ khoắn”.
Bác bảo tiếp: Thầy trò phải coi nhau như anh em ruột thịt!
Sau 30 phút trò chuyện với chúng tôi, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng rời cái miễu lên ngựa về căn cứ bí mật còn chúng tôi mỗi người mỗi ngả về ngôi trường của mình. Tôi về Trường Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên, GS. Lê Văn Thiêm và GS. Nguyễn Văn Chiển về trường của mình ở Tuyên Quang.
Tôi đã cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giáo dục, không rời bỏ nghề giáo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi không bao giờ rời bục giảng bởi cảm nhận được sâu sắc lời dặn dò của Hồ Chủ tịch năm 1950 thông qua lời truyền đạt của đồng chí Phạm Văn Đồng…
Những người được đào tạo ở khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc ngày xưa, đa số đều thành tài và trưởng thành về nhân cách đạo đức và trí tuệ, học thức! Nhiều người trong số họ đã trở thành cô giáo nổi tiếng ở Việt Nam ngay trong kháng chiến chống Pháp cũng như sau năm 1954 và mãi đến sau này.
Nhiều người trong số họ trở thành trụ cột cho nền giáo dục nước nhà từ bậc tiểu học đến đại học.
Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về lần gặp Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1950 tại ATK Việt Bắc, nhận được lời giáo huấn vĩ đại của Bác Hồ về tư tưởng giáo dục sáng ngời của Bác tôi đã cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo.
THÀNH NGỌC (ghi)
Tư tưởng giáo dục của Bác về việc đưa học sinh sang Trung Quốc cũng như tư tưởng của Bác xuyên suốt lịch sử chống giặc Pháp và đế quốc Mỹ mà tôi thấm thía một điều rằng: Phải tìm người kế tục sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho tương lai đất nước. Người cách mạng tiền bối và quần chúng nhân dân có thể chết đi trong chiến tranh nhưng phải có lớp trẻ kế tục sự nghiệp cha anh…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)