Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngô Bảo Châu: Ngôi sao sáng của toán học Việt Nam đương đại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lịch sử toán học Việt Nam hiện đại nổi lên hai ngôi sao sáng, làm rạng rỡ cho nền toán học nước nhà. GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam từng nhận xét: “Hoàng Tuỵ và Ngô Bảo Châu là hai ngôi sao sáng của toán học Việt Nam đương đại”.

Niềm tin và sự say mê

"Nếu có một điều tâm sự với các bạn trẻ hơn tôi ở nước ta, thì tôi chỉ xin nhắn các bạn: Khoa học không phải là con đường dễ dàng và dễ giàu. Đó là con đường chông gai, cho nên cần có đủ niềm tin và sự say mê khi lựa chọn con đường ấy. Đổi lại, phần thưởng sẽ là những cảm xúc, những chân lý mà bạn sẽ khó đến gần nếu chọn một con đường khác".

Tôi muốn dẫn lời nhắn đó của anh Ngô Bảo Châu dành cho các bạn trẻ hơn anh, khi anh nhận được tin Nhà nước ta đặc cách công nhận anh là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vào một ngày cuối năm 2005, khi anh mới 33 tuổi. Đúng là phải có đủ niềm tin và sự say mê đến vô tận nếu quyết định dấn thân vào "con đường chông gai" của toán học.

Học hết chương trình tiểu học, Châu quyết định thi vào lớp chuyên toán của Trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội. Châu được cha mẹ khuyến khích. Cha anh là GS, TSKH Ngô Huy Cẩn; mẹ là PGS, TS Trần Lưu Vân Hiền. Một kỳ thi tuyển không dễ chút nào! Năm đầu dự thi, Châu… trượt! Không nản, năm sau lại dự thi, và đỗ.

Xong cấp II (Trung học cơ sở), Châu thi vào Khối THPT chuyên toán – tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Kỳ thi càng ngặt nghèo hơn, bởi lẽ, ngoài học sinh giỏi ở Thủ đô, còn có học sinh giỏi các tỉnh, thành phố khác dự thi.

TS Ngô Bảo Châu, 32 tuổi, giáo sư Đại học Paris-Nam

Môn học khó nhất là học làm người

Nếu thiếu sự bồi dưỡng với chất lượng rất cao ở các lớp chuyên toán cấp II, rồi cấp III thì, dù năng khiếu có vượt trội đến đâu, Châu cũng không thể 2 năm liền giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO). Năm 1988, đang học lớp 11, anh đoạt Huy chương Vàng IMO với số điểm tuyệt đối 42/42 ở Canberra (Australia). Năm sau, 1989, lên lớp 12, anh lại giành Huy chương Vàng IMO ở Braunchweig (tiếng Anh là Brunswick, CHLB Đức). Là học sinh Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng IMO, nên khi về nước, anh được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười tiếp tại Phủ Chủ tịch.

Có nền tảng kiến thức toàn diện, vững chắc từ thời trung học thì, về sau, mới đủ sức tiến xa trên đường đời. Ghi nhớ điều ấy, anh luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với những thầy giáo dạy toán ở cấp II và cấp III như Phạm Ngọc Hùng, Tôn Thân, Lê Tuấn Hoa, Vũ Đình Hoà… những người đã truyền cho anh không chỉ tri thức mà còn niềm say mê vô tận với toán học. Anh cũng cảm ơn những cô giáo dạy Văn như Trịnh Bích Ba, Đặng Thanh Hoa…, những người đã qua môn Văn dạy anh "môn học khó nhất là môn học làm người"!

Từ vườn ươm tài năng khoa học

Khối THPT chuyên toán – tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên quả là một "vườn ươm tài năng khoa học". Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII, tháng 10/2005, khối này đã được Nhà nước phong tặng Huân chương Độc lập và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Từ năm 1974 (năm đầu tiên nước ta dự thi Toán quốc tế) đến năm 2005 (22 năm), các học sinh trong khối giành 59 huy chương, trong đó có 20 Huy chương Vàng. Dự thi toán quốc tế 2 năm liền (khi học lớp 11 và lớp 12), 4 học sinh trong khối đã giành mỗi người 2 Huy chương Vàng: Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn và Lê Hùng Việt Bảo.

Từ năm 1989 (năm đầu tiên nước ta dự thi Tin học quốc tế) đến năm 2005, các học sinh trong khối đoạt 26 huy chương. Riêng Nguyễn Ngọc Huy 2 năm liền giành 2 Huy chương Vàng Tin học quốc tế.

400 học sinh cũ của khối đã trở thành tiến sĩ. 30 người khác đạt học vị cao hơn: Tiến sĩ khoa học.

Ngoài Ngô Bảo Châu, một số "cựu học sinh chuyên toán Tổng hợp" khác cũng đã trở thành giáo sư như: Vũ Kim Tuấn (Đại học Kuwait, gần đây chuyển sang Mỹ), Nguyễn Hồng Thái (Đại học Szczecin, Ba Lan), Phạm Hữu Tiệp (Đại học Florida, Mỹ), Lê Tự Quốc Thắng (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ), Đàm Thanh Sơn (Đại học Washington, Mỹ), Nguyễn Tiến Dũng (Đại họcoulouse, Pháp), Đinh Tiến Cường (Đại học Paris 6, Pháp), Nguyễn Đông Anh (Viện Cơ học, Việt Nam), Hoàng Ngọc Hà (Đại học Mỏ – Địa chất, Việt Nam), v.v.

Không ngừng vươn tới những đỉnh cao

Vào năm 18 tuổi, Ngô Bảo Châu được Chính phủ Pháp cấp học bổng để theo học Đại học Paris 6. Nói chung, đối với sinh viên Pháp, được học Đại học Paris 6 đã là một sự mãn nguyện lắm rồi. Nhưng với Ngô Bảo Châu thì… không! Hai năm sau, anh quyết định thi vào hệ đào tạo tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris, trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp, nơi đã từng đào tạo biết bao nhà khoa học lừng danh, trong đó có vài ba người Việt Nam như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo… Ít ai ngờ Châu đậu thủ khoa, mặc dù do thiếu thời gian ôn luyện, về môn tiếng Anh, Châu chỉ được… 2/20 điểm!

Năm 25 tuổi, Châu bảo vệ luận án tiến sĩ về Bổ đề cơ bản của Jacquet; sau đó, làm việc trên một số bài toán khác, và bảo vệ luận án habilitation (tương đương Tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi.

Theo lời khuyên của một nhà toán học lớn, anh quay sang nghiên cứu Bổ đề cơ bản của Langlands, gần với Bổ đề cơ bản của Jacquet. Sau hai năm, trong những ngày về nghỉ hè tại Hà Nội, anh đạt được một bước tiến rõ rệt. Những tháng tiếp theo, kết hợp với một số kết quả mà Gérard Laumon đã thu được trước đó, hai người chứng minh thành công Bổ đề cơ bản của Langlands. Đây là trở ngại chính trong việc thực hiện Chương trình Langlands nhằm mục tiêu tầm xa là thống nhất lý thuyết số, hình học đại số và lý thuyết biểu diễn, do nhà toán học Robert Langlands ở Đại học Princeton (Mỹ) đề xướng từ thập niên 60 của thế kỷ 20.

Thành công đó lập tức gây tiếng vang lớn. GS Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Thế giới thứ ba) ví công trình ấy như "một quả bom tấn" trong toán học đương đại. 

Ngày 6/11/2004, tại Boston, thủ phủ bang Massachusetts (Mỹ), GS Ngô Bảo Châu cùng GS người Pháp Gérard Laumon nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay

Ngày 5/11/2005, tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), Viện Toán học Clay trao tặng Gérard Lau mon và Ngô Bảo Châu về "Công trình toán học đặc biệt xuất sắc" trên thế giới năm 2004. Chính Andrew Wiles – người đã giải quyết được Bài toán lớn Fermat tồn tại từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20 – cùng nhiều nhà toán học được tặng Huy chương Fields (vinh dự về toán học tương đương Giải thưởng Nobel ở các ngành khoa học khác) đã tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận Giải thưởng Nghiên cứu Clay.

Chỉ mấy tháng sau thành công ấy, GS Gérard Laumon được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Đầu năm 2008, GS Ngô Bảo Châu một lần nữa làm giới toán học thế giới xôn xao khi anh giải quyết được trọn vẹn Bổ đề cơ bản. Kết quả mới này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không kém phần đặc sắc so với công trình được tặng Giải thưởng Clay năm 2005. Do vậy, sau Giải thưởng Clay của Mỹ, anh còn được nhận thêm 2 giải thưởng toán học khác, của Đức và Pháp.

Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton liền "rước" anh sang Mỹ. Đây là Viện tập hợp nhiều nhà bác học hàng đầu thế giới. Chính Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ 20, đã từng làm việc tại đây. Hết sức bận rộn, thế mà hằng năm anh vẫn "dứt ra" vài ba tháng để về nước, giúp đỡ các tài năng trẻ.

Chính vì vậy, GS Ngô Việt Trung, đánh giá GS Hoàng Tuỵ (sinh năm 1927) và GS Ngô Báo Châu (sinh năm 1972) là "hai ngôi sao sáng của toán học Việt Nam đương đại".

Hàm Châu (Theo Dantri)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)