Người lớn nên hạn chế cho trẻ chơi đồ chơi sử dụng pin (ảnh minh họa) |
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đồ chơi trẻ em, đặc biệt đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có gắn pin. Từ những con vật dễ thương như chó, mèo, thỏ, gấu bông cho đến những chiếc ô tô, xe tăng, máy bay bằng nhựa. Đến mùa Trung thu thì các loại đèn lồng cũng được gắn pin. Nhưng đằng sau những con vật biết hát, chiếc xe biết chạy là nguy cơ ngộ độc pin đối với trẻ…
Những tai nạn từ pin
Hôm sinh nhật lần thứ 2, bé Hoàng Uyên – Q.3 nhận được rất nhiều quà. Bên cạnh những bộ váy, quần áo, nón, giày dép là một chú vịt bông màu vàng rất dễ thương. Bé Hoàng Uyên tỏ ra thích thú với món quà này, bởi “bạn vịt” biết hát. Chỉ cần bé lấy tay vỗ nhẹ vào “bạn vịt” là ngay lập tức vịt cất tiếng hát… Sau một thời gian nghe “bạn vịt” hát, bé Hoàng Uyên bắt đầu tò mò không hiểu vì sao vịt lại hát được. Thế rồi bé mày mò tìm kiếm và cũng tìm ra 2 cục pin. Sau đó, bé lấy pin bỏ vào miệng ngậm.. Cũng may, mẹ bé phát hiện và vội móc miệng bé lấy 2 cục pin ra. Ngày hôm sau, bé được mẹ đưa đi khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé nuốt pin và cho nhập viện 3 ngày …
Một trường hợp khác là bé Tuấn Hưng (3 tuổi) – huyện Củ Chi. Vốn hiếu động, thấy người lớn làm gì, bé cũng bắt chước. Mỗi khi thấy ba thay pin cho cái điều khiển ti vi, bé chăm chú theo dõi. Một hôm, trong lúc người lớn không để ý, bé tháo 2 cục pin trong cái điều khiển ra chơi. Sau đó, bé nhét cục pin vào mũi. Nhét vào thì dễ nhưng khi lấy ra không được nên bé la toáng lên. Lúc đó, ba mẹ của bé vội chạy vào. Cả hai người làm đủ mọi cách mà cục pin vẫn ngoan cố không chịu ra. Rồi bé được chuyển gấp lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng I. Tại đây các bác sĩ đã phải phẫu thuật để lấy cục pin ra… Các bác sĩ cũng cảnh báo, nếu gia đình đưa bé tới BV chậm, bé sẽ có nguy cơ bị ngộ độc pin.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng quát 1- BV Nhi đồng I cho biết: “Ngộ độc do pin là tai nạn khá thường gặp ở trẻ em những năm gần đây. Không như các bậc phụ huynh nghĩ, trẻ em có thể dễ dàng lấy pin ra khỏi vỉ chứa hoặc các trang thiết bị có sử dụng pin rồi nuốt hoặc nhét vào tai, vào mũi. Ngộ độc pin ở trẻ em chủ yếu rơi vào độ tuổi nhỏ hơn 5 và gây hậu quả nặng nề hơn ở người lớn, pin càng lớn thì hậu quả càng nặng”.
Làm gì khi trẻ nuốt pin?
Cũng theo bác sĩ Kim Thoa, ở trẻ nhỏ do đường kính thực quản nhỏ, pin dễ bị kẹt lại tại đây gây biến chứng nặng nề. Khi nuốt pin vào thực quản, dòng điện phát sinh trong cơ thể từ pin sẽ gây phỏng niêm mạc thực quản. Đồng thời các chất trong pin, đặc biệt là chất kiềm có tính ăn mòn cao thoát ra tác dụng trên niêm mạc thực quản gây viêm loét, để lại di chứng sẹo hẹp thực quản. Tùy thời gian pin nằm trong ống tiêu hóa mà pin gây phỏng mức độ nặng hoặc nhẹ, càng lâu phỏng càng nặng hơn.
Nếu pin vướng lại ở thực quản gây triệu chứng nuốt khó, nuốt đau, ho, nôn ói, sốt, làm trẻ kém ăn và quấy khóc nhiều. Nếu vướng lại ở ruột, trẻ sẽ có triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng, nôn máu, phân có màu xám hoặc lẫn máu. Nếu nằm lâu trong cơ thể, pin sẽ gây tổn thương kéo dài dẫn đến hẹp thực quản, dò khí phế quản, tràn khí màng phổi hay xuất huyết phổi và ngưng tim.
“Khi phát hiện trẻ nuốt pin, tuyệt đối không được gây nôn vì không hiệu quả mà có thể làm nặng thêm tình trạng ngộ độc. Nếu trẻ vẫn khỏe, không có dấu hiệu triệu chứng nào, cho trẻ ăn uống bình thường, theo dõi phân của trẻ để xác định xem pin đã ra khỏi cơ thể hay chưa. Thông thường pin sẽ ra khỏi cơ thể theo phân trong khoảng thời gian 14 giờ đến 7 ngày. Nếu từ 7 ngày trở đi mà vẫn chưa thấy pin trong phân hoặc phát hiện trẻ có những dấu hiệu triệu chứng ngộ độc nêu trên thì phải đưa ngay trẻ đến BV để được chụp X-quang ngực và bụng xác định vị trí pin trong thực quản để nội soi lấy ra”, bác sĩ Kim Thoa khuyến cáo.
Minh Thùy
Bình luận (0)