Nguy cơ tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm đang rình rập sỹ tử do hầu hết hàng quán rong quanh các điểm thi ở TPHCM không đảm bảo vệ sinh.
Hàng quán rong giăng kín cổng trường Nguyễn Thái Sơn và Trường ĐH Công nghiệp Ảnh: L.N.
|
Trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn trên đường Huỳnh Tịnh Của (quận 3) vốn tồn tại gần 20 quán hàng rong hoạt động bát nháo lâu nay thì hôm qua (1-7), nơi đây còn mọc thêm nhiều quán cóc, gánh hàng mới tạm bợ, nhằm đón đầu thí sinh thi đại học tại đây vào các ngày tới.
Cơm bụi ruồi bu
Bên vỉa hè, trên cống nước thải, thậm chí ngay cạnh xe rác, nhiều quán cơm, bún… dựng lều tạm bợ mọc lên. Vốn có một xe bán hủ tiếu gõ bữa tối nhưng hai hôm nay, vợ chồng anh Phương cũng xí một chỗ trên vỉa hè cạnh cổng trường để bán quà sáng. Do đất chật người đông, họ dựng tạm tấm bạt để 3 bộ bàn ghế cạnh ngay miệng cống. “Phường cho các hộ chính sách lấy đoạn vỉa hè Huỳnh Tịnh Của để bán quán ăn nhưng do gần đến kỳ thi, học sinh và người thân đông nên vợ chồng tui cũng bán để kiếm thêm”, anh Phương nói.
Quan sát các quán ăn vỉa hè nơi đây cho thấy thức ăn thừa, nước rửa chén bát, rau sống… đều được đẩy xuống miệng cống khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ở các quán cơm, người bán toàn dùng tay trần để bốc thịt, rau trong khi chén bát, đũa muỗng sau khi khách ăn xong chỉ được nhúng qua một thau nước rồi chùi qua loa để dùng tiếp cho người khác.
Dọc đường Phạm Văn Bảo (quận Gò Vấp) nơi lượng lớn thí sinh đến thi tại điểm thi ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, hàng quán cơm, bún, nước giải khát hoạt động tấp nập. Các món ăn của dãy quán cơm bụi để sát mặt đường, che đậy qua loa khiến bụi bặm và ruồi bám đầy. Nhiều sinh viên tình nguyện mùa thi đang tham gia hướng dẫn thí sinh thi ở điểm trường này cho biết không dám ăn cơm tại đây vì thấy quá mất vệ sinh.
Trên đoạn đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (quận 5) nơi có Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn, quán rong tụ tập dày đặc. Bất chấp thời tiết mưa nắng thất thường, các hàng quán chè cháo gánh, xe đẩy vẫn phơi mình.
Tại điểm thi ở Trường Tiểu học Thanh Đa (quận Bình Thạnh) hôm qua nhiều người dân bán hàng rong đến xí phần để chuẩn bị bán cơm, bún, nước giải khát cho thí sinh thi 2 đợt khối A và C tại đây. Một chị bán phá lấu, chả cá viên chiên và bò bía ở trước cổng trường này cho biết, gần kỳ thi, các món này chế biến nhanh, ngon nên bán chạy. Khi hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm, chị nói: “Quán em làm sạch sẽ. Em bán đây đã 5 năm rồi nhưng chưa thấy ai ăn bị gì cả”.
Thiếu người giám sát
Sau khi hàng loạt người dân mắc phẩy khuẩn tả hay ngộ độc thức ăn vào bệnh viện, ngành y tế ghi nhận thủ phạm đến từ hàng quán rong. Tuy nhiên, việc dẹp các quán ăn mất vệ sinh ở TPHCM vẫn chỉ là đánh trống bỏ dùi, dẹp nơi này, hàng quán lại mọc nơi khác. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, đến hẹn lại lên, hàng quán ở các điểm thi lại rầm rộ phục vụ thí sinh.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc xử lý rất khó do không đủ người giám sát. Vì vậy, để phòng cho mình, thí sinh, phụ huynh nên chọn quán ăn đảm bảo vệ sinh. “Để giúp thí sinh an toàn trong ăn uống, tránh ngộ độc thực phẩm, chúng tôi đã chỉ đạo các quận huyện giám sát các điểm bán hàng quán gần điểm thi và tuyên truyền để mọi người phòng tránh”, ông Hòa nói.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết thời tiết ở TPHCM đang nắng nóng và mưa thất thường khiến thức ăn đường phố, dễ bị ôi thiu do không được bảo quản tốt. Nếu ăn các loại thức ăn không đảm bảo này, rất dễ bị tiêu chảy, thậm chí ngộ độc thực phẩm.
Theo khảo sát gần đây của Trung tâm Dinh dưỡng, hầu hết hàng quán ăn vỉa hè, hàng rong đều không đảm bảo về bảo quản thực phẩm, chén bát hầu hết không được rửa sạch nên nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Chủ hàng thường mua thực phẩm giá rẻ không nguồn gốc, chất lượng thấp để chế biến món ăn.
Theo bác sĩ Hà Vinh – Trưởng khoa Nhiễm B – BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh là một trong những nơi lý tưởng để E.coli và các loại khuẩn gây hại khác như phẩy khuẩn tả, tụ cầu vàng… có cơ hội gây ra các bệnh liên quan đường tiêu hóa và ngộ độc.
Theo Gia Phú
(TPO)
Bình luận (0)