Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngộ độc thực phẩm trong trường học: Bao giờ mới hết?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu bếp ăn trường học đảm bảo nhu cầu ăn uống của HS thì sẽ hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trường

Năm 2008, TP.HCM có 22 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nhưng có tới 7 vụ xảy ra trong khu vực trường học. Từ đầu năm 2009 đến nay, thành phố ghi nhận 3 vụ NĐTP, 2 vụ trong số đó xảy ra ở trường học. Và không ai dám đảm bảo từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm vụ NĐTP nào ở khu vực này…
Gần 800 học sinh phải nhập viện vì NĐTP
Mở đầu cho năm 2008 là vụ NĐTP xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Tân (Q.Bình Tân). Ngày 2-1-2008, sau khi ăn trưa tại trường bằng suất ăn công nghiệp do Cơ sở Tường Mai cung cấp, 28 học sinh (HS) của trường đã NĐTP với các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, nhức đầu.
Gần 2 tháng sau, ngày 29-2, 14 HS của Trường Tiểu học Đề Thám (Q.11) cũng phải nhập viện do bị NĐTP. Cả 14 HS này đều ăn trưa tại trường do bếp ăn của trường nấu.
Chưa đầy một tháng sau, tình trạng NĐTP lại tiếp tục xảy ra tại Trường THPT Thalmann (Q.1) khiến 14 học sinh lớp 12A11 phải nhập viện. Ngày 27-3, tập thể HS lớp 12A11 đã mua thực phẩm từ bên ngoài đưa vào trường để tổ chức liên hoan lớp. Trong số trên 40 HS tham dự buổi liên hoan, 14 HS đã bị đau bụng, ói…
Ngày 14-10, 6 HS của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) phải nhập viện vì NĐTP. Trước đó, các em đã ăn bữa trưa do bếp ăn của trường nấu. Trung tâm Y tế dự phòng TP lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả thức ăn có nhiễm khuẩn E coli.
Đến ngày 7-11, 51 HS của Trường Tiểu học Tam Bình (Q.Thủ Đức) lần lượt nhập viện do bị đau bụng, ói, nhức đầu. Điều tra dịch tễ cho thấy, buổi sáng cùng ngày, 51 HS này đã ăn điểm tâm bằng món xôi mặn của một bà bán hàng rong trước cổng trường. Kết quả xét nghiệm cho thấy, món xôi mặn này bị nhiễm khuẩn.
3 ngày sau, tại Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5) cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc tập thể khiến 32 HS phải nhập viện. Buổi trưa hôm đó, hàng trăm HS bán trú của trường đã ăn trưa với suất ăn công nghiệp do Công ty Minh Hiếu cung cấp. Điều tra nguyên nhân gây ngộ độc cho thấy món giá xào là thủ phạm.
Với 493 HS phải nhập viện, vụ NĐTP tại Trường Tiểu học Phước Bình (Q.9) được coi là vụ ngộ độc có số người mắc lớn nhất trong năm 2008. Đầu giờ chiều ngày 22-12, HS của trường đã ăn xế với sữa và bánh bông lan. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bánh bông lan bị nhiễm khuẩn.
Ngày 9-3-2009, một HS của Trường Tiểu học Kim Đồng (Q.6) nhặt được hai bịch kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc. HS này đưa vào lớp và chia cho các bạn cùng ăn. Khoảng 2 giờ sau đó, 25/32 HS ăn kẹo có triệu chứng NĐTP. Gần đây nhất (ngày 2-4), sau khi uống sữa Ovaltine, 97 HS của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.2) cũng đã phải nhập viện vì đau bụng, ói và nhức đầu…
Bao giờ mới hết “may nhờ, rủi chịu”?
Sợ trách nhiệm, để đảm bảo sức khỏe cho HS và đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP, các trường tổ chức bán trú chỉ mua thực phẩm cũng như đặt suất ăn công nghiệp tại những cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực tế cũng đã chứng minh, hầu hết những mẫu xét nghiệm được ngành y tế khẳng định là nguyên nhân gây NĐTP đều có xuất xứ từ những cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm có giấy chứng nhận VSATTP. Nhiều phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục đặt câu hỏi: Phải chăng có giấy chứng nhận VSATTP cũng như không?
TP.HCM hiện có trên 26 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Thế nhưng do “nguồn nhân lực yếu và thiếu nên công tác hậu kiểm không đạt”, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận.
Như vậy cho dù các trường học đã mua thực phẩm của những cơ sở có giấy chứng nhận VSATTP nhưng chưa hẳn đã an toàn? Bởi vậy mới xảy ra tình trạng NĐTP là chuyện “may nhờ, rủi chịu”.
Một hiệu phó Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) cho biết: “Với mức thu 12 ngàn đồng/HS/ngày bao gồm ăn trưa và ăn xế nên nhà trường đã gặp không ít khó khăn khi đảm bảo chất lượng bữa ăn cho HS. Vì vậy, nhà bếp đành phải căn cứ vào giá cả thị trường để mua thực phẩm. Thực phẩm nào rẻ thì cho HS ăn nhiều, thực phẩm nào mắc thì ăn ít lại. Tuy nhiên, nhà trường không dám mua thực phẩm trôi nổi bên ngoài mà mua của các công ty nhưng những thực phẩm đó có đảm bảo VSATTP hay không thì cũng khó biết lắm”…
Bà Trương Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Lô (Q.Phú Nhuận) cũng thừa nhận: “Khi mua thực phẩm, chúng tôi luôn yêu cầu nhà cung cấp cho xem giấy chứng nhận VSATTP nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo. Trường Tiểu học Bình Phước, Q.9 cũng mua thực phẩm có giấy chứng nhận VSATTP, rốt cuộc HS vẫn bị ngộ độc. Theo tôi thì vấn đề NĐTP là may nhờ rủi chịu, dù lúc nào nhà trường cũng cố gắng”…
Như vậy là trong năm 2008 đã xảy ra 7 vụ NĐTP ở trường học với 638 HS phải nhập viện. Năm 2009, chỉ trong hơn 20 ngày từ 9-3 đến 2-4 tại khu vực trường học đã có 2 vụ NĐTP khiến trên 130 HS phải nhập viện.
Mặt khác, trong 9 vụ NĐTP xảy ra trong trường học từ đầu năm 2008 đến nay, có tới 7 vụ đưa thức ăn từ bên ngoài vào, 2 vụ còn lại do bếp ăn của trường. Điều đó cũng cho thấy nguồn thực phẩm đã chế biến từ bên ngoài có nguy cơ khá cao đối với HS. Nên chăng mỗi trường phổ thông (chủ yếu tiểu học, THCS) cần có bếp ăn tập thể để phục vụ nhu cầu ăn uống của học sinh như ở các trường mầm non. Chức năng của bếp ăn không chỉ nấu bữa trưa mà cả bữa xế cho HS. Bởi qua khảo sát, chúng tôi được biết nhiều trường dù có bếp ăn tập thể nhưng vẫn đặt bữa ăn xế ở bên ngoài cho HS. Và nguy cơ NĐTP từ bữa xế này là không nhỏ…
Chừng nào nhà trường đảm bảo được nhu cầu ăn uống từ A tới Z của HS thì chừng đó vấn đề NĐTP ở trường học sẽ được hạn chế…
Hòa Triều

Bình luận (0)