Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngộ độc vì… chén bát

Tạp Chí Giáo Dục

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, thế nhưng hàng ngày với thói quen ăn uống ở hàng quán, nhiều người vẫn ăn ngon lành với những chén bát trong nhà vệ sinh, hay cạnh nắp cống…
Trên đường Thanh Đa nối dài Bình Quới, quận Bình Thạnh, nơi tập trung nhiều quán nhậu. Khi bước vào một quán lẩu dê và hải sản bình dân, nhìn mãi không thấy nhà vệ sinh, người chủ quán chỉ chúng tôi vào góc.
Thật bàng hoàng, khi thấy nhà vệ sinh cách nơi rửa chén khoảng chừng ba mét, chén đĩa, đũa vứt một đống xuống sàn bóng nhoáng và nhầy nhụa, ruồi nhặng. Người đi không để ý có thể vương vãi nước từ nhà vệ sinh vào đống chén đĩa. Muỗng, đũa sạch cũng không được vệ sinh, cầm một nắm đũa lên, nhìn vào đáy hộp đựng thấy một lớp váng đen, đũa thì không phân biệt đầu nào dùng để gắp thức ăn, đầu nào dùng để cầm.
Đi trên con đường Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, đoạn gần trung tâm Y tế của quận, người đi đường có thể thấy hàng loạt quầy bán thực phẩm vỉa hè, gánh hàng rong, có khá nhiều người ngồi ăn. Bà Trần Thị B. bán cháo lòng, bún riêu, canh bún từ 12h trưa đến gần tối được khoảng năm mươi tô, với hai thùng nước nằm ở gốc cây nhỏ ven đường, bụi bặm, dầu mỡ nên cả lũ ruồi ở gần nắp cống đến kiếm ăn. Hai đứa con của bà vừa rửa chén, vừa rửa tay luôn, thậm chí rửa tay xong, họ lại lau tay vào quần áo đang mặc.
Kinh hoàng cảnh rửa chén bát ở các quán ăn ven đường.
 Tại chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận, một khẩu hiệu được treo rất lớn trong chợ “Vì sức khoẻ của mọi người, hãy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, nhưng hàng loạt quầy bán thực phẩm bún riêu, chè chuối, phở,… chỉ có hai xô nước, mỗi xô chứa khoảng hai mươi lít, màu nước vừa vàng đục, vừa dầu mỡ sánh lại thành một lớp váng, xô nước rửa lại cũng đục ngầu, còn bám dầu mỡ. Ngay cạnh chỗ rửa chén là thùng rác đựng thức ăn thừa đã bốc mùi, vẫn nhiều người ăn. Không hiểu họ không để ý, hay là biết mà vẫn chủ quan?
N.T.T bán bún riêu, canh bún ở đây cho biết, mỗi ngày bán được trên năm mươi tô từ 10h sáng đến chiều tối. Khi được hỏi, bà và người phụ giúp có được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đi khám sức khoẻ, có được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm chưa, bà T. trả lời: chỉ đi khám sức khoẻ thôi!
Sở Y tế đã lấy 1.320 mẫu xét nghiệm về độ sạch của chén đĩa và các dụng cụ ăn uống. Kết quả cho thấy, 755 mẫu đạt yêu cầu, 565 mẫu không đạt, chiếm 42,8%. Việc rửa và bảo quản trong môi trường không hợp vệ sinh sẽ dễ bị nhiễm khuẩn như: để gần nhà vệ sinh, nắp cống, các loại siêu vi trùng như rotavirus gây ra tiêu chảy cấp. Các loại vi khuẩn như Samonella, E. Coli, sinh vật đơn bào có amip, trùng roi… thường lây nhiễm từ môi trường không bảo đảm vệ sinh, dễ gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp.
Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm – sở Y tế, cho biết việc kiểm nghiệm các dụng cụ chén đĩa phụ thuộc vào quy trình xử lý. Việc rửa đạt và không đạt, tuỳ vào bản chất của dụng cụ đựng gì để chọn cách rửa cho phù hợp.
Ví dụ, lần đầu rửa bằng xà phòng với nước ấm, rửa tráng lại lần hai, và sau đó rửa bằng nước ấm, để dụng cụ ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Do vậy, khi người dân đi ăn, không nên ăn uống ở những nơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn như: người bán hàng dùng tay bốc thức ăn, tô chén rửa không sạch còn dính dầu mỡ, hàng ăn gần nắp cống, hoặc để thùng rác gần ngay nơi để chén đĩa sạch…
Theo SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)