Con trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện nhân cách nên việc tụ tập, giao tiếp vui vẻ với bạn bè đồng trang lứa giúp trẻ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi các quy tắc xã hội, thiết lập các mối quan hệ và hình thành các kỹ năng như hòa nhập, hợp tác, chia sẻ. Tuy nhiên, khi trẻ tập trung lại nói xấu sau lưng một người bạn khác, thậm chí là thêm thắt, bịa đặt câu chuyện để cho vui, mà không quan tâm đến việc sẽ làm hại đến danh dự, nhân phẩm của đối tượng bị nói đến thì cần phải chấn chỉnh ngay.
Cha mẹ phải nghiêm khắc khi phát hiện ra trẻ tụ tập nhiều chuyện làm tổn thương người khác. Ảnh: IT
Bất ngờ khi con là trung tâm của hội “buôn dưa lê”
Anh Hòa (Q.3, TP.HCM) tình cờ nghe nhóm bạn của đứa con gái lên 10 tuổi “buôn chuyện” với nhau một cách rôm rả về chuyện riêng tư của một đứa bạn cùng lớp trong một buổi học ngoại khóa, nhưng anh không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi bé con nhà mình vốn ở nhà là đứa lành tính, ít nói lại trở thành trung tâm của hội buôn chuyện. Hội “buôn dưa lê” của con nói chuyện say sưa và chỉ giải tán ra về khi con gái anh kết luận với cả nhóm một câu xanh rờn: “Cái Hà học hành thì không bằng ai mà không biết thân, biết phận, từ nay nhóm bọn mình tẩy chay không chơi với nó nữa xem nó vênh váo được bao lâu”. Anh Hòa cũng băn khoăn tự hỏi: “Con bé đã “nhiễm” từ đâu thói nhiều chuyện như thế. Bé đã không còn biết đồng cảm, chia sẻ với bạn cùng lớp từ khi nào? Lại còn cái tật móc máy, xỉa xói hoàn cảnh người khác để làm trò cười như thế”. Gia đình anh Hòa ai cũng là người tế nhị, kín kẽ, biết tôn trọng người khác, anh chị cũng ít khi bàn chuyện người khác trong nhà mình. Chắc chắn phải giáo dục để uốn nắn sớm cái thói chưa tốt này cho con bé, nhưng gia đình anh Hòa chưa biết bắt đầu từ đâu.
Là phụ huynh chắc chắn ai cũng phải bực mình, tức tối khi con trẻ nhà mình thích tham gia hội “bà tám” để đồn thổi, đưa chuyện, nói ác ý sau lưng bạn khác, đánh mất tình bạn vì thói đặt điều, bịa chuyện. Vẫn biết việc trò chuyện rồi bàn tán về chuyện này, chuyện kia là việc bình thường và người ta thường thể hiện như thế trong cuộc sống hàng ngày, nhất là đối với trẻ đang học cách tương tác với nhau trong các quan hệ bạn bè. Nhưng khi các bé nói những câu từ ác ý, phóng đại và thêm thắt sai sự thật chuyện người khác chỉ để làm trò đùa cho vui thì không thể coi là chuyện bình thường nữa. Đó là một biểu hiện của sự xúc phạm và làm hại đến thanh danh người khác và cần thiết phải dạy bé càng sớm càng tốt để biết nhận lỗi, rồi cam đoan là tuyệt đối không vi phạm. Bằng tất cả sự kiên quyết và nhất quán của mình, cha mẹ phải giải thích, thuyết phục cho bé hiểu thói buôn dưa lê này sẽ gây tổn hại đến cho người bị đặt điều cũng như chính bản thân trẻ.
Phải nghiêm khắc với trẻ nhiều chuyện
Cha mẹ gương mẫu để kiềm chế cảm xúc và hành vi của mình: Cha mẹ hãy kiểm chứng xem mình có phải đã từng là người rất hứng thú với việc bàn tán chuyện riêng tư của người khác chưa, nếu mà bạn đã từng có tham gia bàn tán với người khác về những mẫu tin thiếu nguồn gốc thật sốt dẻo trước mặt trẻ… thì từ nay bạn hãy kiềm chế cảm xúc và hành vi của mình lại. Con trẻ có thể tập nhiễm thái độ này từ người trực tiếp giáo dục chúng, thậm chí chúng còn chưa hiểu điều đó đúng hay sai. Trẻ thấy người lớn làm được thì chúng bắt chước một cách vô thức.
Cha mẹ phải nghiêm khắc khi phát hiện ra trẻ tụ tập bạn bè để nói xấu, đặt điều về một người vắng mặt và yêu cầu trẻ chấm dứt việc làm tổn thương người khác. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhẹ nhàng định hướng cho con những chủ đề có thể bàn tán vô tư với bạn bè mà không ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới”. |
Dạy con biết đồng cảm với người khác: Hãy cho con cảm thấy thế nào khi nó có thể là nạn nhân của những lời đồn thổi để con có thể đặt mình vào tình cảnh của người khác. Hướng con bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu. Thuyết phục cho bé nghe và hiểu được thói buôn chuyện người khác là không tốt, vừa lãng phí thời gian, vừa làm mất lòng tin của người khác đối với mình. Việc đưa chuyện, đồn thổi sẽ gây hậu quả rất lớn đến người bị đề cập đến. Hãy chỉ ra cho bé thấy khi rơi vào tình cảnh bị người khác đặt điều sẽ cảm thấy xấu hổ, bị xúc phạm vì bị coi như trò đùa.
Chỉ cho trẻ thấy một số hậu quả khi con “buôn chuyện”: Nếu trẻ thường xuyên buôn chuyện, đặt điều về người khác cũng sẽ gặp rắc rối và nguy cơ bị tẩy chay, xa lánh. Một số bạn thân sẽ rời xa con vì họ không còn tin tưởng. Sẽ đến lúc không còn ai muốn chia sẻ những điều quan trọng cho con vì họ cảm thấy e ngại khi chia sẻ điều gì quan trọng với con vì sợ thông tin sẽ sớm bị đồn thổi đến tai nhiều người khác. Như thế, vì những chuyện đùa cợt, mua vui mà con có thể bị mất uy tín.
Mạnh dạn yêu cầu con nhận lỗi: Trẻ đồn thổi, bịa đặt chuyện riêng tư của người khác có thể là do vô cảm, thiếu hiểu biết hoặc nhận thức chưa thấu đáo mà dẫn đến vô tâm. Nên những bé có ý xấu ít khi dừng lại để suy nghĩ về những cảm xúc của nạn nhân do chúng gây ra. Hãy tận dụng ngay sự nhạy bén của con để giúp nó biết suy xét tới những hậu quả tâm lý nghiêm trọng của thói buôn chuyện do trẻ gây ra. Giúp trẻ hiểu mình đã sai, thấu hiểu sự tổn thương mà con gây ra và quyết tâm không tái phạm.
Giải thích cho trẻ hiểu đặt điều là gây tổn thương cho người khác: Câu chuyện con trẻ đặt điều về một người nào đó có thể phóng đại lên nhiều lần một cách không kiểm soát và không đúng với sự thật sau khi được truyền từ người này sang người khác sẽ khiến cho người đó đau khổ nặng nề. Thậm chí gây thiệt hại về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho đối tượng bị bịa đặt.
Dạy trẻ biết sống trung thực và thẳng thắn: Khi đặt điều, bịa chuyện về người khác con sẽ trở thành người dối trá, xấu xí. Chắc chắn con sẽ không muốn mình trở thành một người như thế. Do đó, “Không nói xấu người khác trong bất cứ tình huống nào. Kể cả việc đem chuyện của người khác ra để phán xét, đánh giá” – Đó là nguyên tắc sống cần giáo dục cho trẻ ngay từ nhỏ. Một đứa trẻ ngoan là biết tôn trọng người khác, biết sống trung thực và chính trực. Nếu có điều gì chưa đồng ý về bạn của mình thì hãy gặp riêng để bày tỏ thái độ một cách tế nhị. Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)