Tôi tò mò không hiểu ngày khai giảng ở nước Pháp sẽ thế nào, thực tâm, tôi mong muốn được chứng kiến một buổi lễ khai giảng thật đặc biệt.
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Mỗi lần đọc lại những dòng tản văn trong tác phẩm Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Những dòng văn ấy luôn gợi tôi nhớ lại ngày đầu tiên đến trường cách đây hơn hai mươi năm, mẹ đèo tôi trên chiếc xe đạp, đạp trên con đường làng quen thuộc đưa tôi tới trường.
Ba năm trước, một lần nữa tôi lại trải qua cảm giác vừa hồi hộp vừa háo hức như thế. Tôi nắm tay con gái tới trường, không phải trường tiểu học ở Việt Nam như tôi ngày xưa, mà là ở nước Pháp. Tôi tò mò không hiểu ngày khai giảng ở nước Pháp sẽ thế nào, thực tâm, tôi mong muốn được chứng kiến một buổi lễ khai giảng thật đặc biệt.
Ngày khai giảng ở Pháp ẢNH: SUDOUEST.FR
|
Lễ khai giảng giản dị
Thế nhưng, trái ngược với mong chờ của tôi, lễ khai giảng ở trường tiểu học giản dị tới mức… không thể giản dị hơn.
Toàn bộ ngôi trường vẫn như những ngày bình thường khác trong năm học, không băng rôn, không bóng bay, không hoa cờ, không loa đài rộn rã. Tất cả các học sinh từ lớn đến bé tập trung ở sân trường.
Những học sinh cũ đã quen trường lớp tự đi tìm tên mình trên bảng danh sách để biết năm nay mình học lớp nào, với thầy nào, sau đó tự động tìm thầy để tập trung. Trường tiểu học chỉ có 5 lớp, các trò đều đã quen hết các thầy, nên việc tự tìm thầy không có gì khó khăn cả.
Các bé tiểu học được nhận quà. ẢNH: PHƯƠNG HÀ
|
Đối với những em mới vào vỡ lòng, không khí đặc biệt hơn một chút. Thầy hiệu trưởng, sau khi nói lời chào mừng với các trò, sẽ giới thiệu cô giáo dạy lớp vỡ lòng và đọc tên từng em để bước lên cùng với cô. Khi tất cả đã đầy đủ, thầy hiệu trưởng chơi một bản nhạc cho các anh chị lớn cùng hát một bài tặng các em. Xong xuôi đâu đấy, thầy nói lời chúc đầu năm tới các thầy cô và các trò, các trò theo thầy cô về lớp, và thế là buổi lễ kết thúc.
Những tưởng rằng chỉ mỗi nước Pháp mới tối giản đến thế, hoá ra ở các nước khác như Thuỵ Điển, Anh, Bỉ, Mỹ hay New Zealand cũng chẳng có gì khác biệt. Không khí ngày khai trường hệt như nhà văn Thanh Tịnh đã từng miêu tả.
Chỉ có một điều khác là bọn trẻ Việt Nam ở nước ngoài sẽ không bao giờ biết được “hồi trống thúc vang dội cả lòng” là như thế nào. Có chăng, kỉ niệm về ngày khai trường với bọn chúng là niềm háo hức được gặp lại bạn bè sau những tháng hè dài, được kể cho nhau nghe về những kì nghỉ, những chuyện thú vị chúng đã có trong những ngày hè đó.
Năm học mới được chuẩn bị như thế nào?
Ở Pháp, khi một năm học chuẩn bị kết thúc, giáo viên luôn gửi về nhà một bảng danh sách các đồ dùng học tập cần chuẩn bị cho năm học mới. Vào ngày đầu tiên tới trường, học sinh sẽ mang tất cả đến, tự sắp xếp vào ngăn tủ riêng của mình và dùng trong suốt cả năm. Tôi còn nhớ, trong tờ danh sách của con tôi, cô giáo còn chú thích: không cần thiết phải mua đồ “xịn” quá. Ngoài ra, toàn bộ sách giáo khoa trong năm học sẽ được nhà trường phát miễn phí.
Trong khi ở Pháp, vào ngày đầu năm học mới, học sinh mới biết mình sẽ được học thầy cô nào thì ở Vương quốc Anh, thầy cô mới và học sinh đã làm quen với nhau trước khi năm học kết thúc. Các thầy cô giáo của lớp cũ và lớp mới ngồi họp cùng nhau, trao đổi về ưu nhược điểm, tính cách đặc trưng của từng học sinh. Sau đó, thầy cô giáo mới đến lớp làm quen với học sinh, dạy các cháu một buổi và dẫn các cháu tham quan lớp học mới của năm học sau.
Ngày tựu trường ở Vương quốc Bỉ có khác một chút xíu, là nhà trường ấn định một ngày để học sinh tới trường, nhận lớp mới và làm quen với cô giáo mới. Các cô giáo có thể trang trí lớp học theo sở thích. Đặc biệt, các học sinh được cô giáo sắp xếp chỗ ngồi, có ghi tên trên bàn. Trong buổi này các cháu nghe cô giáo dặn dò đôi chút về năm học mới, sau đó nhận sách vở, sắp xếp vào ngăn tủ riêng của mình trước khi ra về. Đến ngày đầu năm học, bố mẹ chỉ cần đưa con đến cổng trường là có thể yên tâm ra về.
Ngày khai giảng ở Bỉ, các học sinh đến lớp nhận chỗ ngồi và đồ dùng học tập. Ảnh: HẰNG
|
Những buổi lễ khai giảng này tuy không được hoành tráng và đẹp đẽ về hình thức, nhưng lại được các phụ huynh đánh giá cao bởi nó tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Nhà trường quan tâm học sinh và hỗ trợ phát huy tối đa khả năng của từng cháu thay vì chỉ thể hiện qua hình thức hay hô hào phong trào to tát.
Lời chào mừng của thầy hiệu trưởng
Điều đáng chú ý nhất ở những ngày khai giảng này là không hề có những bài phát biểu dài dòng, rập khuôn và thậm chí đôi khi hơi “sáo rỗng”. Ngược lại, thầy hiệu trưởng thường lên phát biểu vài câu chào mừng giản dị mà thân tình, vài câu dặn dò nhẹ nhàng và cuối cùng chúc các học sinh một năm học mới vui vẻ.
Những học sinh năm đầu tiểu học thường được nhà trường ưu ái hơn đôi chút. Ở Ý, các học sinh lớp 1 sẽ được cô hiệu trưởng gọi tên để nhận một vé có ghi dòng chữ “Chào mừng các con lên thuyền. Chúc các con một chuyến đi vui vẻ”.
Trong khi đó, ngày lễ khai giảng lớp 1 của các cháu ở Đức còn có phần long trọng hơn, mỗi bé sẽ được nhận một túi quà to mang về. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn tổ chức tiệc để mời gia đình, họ hàng, hoặc hàng xóm tới dự, bởi họ quan niệm, đây là một bước ngoặt lớn của cuộc đời.
Ngày khai giảng ở Đức ẢNH: PHƯƠNG HÀ
|
Ở Anh, sau màn chào hỏi ngắn ở sân trường, các học sinh chia tay bố mẹ để đi đến hội trường lớn. Tại đây thầy hiệu trưởng sẽ có một bài phát biểu ngắn, vừa là để chào mừng các cháu vào năm học mới, vừa là để nhắc nhở lại những quy tắc “vàng” của trường.
Quy tắc vàng ở trường tiểu học Brookland
|
Quy tắc vàng của trường tiểu học Brookland, Vương quốc Anh
1. CHÚNG TA NHẸ NHÀNG. Chúng ta không làm người khác đau.
2. CHÚNG TA TỐT BỤNG, BIẾT QUAN TÂM VÀ GIÚP ĐỠ. Chúng ta không làm tổn thương người khác.
3. CHÚNG TA LẮNG NGHE VÀ TRẢ LỜI MỘT CÁCH LỊCH SỰ, ĐỐI VỚI NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ CON. Chúng ta không ngắt lời người khác.
4. CHÚNG TA TRUNG THỰC. Chúng ta không che giấu sự thật.
5. CHÚNG TA CHĂM CHỈ. Chúng ta không làm lãng phí thời gian của mình và của người khác.
6. CHÚNG TA QUAN TÂM ĐẾN TRƯỜNG HỌC VÀ NHỮNG THỨ TRONG ĐÓ. Chúng ta không phá hỏng và lãng phí đồ đạc.
|
Những lời nói nhẹ nhàng mà thấm thía này các học sinh sẽ được nghe hàng năm, và sẽ dần in dấu trong trí óc của bọn trẻ. Khi lớn lên, chắc hẳn phần lớn sẽ nhắc lại khi dạy dỗ con mình.
Tuần lễ khai giảng
Việc khai giảng năm học đối với các thầy cô giáo và học sinh ở trường tiểu học chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng lại kéo dài cả tuần đối với các phụ huynh.
Đó là thời điểm mà các trung tâm ngoại khoá cũng bắt đầu, và việc đăng ký nhập học ở các trung tâm này thường rơi vào tuần đầu tiên của tháng 9. Việc đăng ký vào những trung tâm như nhạc viện, trường múa, câu lạc bộ thể thao hay lớp vẽ, lớp nhạc kịch cũng không hề đơn giản. Thông thường, mỗi khoá nhạc, múa, vẽ, nhạc kịch, họ chỉ nhận vài cháu, các câu lạc bộ thể thao thường nhận đông hơn. Vì thế, nếu các phụ huynh không chịu khó đến sớm thì đành phải đợi đến năm sau đăng ký lại vậy.
Bố mẹ xếp hàng đi đăng ký nhạc viện cho con ở ParisẢNH: LALETTEDUMUSICIEN.FR
|
Thế mới có chuyện, có những bố mẹ phải đến từ sáng sớm để xếp hàng đăng ký cho con vào học ở những nhạc viện uy tín của Paris. Việc học nhạc của con đôi khi không chỉ đơn thuần là để phát huy năng khiếu hay biết thêm một thứ hay, mà còn là mở ra những cơ hội để sau này con được nhận vào những trường tốt, lớp tốt.
Những khoá học này kéo dài suốt năm học, và nghỉ theo lịch nghỉ giống như các trường học. Cho nên, ngày hè của bọn trẻ, các trung tâm cũng đóng cửa; như vậy bọn trẻ luôn có những ngày hè đúng nghĩa, nghỉ hè chỉ có chơi thôi.
Nguyên-Kan/TNO
Bình luận (0)