“Không nhận ra con mình” là nhận xét mà nhiều phụ huynh lớp 1/1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) đưa ra sau khi tham dự tiết học open house môn tiếng Việt trên lớp cùng các con.
Giáo viên và học sinh cùng “hợp tác” trong tiết học |
Mô hình tiết học mở – open house – là tiết học trải nghiệm trong đó phụ huynh được trực tiếp đồng hành cùng con trên lớp. Từ đó siết chặt mối gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ.
“Tẹt ga” thể hiện
Bài học tiếng Việt về vần et, êt tại lớp 1/1 diễn ra sôi nổi khác hẳn ngày thường khi có sự hiện diện của gần 40 phụ huynh. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy chia lớp ra thành 6 nhóm, trong đó 2 nhóm cùng chung một hoạt động trong bài học. Phụ huynh được sắp xếp ngồi quây tròn xung quanh lớp. “Nhóm 1 và 2 sẽ là quả dâu, cùng thực hiện ghép chữ vào tranh, nhóm 3 và 4 là quả táo sẽ đọc từ, quả xoài là nhóm 5 và 6 sẽ viết câu có vần et, êt”, cô Thủy phân công sau khi giới thiệu cho học sinh làm quen với vần.
Các nhóm chung hoạt động ngồi quây tròn lại, sôi nổi góp ý. Các bức tranh có chủ đề dệt vải, bánh tét, quét nhà, chợ Tết, sấm sét được các thành viên trong nhóm ghép chữ vào tranh nhanh tay thực hiện. Không thiếu những câu ngộ nghĩnh được nhóm viết câu đưa ra như “ghét bạn”, “vui như Tết”, “làm hết bài”… Nhóm đọc từ thì thi nhau đọc, ai cũng cố gắng “gào” thật to những từ liên quan đến vần et, êt. Sau 10 phút thực hiện, các nhóm trưởng thay nhau lên trình bày sản phẩm của nhóm mình trước lớp. Em nào cũng rất tự tin “xin thay mặt”, phía dưới lớp những tràng pháo tay râm ran và ánh nhìn đầy rạng ngời của cha mẹ.
Kết thúc phần thuyết trình, cô giáo giải thích ý nghĩa từng từ cho học sinh hiểu. Với bức tranh dệt vải, cả lớp được xem một clip dệt vải. “Dệt vải là một nghề truyền thống đó các em. Những tấm vải được dệt bằng tay thế này có giá trị thẩm mỹ và kinh tế rất cao”, cô Thủy giải thích.
Khi cô giáo hỏi em nào đã ăn bánh tét, nhiều cánh tay đồng loạt đưa lên. Nhưng khi cô hỏi các em có biết bánh tét thường được dùng trong dịp gì không thì cả lớp đều lắc đầu. “Bánh tét là một loại bánh thường được người miền Nam dùng trong dịp Tết cổ truyền. Tết này, các em nhớ kêu cha mẹ cho ăn bánh Tét và cho đi chơi chợ Tết nha”, cô Thủy nhẹ nhàng nói.
Tổng kết lại bài học, các học sinh trong lớp lần lượt đọc to từng từ, em này nối tiếp em kia để “học sinh nào cũng được thể hiện mình” trước cha mẹ. Không khí lớp học đến cuối buổi vẫn tràn đầy năng lượng và sôi nổi như khi mới bắt đầu.
Trải nghiệm “học cùng con”
“Open house áp dụng phương pháp cá thể hóa, giáo viên sẽ phân nhóm theo trình độ của học sinh, phân việc theo khả năng của các nhóm để phát huy tối đa tính tích cực, khả năng sáng tạo, tinh thần tập thể của học sinh. Trong tiết học, nhóm xếp từ vào tranh gồm các em có lực học trung bình, còn nhóm viết câu theo vần là các em có lực học tốt. Khi phân nhóm theo năng lực, học sinh học yếu cũng không cảm thấy tự ti, kém cỏi trước bạn bè khi các em được thể hiện bản thân trong nhóm”, cô Thủy cho biết.
Theo cô Thủy, khi được trải nghiệm “học cùng con” trong tiết học open house, phụ huynh sẽ dễ dàng hình dung ra một ngày con mình học như thế nào. Từ đó, phụ huynh sẽ hiểu con mình yếu ở đâu để có cách kèm cặp trong việc học ở nhà. Đồng thời, góp ý kịp thời cho giáo viên những điều mà bản thân phụ huynh thấy giáo viên cần phải thay đổi trong phương pháp giảng dạy.
Ngồi chăm chú theo dõi con trai học, luôn vỗ tay rất to mỗi khi con phát biểu, nét mặt không giấu diếm niềm tự hào khi nghe con tranh luận cùng các bạn, phụ huynh em Trần Vũ Hải Hồ cho biết thường ngày ở nhà Hải Hồ rất nhút nhát, ít nói và thường không bao giờ nói to. Thế nhưng, chứng kiến Hải Hồ học, chị thật sự ngạc nhiên và xúc động khi thấy con vô cùng tự tin lúc phát biểu và thảo luận với bạn bè. “Thật sự tôi không nhận ra con mình dù biết vẫn phải kèm cháu nhiều trong cách phát âm”, chị phụ huynh này nghẹn ngào nói. Đây cũng là cảm nhận của rất nhiều phụ huynh sau khi được đồng hành cùng con trong tiết học. “Qua tiết học tôi nhận thấy còn cần phải rèn nề nếp cho con ở nhà và kèm thêm cho con ghép vần”, một phụ huynh chia sẻ.
Theo cô Vũ Diễm Phương (Phó Hiệu trưởng nhà trường), với tiết học open house, học sinh sẽ trình bày nhiều hơn còn giáo viên sẽ không nhận xét nhiều. “Học sinh sẽ tự sáng tạo trong tiết học, vừa giúp các em nắm được bài, vừa tạo sự hứng khởi trong tiết học. Và trên hết là cho phụ huynh những trải nghiệm rất thực tế khi được chứng kiến một tiết học của con trên lớp. Từ đó có những chia sẻ kịp thời với giáo viên để cùng giáo dục trẻ tốt hơn”, cô Phương cho biết.
Yến Hoa
Bình luận (0)