Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngộ nhận hip hop

Tạp Chí Giáo Dục

Vào VN chừng mười năm, thể hiện rõ nhất qua một bộ phận giới trẻ đô thị nhảy hip hop và xem đó như một cách thể hiện cái tôi khác lạ, nhưng chỉ sau một thời gian bùng nổ hip hop “xìu” dần hoặc dạt về các vùng nông thôn.  

Nhảy hip hop là một cách giải trí và cho người xem thấy được vẻ đẹp của nó, chứ không phải để phô diễn “cá tính” – Ảnh: V.T.B.

Từ một cách chơi hay một môn biểu diễn, hip hop lại thể hiện sự bấp bênh trong tâm lý nhiều bạn trẻ khi lựa chọn nó như một sự khẳng định cá tính của mình.

Nhạt nhòa

Nghệ sĩ Hà Thế Dũng khẳng định: “Nhảy hip hop là một cách giải trí và với nhiều người đã được nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn. Hip hop không thể hiện cá tính của người chơi mà khi nhảy bạn hóa thân thành nhân vật mình muốn thể hiện.

Ví dụ, khi thể hiện một nhân vật lêu lổng thì bạn phải cho người xem thấy rõ điều đó, chứ không phải bạn là người lêu lổng. Tóm lại là cứ nhảy cho đẹp đã rồi mới thuyết phục được người khác”.

Một giám khảo đã gây ngỡ ngàng trong đêm chung kết “Bước nhảy xì tin “(BNXT) 2009 khi phê khá nặng lời một nhóm: “Các bạn nhảy chẳng có gì hay, chẳng có gì ngạc nhiên, đến ông bà ngoại của tôi còn nhảy đẹp hơn”, và với một nhóm khác thì: “Tôi chẳng có gì để nói cả”…

Một nữ biên đạo múa nhận xét về nhóm S: “Các bạn vừa làm một vở diễn chứ không phải một bài nhảy”… Còn với nhóm B, vị giám khảo này nhận xét: “Các bạn đang biểu diễn nhạc kịch pha… phim Hàn Quốc, chưa rõ chất dance”… Trong khi đó những khen tặng cho các nhóm chẳng có lời nào đi vào chuyên môn của hip hop cả.

Một bạn trẻ khi trả lời phỏng vấn một hãng tin nổi tiếng nước ngoài đã tuyên bố: “Em thấy những vũ điệu của nó sôi động, cá tính mạnh mẽ, hợp với tuổi trẻ…” và hãng tin này về giật luôn tít “Giới trẻ (VN) nhảy hip hop để biểu hiện cá tính”. Nhiều cuộc thi nhảy hip hop thường được nhấn mạnh là để “cá tính lên ngôi”, “khoe cá tính”, “thông điệp của giới trẻ về cá tính”…

Khi cá tính thông qua vẻ ngoài thể hiện quá rõ, còn khả năng nhảy lại không tương xứng, chỉ sau cái hào hứng ban đầu hip hop dần mất sự thu hút. Thực tế bây giờ ở Hà Nội hay TP.HCM không còn gặp cảnh những nhóm hip hop biểu diễn tưng bừng ngoài hè phố như 4-5 năm trước.

Theo diễn đàn Việt hip hop, cả nước hiện có khoảng 400 nhóm nhảy các thể loại hip hop nhưng hầu hết là những tập hợp lỏng lẻo. Mỗi năm chỉ có 2-3 cuộc thi lớn và khi đó các nhóm mới ào ào tập luyện cho kịp tham dự, sau đó lại “xìu xìu ển ển”. Đông nhóm nhảy như vậy, nhưng NSƯT Hà Thế Dũng – hiệu phó Trường Múa TP.HCM, đồng thời là giảng viên múa hiện đại – lại nhận xét: “Theo tôi, số người đam mê hip hop thật sự ở VN giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Hip hop… là cá tính? 

Có rất ít những pha diễn đẹp, khó và đặc trưng hip hop như thế này (nhóm ATT – Cần Thơ) – Ảnh: V.T.B.

Lý giải vì sao hip hop vào VN đã lâu, có rất nhiều người đua theo nhưng vẫn “xìu xìu ển ển”, H. – một bạn trẻ hip hop từng đoạt nhiều giải trong nước – nói thẳng: “Vì biểu diễn chưa tới, nhảy không đẹp nhưng lại tỏ ra ta đây hip hop bằng quần áo, điệu bộ… nên không thuyết phục được người xem, phụ huynh, các nhà tổ chức và nhà tài trợ. Quần áo tóc tai thì quá dễ, nhảy mới khó. Bạn ăn mặc lạ mắt, điệu bộ khác người nhưng chỉ khoa chân múa tay mà không biểu diễn được những điệu hip hop đặc trưng thì bạn sẽ bị coi là “giật đùng đùng như thằng khùng”.

VŨ THANH BÌNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)