Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngộ nhận về máy đo an toàn thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy chưa phải là dụng cụ phổ biến cho từng gia đình nhưng thời gian gần đây máy đo an toàn thực phẩm đang được các bà nội trợ tin dùng để kiểm tra độ an toàn thực phẩm trước khi bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn hoài nghi về độ chính xác tuyệt đối của loại máy cầm tay này.

Máy đo an toàn thực phẩm thật sự chưa đúng với tên gọi của nó

Máy đo độ an toàn của thực phẩm đang thịnh hành trên thị trường đã trở thành “bửu bối” của người tiêu dùng vì nơi sản xuất đánh trúng tâm lý lo lắng của đối tác về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Mua” sự an tâm

Mặc dù ở gần chợ rau quả nhưng hàng tuần bà Lưu, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 vẫn có thói quen vào siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Thị Thập mua thực phẩm để được an tâm hơn. Gần đây lại có thông tin một số thịt heo có chất cấm, rau củ dư thừa lượng thuốc trừ sâu cũng “lách” vào được một số siêu thị nên bà Lưu lại càng lo lắng hơn. Biết được tâm lý bất an của mẹ, trong một chuyến đi công tác người con trai đã mua cho mẹ một chiếc máy đo an toàn thực phẩm từ bên Nga về. Từ đó mỗi lần ra chợ ngoài tiền dằn túi bà không quên mang theo “con mắt thần” cầm tay để kiểm tra “độ an toàn” các mặt hàng bày bán ngoài chợ trước khi mua. Đó cũng là vật “bất ly thân” của bà Hồng – một giáo viên đã nghỉ hưu ở Đáp Cầu, Bắc Ninh khi ra chợ mua thức ăn. Có trong tay chiếc máy đo hiệu Soeks, người phụ nữ 65 tuổi thật sự tự tin hơn khi chọn lựa được thịt cá, rau quả. Theo lời kể của bà Hồng, lần mua máy tại một cửa hàng ở Hà Nội người bán đã tư vấn kỹ về tác dụng đo dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong rau củ, chất cấm trong chăn nuôi heo, bò… Bà Lưu cũng cho biết, nhờ “cây gậy thần” mà mỗi lần bà ra chợ đã loại bỏ được một số rau quả như dưa leo, đậu đũa, bơ, táo, dưa hấu, thịt heo chất nitrat vượt quá chuẩn cho phép. Tuy nhiên mỗi lần ra chợ, bà Lưu luôn bị dè bỉu vì mang theo dụng cụ gây ra nỗi ám ảnh cho người bán với những câu nói: “Sợ chết thì đừng có ăn”. Theo bà Lưu, do phải chờ đợi trên 10 giây máy mới báo kết quả nên mỗi lần đi chợ cũng mất nhiều thời gian hơn.

Nghe lời giới thiệu của bà Hồng, chúng tôi liên lạc theo số máy 0901148… thì được người phụ nữ tên Như Q. giới thiệu là đại lý của máy đo an toàn thực phẩm hiệu Soeks tại TP.Hà Nội. Bà Như Q. cho biết, ngoài đo được độ chính xác của chất nitrat vượt quá ngưỡng của các loại rau củ, Soeks còn đo được cả chất phóng xạ nếu có trong các loại thực phẩm. Cũng vì được cài đặt phần mềm tiếng Việt nên rất thuận lợi cho người sử dụng trong nước. Cũng theo lời rao, máy đo này còn có cảnh báo chất độc hại trong thực phẩm đối với trẻ em và người già. Ngoài hiệu Soeks, đại lý bán hàng qua mạng còn giới thiệu thêm loại máy của hàng Ecotester nhưng giá đội lên 6,8 triệu một chiếc. Khi tôi từ chối mua loại máy 5 triệu đồng một chiếc thì bà Nh. giới thiệu loại máy xách tay rẻ hơn với giá 3,5 triệu nhưng phải mất thêm tiền cài đặt phần mềm từ tiếng Nga, Nhật qua tiếng Việt. Khi biết khách hàng lo lắng về chất lượng thì được chủ đại lý động viên an tâm vì bảo hành trong 12 tháng nếu hư đổi 1 lấy 1 và sau 7 năm thì điều chỉnh lại một lần.

Đo được chất phóng xạ là… “nổ”

Theo thạc sĩ Đỗ Hữu Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) , đây là loại máy chủ yếu đo dư lượng chất nitrat trong thực phẩm chứ không thể đo hết các độc tố tồn dư trong thực phẩm. Thạc sĩ Tuấn khẳng định: “Những thiết bị này có vai trò sàng lọc mà thôi, chỉ có vào phòng thí nghiệm mới kiểm tra chính xác được độ an toàn thực phẩm. Máy được giới thiệu đo cả chất phóng xạ là họ nói sai, không đúng như công dụng của loại máy này”. Bên cạnh hàm lượng phân đạm còn có các kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật và chất tăng trọng cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm. Thế nhưng tất cả còn nằm ngoài vòng kiểm soát của “kính chiếu yêu” này.

Vì thế nếu gọi là máy đo an toàn thực phẩm thì chưa phải và dễ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Một số chuyên gia về an toàn thực phẩm cũng khẳng định, đây chỉ là máy đo định tính chứ chưa hề có định lượng cụ thể. Phát hiện có chất độc nhưng không biết hàm lượng của nó nhiều hay ít và ngay trong một sản phẩm nếu đo mỗi chỗ khác nhau sẽ có kết quả khác nhau. Bà Lưu cho biết: “Có khi mua ở ngoài chợ thì máy báo trong chuẩn nhưng sau mấy ngày để trong tủ lạnh cắm chỗ khác thì máy lại báo kết quả cao hơn. Không lẽ mua rồi lại đem vứt bỏ”. Rõ ràng khi rao người bán đã ít nhiều thổi phồng công năng để tạo niềm tin đối với khách hàng. Vì thế người mua luôn tỉnh táo và sáng suốt không chỉ nghe thông tin một chiều hoặc những lời đồn thổi thiếu cơ sở khoa học. Ông Phan Văn Xân – kỹ sư sống tại Nga cho biết, mặc dù được sản xuất ở Nga nhưng người dân bản địa lại không hề dùng đến máy đo an toàn thực phẩm vì công tác vệ sinh dịch tễ ở đây rất tốt.

PGS.TS Phan Tại Huân – Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) khẳng định, trước nay trong chương trình giảng dạy chưa có tài liệu nào nhắc đến loại máy đo an toàn thực phẩm hiện đang phổ biến trên thị trường. Theo BS Huân, các cấp các ngành cần có sự phối hợp tốt hơn trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi tung ra thị trường. Việc người dân tự phòng vệ bằng các loại máy móc này vẫn mang tính tự phát của mỗi cá nhân.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)