Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngộ nhận về thuốc giảm đau

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đối với các nhóm thuốc giảm đau thông thường, trong đó có nhóm NSAIDs, người dùng có thể mua mà không cần kê toa nhưng cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh ngộ nhận trong sử dụng.

Nhìn chung, các loại thuốc giảm đau có tác dụng khá hiệu quả trong việc cắt cơn đau nếu dùng đúng chỉ định nhưng người dùng cũng nên tìm hiểu thông tin nhiều hơn để tránh những thói quen chưa đúng hay ngộ nhận trong việc sử dụng thuốc.
Các nhóm thuốc giảm đau thông thường rất dễ mua ở hiệu thuốc nhưng cần hiểu kỹ thông tin để tránh ngộ nhận trong sử dụng
(ảnh chỉ mang tính minh họa.
Đơn cử một số quan điểm chưa đúng thường gặp là:
– Dùng thuốc đau đầu để trị đau cơ: Đau cơ thường do nhiều nguyên nhân gây ra (như: vận động cơ bắp quá sức, mang vác nặng, phụ nữ đi giày cao gót nhiều, ngồi, đứng lâu ở một tư thế hay thay đổi tư thế đột ngột…). Triệu chứng thường gặp là đau ê ẩm ở cổ, vai, lưng, thậm chí đau toàn thân.
Nhóm chuyên điều trị đau cơ trong y học thường dùng là các thuốc có sự kết hợp của hai nhóm hoạt chất ibuprofen cùng acetaminophen (tên gọi khác của paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt) liều thấp từ 400 mg trở xuống. Sự kết hợp này có tác dụng giảm nhanh cơn đau và khắc phục được một số tác dụng phụ nếu chỉ dùng riêng từng chất ở liều cao.
Tuy nhiên, có không ít người sử dụng các loại thuốc đau đầu để chữa đau cơ. Nguyên nhân của sự sai lầm này là do trong các nhóm thuốc trị đau đầu có hoạt chất acetaminophen, aspirin… Những loại này cũng nằm trong nhóm NSAIDs và tác dụng chủ yếu là điều trị đau đầu còn điều trị đau cơ chỉ là một tác dụng thêm không nhiều. Vì thế, nếu dùng các thuốc đau đầu để trị đau cơ sẽ không đạt được hiệu quả, dù sử dụng trong nhiều ngày.
Quan niệm sai lầm trên dẫn đến hậu quả những cơn đau cơ kéo dài dai dẳng. Nếu cứ tiếp tục dùng sai thuốc nhiều ngày sẽ sinh ra tình trạng lờn thuốc và kéo theo những tác dụng phụ không mong muốn.
Có một số thuốc không nên chia nhỏ viên thuốc cho dễ uống. Vì một viên thuốc bẻ nhỏ và uống thành nhiều đợt sẽ không bảo đảm liều lượng khi hấp thu. Bên cạnh đó, cũng không nên uống thuốc bằng nước hoa quả, trà, cà phê… vì có thể sẽ làm mất tác dụng của thuốc.

– Không dùng thuốc, các cơ đau sẽ tự khỏi: Điều này phụ thuộc vào mức độ cơn đau và đau cơ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay tính mạng. Tuy nhiên, cơn đau có thể sẽ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Trong suốt thời gian đó, người bệnh sẽ khó chịu vì những cơn đau hành hạ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc, năng suất lao động kém.

Có nhiều cách để giảm cơn đau (như: massage, giác hơi, đấm bóp…). Việc dùng thuốc giảm đau cũng là một giải pháp khi người bệnh muốn giảm nhanh cơn đau và nhanh chóng trở lại công việc. Tuy nhiên, cơn đau có thể trở thành mãn tính dai dẳng, khó trị nếu không điều trị đúng nguyên nhân gây đau cơ mà chỉ dùng thuốc giảm đau đơn thuần kéo dài.
– Uống thuốc giảm đau sẽ bị tác dụng phụ: Quan niệm này vừa đúng vừa chưa đúng. Vì đã gọi là thuốc thì đều phải có tác dụng phụ dù ít hay nhiều, tùy vào từng thành phần của thuốc, cơ địa của người dùng và cách sử dụng thuốc như thế nào.
Đối với nhóm thuốc giảm đau thông thường (hay NSAIDs), tác dụng phụ không đáng kể trừ những trường hợp chống chỉ định. Ngoài ra, cách dùng thuốc cũng rất quan trọng, nếu người dùng không tuân thủ đúng theo hướng dẫn sử dụng thì mới xuất hiện các tác dụng phụ như dùng thuốc sai chỉ định, dùng quá liều hay tự ý kết hợp các thuốc riêng lẻ lại cùng nhau.

Thạc sĩ – bác sĩ BÙI HỒNG THIÊN KHANH
(Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)
Người Lao Động

 


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)