Trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên (HS-SV) trường nghề còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng lao động, không có cơ hội gia nhập vào thị trường lao động khu vực và thế giới.
Sinh viên một trường nghề trao đổi với chuyên gia về vấn đề học ngoại ngữ trong năm học trước
Chưa đáp ứng yêu cầu
Đến thời điểm này, rất nhiều trường nghề được Bộ LĐ-TB&XH chọn để đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN; nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và nghề thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Tốt nghiệp các nghề trọng điểm này, HS-SV có thể tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước, tuy nhiên không ít người không thể tham gia vì vướng ngoại ngữ.
Từ thực tế đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo, ngoài chương trình giảng dạy tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH ban hành, nhiều trường đã chủ động tăng giờ học, bồi dưỡng ngoại ngữ cho HS-SV, nhất là những em yếu. Dù vậy, hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Ngoài tiếng Anh căn bản là môn chung bắt buộc cho tất cả các nghề, một số trường cũng đã đưa tiếng Anh chuyên ngành vào giảng dạy ở các khoa. Như tại Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, tiếng Anh chuyên ngành được giảng dạy ở Khoa Điều dưỡng, Du lịch, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Điện tử…
Ông Nguyễn Đình Hòa (Giám đốc tuyển dụng Công ty TNHH MTV Cơ điện Thái An, tỉnh Bình Dương) đánh giá, những năm gần đây đầu ra của HS-SV trường nghề có cải thiện, song khả năng ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều em tốt nghiệp với tấm bằng loại khá nhưng rất khó khăn khi đọc hiểu tiếng Anh. Số em giao tiếp trôi chảy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Hòa, đây là một hạn chế với chính bản thân HS-SV, đánh mất cơ hội cạnh tranh với thị trường lao động trong nước và tất nhiên không thể bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp thuộc các doanh nghiệp FDI.
“Một số ngành nghề kỹ thuật với nhiều thuật ngữ chuyên môn khô khan là nguyên nhân khiến người học không hứng thú học, đòi hỏi giáo viên phải có những phương pháp linh hoạt, mềm dẻo để tạo hứng thú cho người học”, ông Jonathan Ledger (chuyên gia giáo dục nghề nghiệp – Văn phòng Bộ Ngoại thương Vương quốc Anh) nói. |
Tương tự, kỹ sư điện công nghiệp Hồ Quang Toàn (Công ty Cơ điện Hòa Phát, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “HS-SV đã tốt nghiệp các nghề trọng điểm, dù là quốc gia hay khu vực thì khả năng ngoại ngữ chuyên môn phải đạt yêu cầu. Sau tuyển dụng, các em có cơ hội học tập thêm để mở rộng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu vốn ngoại ngữ chỉ dừng lại ở hình thức đối phó thì suốt những năm tháng sau đó, các em khó có thể bước chân vào các doanh nghiệp FDI mà chỉ làm công nhân, làm thợ suốt đời”.
Theo ông Toàn, chất lượng đào tạo phải bao gồm trình độ ngoại ngữ, vì vậy công ty chỉ đặt hàng đào tạo ở các trường nghề có uy tín hoặc tuyển dụng HS-SV theo học các chương trình chuyển giao từ Đức hoặc Úc.
Yếu ngoại ngữ do chất lượng đầu vào?
Ông Nguyễn Văn Thắng (giáo viên tiếng Anh có nhiều năm giảng dạy theo hợp đồng ở các trường nghề) cho biết, với khung thời lượng theo quy định, để HS trung cấp học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong giao tiếp thông thường và trong môi trường làm việc là không đơn giản. “Do thời gian đào tạo trình độ TC từ 2,5 năm đến 3 năm đối với các em vừa học văn hóa THPT vừa học nghề nên thời gian học ngoại ngữ khá hạn hẹp. Với một HS có học lực tương đối thì có thể xoay trở được, riêng các em có học lực yếu ở đầu vào, bản thân đã không hứng thú học thì rất dễ nản”, ông Thắng nói.
Hiệu trưởng một trường TC nghề tại TP.HCM cũng thừa nhận, giảng dạy tiếng Anh cho HS, đặc biệt là các em sau THCS rất vất vả. Nhiều năm trước, chương trình đào tạo nghề trình độ TC của trường đã xác định chuẩn đầu ra có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được chuẩn này, trường cũng khá mệt mỏi trong việc tìm giáo viên đạt tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo quy định. Thêm nữa, chất lượng đầu vào còn hạn chế, ý thức học ngoại ngữ của các em chưa cao. Giảng dạy tiếng Anh cho các em đã khó, giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành càng khó hơn, vì vậy giáo viên phải vừa dạy vừa động viên, tránh tình trạng học đối phó để tốt nghiệp. Thực tế, hiện nay có một số trường nghề cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo như chưa có phòng học riêng, trực quan nghe nhìn…
Bà Nguyễn Thị Lý (nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết, nguyên nhân trình độ ngoại ngữ của HS-SV còn hạn chế là do trình độ tiếng Anh đầu vào của các em không đồng đều, bởi các em đến từ nhiều vùng miền trên cả nước; sĩ số HS-SV mỗi lớp đông nên việc triển khai các hoạt động dạy và học còn nhiều hạn chế; ý thức học tập, rèn luyện tiếng Anh nói chung chưa cao, chưa xem năng lực tiếng Anh là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển nghề nghiệp sau này.
Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng ứng viên trực tuyến tại Ngày hội việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM)
Được biết, từ năm 2014, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã ban hành quy định về công tác dạy và học tiếng Anh tại trường. Theo đó, HS-SV tốt nghiệp trình độ TC-CĐ phải đạt năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Cụ thể, đối với trình độ CĐ chuyên ngành tiếng Anh, SV phải có chứng chỉ IELTS 4.5 quốc tế hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương; học và đạt các học phần ngoại ngữ thứ hai được quy định trong chương trình đào tạo. Đối với trình độ CĐ các ngành không chuyên ngữ Anh, SV phải có chứng chỉ TOEIC 350 quốc tế hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương. Đối với trình độ TC chuyên ngành tiếng Anh, HS phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 4.0 quốc tế hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương; học và đạt các học phần ngoại ngữ thứ hai được quy định trong chương trình đào tạo. Riêng trình độ TC các ngành không chuyên ngữ Anh, HS phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 250 quốc tế hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương.
Ông Jonathan Ledger (chuyên gia giáo dục nghề nghiệp – Văn phòng Bộ Ngoại thương Vương quốc Anh) cho rằng bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy sẽ góp phần cải thiện trình độ ngoại ngữ của người học. Bởi một số ngành nghề kỹ thuật với nhiều thuật ngữ chuyên môn khô khan là nguyên nhân khiến người học không hứng thú học, đòi hỏi giáo viên phải có những phương pháp linh hoạt, mềm dẻo để tạo hứng thú cho người học. Thậm chí, với mỗi em, giáo viên phải có một phương pháp riêng.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)