Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngoại thành và vùng ven: Người dân đang sống trong môi trường ô nhiễm nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Khu dân cư ven kênh rạch luôn đối mặt với dịch bệnh

Muỗi nhiều vô kể, tụi nhỏ ngủ trưa nếu không nằm mùng thì muỗi cắn “nát thân”. Ý thức môi trường sống là nguyên nhân đau bệnh nhưng chị Nguyễn Thị Hạnh (KP.3, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) cũng như nhiều hộ dân khác đều tỏ ra bất lực: “Họ ngồi trong nhà ném thẳng bịch rác ra đường, có khi ném cả vô mặt người đi đường. Ý thức của đại bộ phận người dân ở đây còn hạn chế lắm”, chị Hạnh ngao ngán.

Hàng trăm hộ dân sống ven kênh Rạch Bàng (P.Tân Hưng, Q.7) đã quá quen với môi trường ẩm thấp, nhếch nhác và mùi hôi từ con kênh này. Trung tâm Y tế dự phòng quận đã nhiều lần phải “khoanh vùng” nơi đây để dập dịch sốt xuất huyết và các loại bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, bà Nguyễn Thanh Hoa – Trung tâm Y tế dự phòng Q.7 – cho biết: “Trung tâm thường xuyên phối hợp với địa phương phun thuốc, hóa chất phòng và chống dịch. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân dọn dẹp sạch sẽ quanh nhà, khu dân cư không để tồn tại vũng nước đọng, lu, chai chứa nước”.

Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt lâu năm nên việc thay đổi thói quen vứt rác xuống rạch bằng cách bỏ rác đúng nơi quy định là không dễ chút nào.

Bà Lê Thị Ngà, cán bộ hưu trí P.Tân Hưng thừa nhận, ý thức của người lao động với môi trường sống xung quanh có phần hạn chế.

Thực tế lâu nay, việc chứa nước trong khạp, lu dự trữ cho sinh hoạt vẫn còn tồn tại với một số hộ dân vùng ven TP.HCM như Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè…, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và gây ra bệnh sốt xuất huyết. Mặc dù được cảnh báo bệnh tật, thậm chí có ổ dịch tại nhà, nơi sinh sống nhưng vẫn có không ít người còn xem nhẹ tác hại của môi trường sống. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một con hẻm thuộc ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, trong 10 hộ thì có đến 8 hộ sử dụng lu trữ nước đặt sau nhà.

Ông Nguyễn Trọng Hòa – Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh – quan ngại: “Khi đoàn kiểm tra vừa đi, người dân lại bơm nước sinh hoạt dự trữ vào lu như trước, trung bình mỗi hộ 5-7 lu chứ không ít”.

Ở những khu dân cư quy hoạch treo, tình trạng người dân tự khai mương, rãnh để thoát nước thải sinh hoạt khá phổ biến. Do không thể lắp đặt ống thoát đấu nối với cống, lâu ngày nước thải ô nhiễm không thoát được gây ngập tràn. Từ đó môi trường xuống cấp, phát sinh nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường đất dẫn vào xóm nhà tạm nằm ven kênh Tẻ (đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7). Đây là một trong hơn chục xóm nhà nhếch nhác, ẩm thấp kể cả mùa nắng tồn tại hơn 20 năm nay. Càng vào sâu trong xóm, mùi hôi nồng tanh tưởi đặc trưng của nước và rác thải sinh hoạt càng sộc mạnh vào mũi. Sân chơi của bọn trẻ không đâu khác ngoài khoảnh đất trống chưa đầy 3m2 nằm cuối xóm với đầy ruồi và rác. Cách chỗ chúng tôi đứng chừng vài bước chân là một khoảnh đất trống bị ngập úng, nước lềnh đen và cũng là nơi đổ rác của hàng chục hộ dân nơi đây.

Chất lượng sống của người dân giảm khi môi trường sống thiếu thân thiện, đó là khẳng định của các đại biểu có bài tham luận tại hội thảo Sản xuất và tiêu dùng bền vững tại TP.HCM do Sở TN-MT TP.HCM tổ chức mới đây. Hơn nữa, vấn đề môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên với thực trạng ô nhiễm môi trường vùng ven như lâu nay, nhiều địa phương chưa thể hoàn thành bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Bộ Y tế vừa công bố hai trường hợp nhiễm virus Zika, theo đó vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường càng bức thiết hơn bao giờ hết. Nói như bà Hoa – Trung tâm Y tế dự phòng Q.7 – thì: “Mỗi một cá nhân dù sống ở môi trường nào, điều kiện ra sao, hãy tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, tức là đang bảo vệ chính mình”.

Bài, ảnh: Tuy An

Bình luận (0)