Hội nhậpThế giới 24h

Ngoại trưởng Mỹ hoãn thăm Trung Quốc sau sự cố khinh khí cầu

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quyết định hoãn chuyến thăm Bắc Kinh mà theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào ngày 3/2 sau sự cố một khinh khí cầu Trung Quốc bay qua nước này.
Ngoại trưởng Mỹ hoãn thăm Trung Quốc sau sự cố khinh khí cầu ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Viện dẫn sự cần thiết phải đáp trả vụ khinh khí cầu Trung Quốc “bay lạc” vào không phận Mỹ, Washington đã quyết định hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken vào thứ Sáu.

Ông Blinken và Tổng thống Joe Biden đã quyết định “tốt nhất là không nên tiếp tục chuyến đi vào lúc này”, AP trích lời một quan chức Bộ Ngoại giao. Quyết định được đưa ra “chỉ vài giờ” trước khi ông Blinken lên máy bay.

Trước đó, chuyến thăm đã được Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dàn xếp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái, và sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới Bắc Kinh kể từ năm 2020.

Khinh khí cầu được phát hiện lần đầu tiên vào thứ Tư (1/2) trên bầu trời Tây Bắc nước Mỹ. Hôm 2/2, Lầu Năm Góc mô tả đây là “khí cầu giám sát tầm cao”. Vật thể này được nhìn thấy lần cuối cùng ở Billings (Montana). Giới chức Mỹ đã cân nhắc bắn hạ khinh khí cầu, nhưng quyết định không làm điều đó do lo ngại những người trên mặt đất có thể bị thương khi các mảnh vỡ rơi xuống.

Lầu Năm Góc nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng khinh khí cầu ở độ cao cao hơn hẳn so với giao thông hàng không thương mại, và không gây ra mối đe dọa quân sự hay thể chất nào đối với những người trên mặt đất.

Khinh khí cầu được cho là có thể bay qua một số địa điểm nhạy cảm. Căn cứ không quân Malmstrom ở Montana là nơi đặt 150 silo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Trong một tuyên bố được đưa ra cuối ngày 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Khí cầu đến từ Trung Quốc và có tính chất dân sự, được sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và các mục đích khoa học khác. Do ảnh hưởng của gió Tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến".

"Trung Quốc lấy làm tiếc vì khí cầu đã đi lạc vào Mỹ do sự cố bất khả kháng. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với phía Mỹ để xử lý thỏa đáng sự cố này.”

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền Mỹ đã nhận được báo cáo về tuyên bố của Trung Quốc, "nhưng sự hiện diện của khinh khí cầu này trong không phận của chúng tôi, rõ ràng là vi phạm chủ quyền của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế. Điều này là không thể chấp nhận được."

Ngày 3/2, phát ngôn viên Lầu Năm Góc – tướng Patrick Ryder cho biết khinh khí cầu đã thay đổi hướng đi, đang trôi về phía Đông ở độ cao khoảng 18.300m trên miền Trung nước Mỹ và “thể hiện khả năng cơ động”. Ông cho biết khí cầu có thể sẽ ở trên lãnh thổ Mỹ trong vài ngày nữa.

Tiết lộ của Lầu Năm Góc về khả năng cơ động của khinh khí cầu đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc về việc khí cầu bị gió thổi bay.

Công ty dự báo thời tiết AccuWeather cho biết khinh khí cầu có khả năng rời lãnh thổ Mỹ tiến vào Đại Tây Dương tối thứ Bảy (4/2). Mike Rounds, một thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói với Fox News rằng sẽ rất tốt nếu thu hồi khí cầu "bằng cách này hay cách khác" để xem "liệu nó được thiết kế để thực sự thu thập dữ liệu hay để kiểm tra khả năng phản ứng của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Blinken gọi vụ việc xảy ra vào đêm trước chuyến đi của ông là một "hành động vô trách nhiệm" của Trung Quốc, nhưng ông vẫn sẽ đến thăm Bắc Kinh khi điều kiện cho phép.

Blinken cho biết ông chưa ấn định ngày đến Trung Quốc, vì trọng tâm là giải quyết vụ việc hiện tại. "Bước đầu tiên là đưa thiết bị ra khỏi không phận của chúng tôi," ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Washington sẽ duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Bắc Kinh.

Việc ông Blinken hoãn chuyến thăm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội hàn gắn quan hệ Mỹ – Trung Quốc. Mối quan hệ đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 8 năm ngoái.

Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết ông không thấy lý do chiến lược nào để hủy bỏ chuyến đi và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giao tiếp cấp cao với Trung Quốc.

Minh Hạnh/TPO (Theo Reuters, RT)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)