Cả đời sống hết lòng vì con vì cháu, nhưng ngoại chẳng muốn nhận gì cho riêng mình. Một lần, chúng tôi bí mật từ Sài Gòn về tổ chức “ngày phụ nữ Việt Nam” cho ngoại, để “tôn vinh” người phụ nữ cả đời đã vất vả hy sinh cho gia đình, cho con cháu. Miễn cưỡng nhận hoa, nhận quà, ngoại tôi trách mắng vì “sợ cháu tốn tiền”.
Ngoại chăm sóc cây mai ngày Tết |
Ở tuổi 90, tuy đi lại không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng ngoại tôi vẫn giữ thói quen thức dậy từ khi sương sớm còn giăng trắng khắp đồng. Tập thể dục, tưới cây và chăm sóc giàn trầu xanh mơn mởn trước sân nhà là việc ngoại làm đều đặn suốt mấy chục năm qua. Ngoại nói rằng giàn trầu này còn lớn hơn tuổi đời của tôi, nghĩa là nó đã hiện diện trên mảnh đất nhà ngoại hơn 40 năm. Là con nhà Nho, quanh năm vất vả với việc đồng áng, lại rất quan tâm đến việc gìn giữ sức khỏe nên luôn miệng thúc giục từng người trong gia đình “phải biết ăn uống điều độ, đi ngủ sớm và tập thể dục chuyên chăm để có sức khỏe dẻo dai”. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao ngoại có sức khỏe rất tốt. Trừ những lần sanh con ở trạm xá, thì đến năm 80 tuổi ngoại mới vào bệnh viện lần đầu vì chứng suy giãn tĩnh mạch chân.
Trong trí nhớ tôi, ngoại như là “bà tiên” hiền hậu, hay cười, chẳng hề buông lời nặng nhẹ với ai. Khi dạy dỗ con cháu, ngoại luôn khéo léo mượn lời thơ hay hò vè “thay lời muốn nói”, mượn hành động yêu thương thay cho lời trách phạt như bao người. Còn nhớ mỗi lần cậu chín đi chơi khuya, ngoại vẫn kiên nhẫn chong đèn dầu chờ con. Đến khi cậu chín về, dắt mùng cho cậu xong ngoại mới an tâm đi ngủ. Mỗi lần cậu út chuẩn bị đi học ở trường huyện, ngoại lại bới một đĩa cơm nóng để sẵn trên mặt bể, rồi giục giã “út ăn cho no rồi đi học nha con”. Còn nhớ ngày gia đình bác hai trắng tay trở về sau khi đi kinh tế mới ở Phương Lâm (Đồng Nai) vào những năm 80, ngoại lại cùng chồng âm thầm giúp con gầy dựng lại mái ấm. Chỉ vài năm sau, đến phiên gia đình dì năm trở về sau khi tha phương làm ăn thất bại, ngoại lại dang rộng vòng tay vỗ về, giúp con làm lại từ đầu… Từ khi ông ngoại mất (năm 2004), ngoại một mình chèo chống mọi việc trong ngoài, trở thành người phụ nữ “đầu tàu” kiên cường, gương mẫu.
Ở tuổi 90, nay ngoại vẫn không thôi lo cho con cái, cháu chắt. Ngoại hối thúc từng đứa cháu gái “đã vào tuổi băm mà chưa chịu lấy chồng”, ngoại gửi từng bó rau hái trong vườn nhà, từng mớ cá đồng lên thành phố cho các cháu đi làm, đi học xa nhà. Đến mùa vú sữa chín, mùa cóc, mùa bơ, mùa mít, mùa xoài… mùa nào thức ấy, quà quê của ngoại lại đều đặn theo từng chuyến xe đến với thành phố phồn hoa, đô hội. Chính nhờ tư tưởng tiến bộ của ngoại nên con gái, cháu gái của ngoại mới được đi học xa, học lên đến đại học và sau đại học, trong khi nhiều phụ nữ cùng thôn phải sớm rời đèn sách do ảnh hưởng của quan niệm xưa cũ.
Những ngày tháng 12 gần giáp Noel năm nay, người dân miền Tây co ro trong cái lạnh 20 độ, mảnh đất Kiên Giang nơi ngoại ở cũng không ngoại lệ. Là người giàu kinh nghiệm với nghề nông, ngoại liền “dự báo” với dì bảy: “Trời lạnh kiểu này thì mạ ngoài đồng chổng gọng lên hết thôi con ạ”. Đúng y như rằng, chỉ sau hai ngày thời tiết trở lạnh đột ngột, những đám mạ mới gieo đang lún phún lá xanh thi nhau chúi đầu xuống đất non, chổng rễ lên trời. Sự cố này khiến nhiều hộ dân phải trục lại ruộng và gieo giống thêm một lần nữa. Ở tuổi này, mắt ngoại không còn tỏ tường như trước, nhưng vẫn coi giờ khá chính xác bằng cách quan sát bóng nắng ở hiên nhà. Với ngoại, con cháu tất cả đều là những “đứa trẻ” cần ngoại quan tâm, vỗ về, chỉ bảo từng đường đi nước bước. Ấy vậy nên ngày mẹ tôi đi xem mắt con dâu, ngoại đã căn dặn cô con gái hơn 50 tuổi về cách ăn nói, cũng như cách bàn bạc chuyện trọng đại với gia đình sui gia.
Cả đời sống hết lòng vì con vì cháu, nhưng ngoại chẳng muốn nhận gì cho riêng mình. Một lần, chúng tôi bí mật từ Sài Gòn về tổ chức “ngày phụ nữ Việt Nam” cho ngoại, để “tôn vinh” người phụ nữ cả đời đã vất vả hy sinh cho gia đình, cho con cháu. Miễn cưỡng nhận hoa, nhận quà, ngoại tôi trách mắng vì “sợ cháu tốn tiền”. Nói vậy thôi nhưng ngoại đã rất vui nên đi khoe với hàng xóm láng giềng. Ngoại bảo: “Giờ bà đã già yếu rồi, mỗi xuân qua tuổi càng thêm nhiều, bà chỉ mong lúc nào cũng được nhìn thấy con cái, cháu chắt sống vui vầy, hạnh phúc, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau”.
Bích Vân
Bình luận (0)