Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Ngoảnh mặt sắp mười năm

Tạp Chí Giáo Dục

Đã sắp mười năm lớp K43 văn học chúng tôi ra trường. Nhiều ánh mắt, lời nói còn tươi như vừa đây thôi. Những tình cảm bè bạn, thầy trò sẽ còn ấm nóng như than hồng đến lâu lắm! Khi đó tôi sẽ vẫn thấy lứa sinh viên tuổi mình còn trẻ trai như ngày nào, và các thầy cô không già đi.
Lớp “chíp hôi” chúng tôi sau này không được học các thầy, cô khi đó đã vắng bóng, đã tuổi cao sức yếu hay công tác nơi khác như thầy Đinh Gia Khánh, Võ Quảng Nhơn, Trần Đình Hượu, Nguyễn Văn Khoả, Nguyễn Kim Đính, Lê Hồng Sâm…
Chúng tôi học các thầy cô là học trò của các thầy cô ấy: Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hùng Vĩ, Đào Duy Hiệp, Lý Hoài Thu, Nguyễn Kim Sơn… Các thầy cô đưa chúng tôi mở những cánh cửa văn học để mơ hồ lắng nghe những tâm hồn văn hoá từ nhiều phương trời xa. Nhiều người, chúng tôi nhớ những chuyện nhỏ rất thú vị. Cô Lý Hoài Thu giọng lanh lảnh rất trẻ trung, thỉnh thoảng trong bài giảng cô có những cách kể và trích những câu thơ dí dỏm. Thầy Đào Duy Hiệp làm thơ, nói: “Tôi viết hàng núi, và đốt đi cũng hàng núi”, cho chúng tôi thảo luận và thỉnh thoảng thầy trò cùng đọc những sáng tác mới rất vui vẻ. Những bài thơ siêu thực mà thầy giới thiệu, dạo đó với chúng tôi là rất nhiều những gợi mở.
Thầy Trần Ngọc Vương giảng về nhà Nho tài tử và phân tích những tấm gương “hào kiệt tự nhiệm” như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…. Thầy Nguyễn Kim Sơn để ria mép đen nhánh, chiếc áo vét của thầy hình như tôi cứ hay nhìn ra hai vạt so le nhau. Nghe thầy giảng về nỗi băn khoăn xuất xử của Nguyễn Trãi, lòng tôi buồn da diết.
Điều đáng quý như bạn bè cùng lứa chúng tôi cảm nhận ngay từ khi ở trường và kiểm chứng thêm trong gần chục năm từ khi ra trường, là mối thân tình giữa những người từng ở khoa văn đi ra. Không tính đếm bằng vật chất, quan hệ công việc, nghề nghiệp mà về sau, rất nhiều cựu sinh viên khoa Văn có liên quan đến nhau, chỉ ở góc độ tình cảm, mỗi lần gặp gỡ, quen biết, khoá trước khoá sau anh em chúng tôi nhanh chóng cởi mở, hoà đồng và quý trọng.
Từ chỗ dựa dường như là vốn quý âm ỉ qua nhiều năm tháng ấy mà chúng tôi cũng dễ dàng chia sẻ, trao đổi trong đời sống, sáng tác và nhiều công việc khác. Và từ lâu, đã có một cộng đồng nhỏ giữa các cựu sinh viên văn khoa, để mỗi dịp 20-11, dịp trước và sau Tết hay một dịp bất kỳ, nhiều người lại hội ngộ để tưng bừng như hội, hỏi thăm công việc, cuộc sống, gia đình, chia sẻ vài ý tưởng mới, nói với nhau những phấn khởi và băn khoăn. “Điểm tập kết” quen thuộc của nhiều anh chị em là ở nhà thầy Nguyễn Hùng Vỹ, phía sau KTX Mễ Trì. Thầy bền bỉ nghiên cứu, suy ngẫm, thầy có nhiều sách trong tủ lúc nào cũng sẵn sàng mở ra cho học trò, thầy bền bỉ sáng tác và thường trực “trạng thái ngẫu hứng”, nhất là lòng thầy khi nào cũng trẻ nên anh chị em chúng tôi thường tìm đến.
Hàng năm, nhiều lần chúng tôi đều được nhìn lá bàng xanh non, lá bàng già đỏ rực và khô màu đất nâu trong gió lạnh trên mảnh sân nhỏ nhà thầy. Với riêng tôi, thầy là cầu nối cho lòng yêu quan họ và góp lửa vào niềm mê đắm viết lách những ngày đầu. Đêm 12 tháng Giêng hội Lim năm 2001 rất lạnh, lúc ấy muộn lắm nhưng thầy vẫn say hát. Rồi chúng tôi về Hà Nội.
Bạn Hoàng Anh bây giờ dạy học ở Quốc Oai lái xe máy, thầy ngồi giữa, tôi ngồi sau giữ thầy, chạy đường đêm trong gió lạnh hun hút, nghĩ lại vẫn hơi khiếp! Nhiều câu thơ của thầy Vĩ thỉnh thoảng chúng tôi, cơ quan khác, công việc khác, loanh quanh đâu đó gặp nhau, vẫn đọc chung với nhau như lại cùng tiếp lửa cho mình: “…Sóng sắp tiền giấy trời vàng vó/Chín suối xuôi về Lục đầu giang/Ta hèn hoá ác làm em khổ/Yên Tử đùng đùng mây khói nhang”.
Theo NGUYỄN QUANG HƯNG
(NDĐT

Bình luận (0)