Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngoáy mũi: nên hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

Thật ra, ngoáy mũi là một trong các hành vi được nghiên cứu nhiều nhất trong các hoạt động hằng ngày của nhiều người và trong nhiều nền văn hóa khác nhau.

Các nền văn hóa từ xưa đến nay đều có xu hướng xem ngoáy mũi là hành vi lành mạnh bình thường – Ảnh: Q.Định

Các fan bóng đá chắc chắn không lạ gì với hình ảnh một huấn luyện viên của đội tuyển Đức liên tục ngoáy mũi trong thời gian cầu thủ của ông thi đấu, cũng như các fan Hollywood cũng không ít lần bắt gặp các minh tinh cỡ… khủng hồn nhiên ngoáy mũi trước một rừng máy ảnh.

Cả chính khách lão luyện cũng có lần bị bắt gặp đang ngoáy mũi giữa buổi họp của Nhà Trắng! Và cảm giác của bạn thế nào khi nhìn thấy điều đó: Ghê tởm? Thích thú?

Thật ra, ngoáy mũi là một trong các hành vi được nghiên cứu nhiều nhất trong các hoạt động hằng ngày của nhiều người và trong nhiều nền văn hóa khác nhau.

Người ta tin rằng qua nhiều nền văn hóa, ngoáy mũi thuộc về tập hợp các hành vi cá nhân (như ợ, xì hơi, đại tiện, tiểu tiện).

Thậm chí các văn kiện cổ đại còn cho biết rằng vị pharaoh Ai Cập nổi tiếng Tutankhamen có riêng một người chuyên làm công việc ngoáy mũi cho hoàng gia và được trả công rất hậu hĩnh.

Nhưng mặt khác, dù là hành vi khá phổ biến, ngoáy mũi cũng được xem như một hành vi cấm kỵ ở mức độ nhẹ. Vậy các nghiên cứu thực nghiệm nói gì về việc này?

Giữa thập niên 1990, James Jefferson và Trent Thompson (Đại học Y khoa Wisconsin, Mỹ) đã công bố trên tạp chí Tâm Lý Học Lâm Sàng (JCP_Journal of Clinical Psychology) nghiên cứu của họ về việc ngoáy mũi.

Theo đó, trong số 254 người được khảo sát thì 91% cho rằng “hầu hết mọi người đều ngoáy mũi”, 5 người (2%) làm vì cảm thấy thật sự thích thú, đặc biệt có một người cảm thấy kích thích tình dục khi ngoáy mũi.

Có hai người ngoáy mũi đến mức thủng cả vách ngăn mũi, hai người khác thì tiêu phí quá nhiều thời gian trong ngày để ngoáy mũi (30 phút đến hai giờ/ngày).

Các trường hợp sau đôi khi bị xem như một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không được chẩn đoán, tức một dạng bệnh tâm thần!

Tuy nhiên, các tài liệu chính quy về tâm thần học thì đã công nhận “ám ảnh ngoáy mũi (rhinotillexomania) là một thói quen lành tính thường gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn”, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi có thể nghiêm trọng đến mức tự gây tổn thương.

Trong y khoa có một khu vực giữa mặt được đặt tên là “tam giác nguy hiểm”, đó là khu vực hình tam giác có đáy là đường nối hai mép miệng với nhau và đỉnh là gốc mũi.

Khu vực này chia sẻ chung nguồn cung cấp máu với não, do vậy mọi nhiễm trùng ở khu vực này có nguy cơ lây lan đến não (dù rất hiếm hoi nhưng vẫn là khả năng có thật).

Tựu trung lại, các nền văn hóa từ xưa đến nay đều có xu hướng xem ngoáy mũi là hành vi lành mạnh bình thường, không việc gì phải làm to chuyện.

Tuy nhiên khi muốn “tự sướng” với hành vi này chúng ta cũng nên kín đáo, đừng làm trước mặt nhiều người để khỏi bị xem là khiếm nhã, cũng như đừng ngoáy mũi quá nhiều hay quá thô bạo vì sẽ có nguy cơ gây chảy máu mũi hoặc gây nhiễm trùng, nguy hiểm cho sức khỏe.

BS PHAN QUỐC BẢO

(Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)