Tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học nhưng Hồ Tu Pông Ngởi không theo nghiệp giáo. Ngởi trở về bản A Mor, xã A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) tìm mọi cách để đồng bào quê mình tiếp cận với nếp sống văn minh, viết lên khát vọng về nguồn nước sạch cho bà con và mở thư viện miễn phí cho học sinh ở vùng núi cao này!
Hệ thống lọc nước sạch miễn phí ở nhà Ngởi là điểm đến lấy nước của bà con và học sinh
Từ hệ thống lọc nước sạch
Căn nhà của Ngởi ở bản Amor không khi nào đóng cửa. Mỗi ngày không kể sáng, trưa, chiều, tối, học trò và bà con dân bản sau khi đi học, đi nương rẫy về đều ghé chân lại để lấy vài lít nước sạch từ hệ thống nước lọc về dùng nấu nước uống và nấu cơm. Đó là thành quả của Ngởi sau nhiều năm trăn trở vì bà con thiếu nước sạch sinh hoạt. Ngởi bảo, vài năm trở lại đây dòng nước sông Sê Pôn cung cấp nước cho A Xing cạn dần về mùa hè, nước đục ngầu, bà con phải đi rất xa mới có nước dùng. Thương bà con, lo cho những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn, Ngởi xin Tổ chức Y tế Hà Lan được hai hệ thống lọc nước để cung cấp nước sạch. Một hệ thống đặt ngay nhà Ngởi để tiện cho việc bà con vừa lấy nước vừa để Ngởi tuyên truyền thêm về giữ gìn vệ sinh nguồn nước, hệ thống còn lại được đặt ở Trung tâm Văn hóa thôn.
Quê Ngởi nằm ở vùng Lìa thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Cách con sông Sê Pôn, phía bên kia là nước bạn Lào. Nơi ấy gió núi, mưa rừng từng là nỗi ám ảnh. Nhưng còn ám ảnh hơn khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhất là thiếu nước sạch sinh hoạt, trẻ con đến trường trên những đôi chân trần lấm lem bùn đất. Sáu năm trước, Ngởi tốt nghiệp lớp trung cấp sư phạm tiểu học ở Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị. Không như lẽ thường, Ngởi chẳng đặt mục tiêu tương lai của mình nơi bục giảng trường học. Ngởi bảo, phải trở về để cùng bà con đổi thay nếp nghĩ, tạo dựng một điều gì đó để mai này trẻ em không còn vất vả như đời ba mẹ.
27 tuổi, Ngởi đã có 6 năm lặng lẽ làm những việc vì đồng bào mình. Để tuyên truyền cho bà con hiểu về nếp sống văn minh, rời xa hủ tục lạc hậu, Ngởi mày mò tham gia các lớp học nhiếp ảnh, dựng phim 3D, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của đồng bào. May mắn đến với Ngởi khi Tổ chức Y tế Hà Lan chọn em làm cộng tác viên. Từ đó Ngởi được tổ chức cung cấp thêm nhiều điều kiện như máy quay phim, chụp ảnh… Những thước phim Ngởi làm ra đều hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức của bà con, trong đó có ý thức giữ gìn nguồn nước sạch. Để bà con hiểu hơn, mỗi tác phẩm hoàn thành, Ngởi lại đi đến các thôn bản trong xã, chiếu miễn phí cho bà con xem. “Hạnh phúc nhất là sau mỗi bộ phim em trình chiếu và tuyên truyền mục đích đến với bà con thì nhận được sự ủng hộ lớn. Những thói quen ăn chín uống sôi, đi dép, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, quét dọn nhà cửa, dời xa vật nuôi khỏi nhà sàn… dần được bà con thực hiện”. A Xing bây giờ đã dần quen với bóng dáng Ngởi thấp thoáng đâu đó bên bờ suối, dưới nếp nhà sàn để cho ra đời những thước phim sống động. Họ xem Ngởi là “anh văn hóa” của bản làng, điều gì chưa hiểu tìm đến hỏi Ngởi, hễ gặp lại hỏi Ngởi hôm nào có tiếp phim về bản làng mình… Bản làng vắng dần những hủ tục lạc hậu, nếp sống văn hóa được bà con nhắc đến nhiều hơn.
Đến giấc mơ sách cho trẻ nghèo
Căn nhà của Ngởi ở giữa bản Amor vài tháng trở lại đây rộn ràng hẳn bởi tiếng cười nói của những cô cậu học trò tìm đến mượn sách đọc. Cậu bé Hồ Thành, học sinh lớp 5 sau giờ tan học lại vội vã ghé về thư viện. Thành bảo: “Mấy tháng nay cứ tan học là cháu lại xin bố mẹ cho cháu ghé về đây đọc sách. Ở đây cháu được đọc truyện, đọc các sách về cách giữ gìn vệ sinh và cả sách tiếng Anh. Ngày nghỉ, cháu còn rủ thêm các bạn đến cùng đọc”.
Những bản làng ở A Xing quen với sự có mặt của Ngởi để tuyên truyền về nếp sống văn hóa
Không phải đến bây giờ, Ngởi ấp ủ làm một thư viện sách cho trẻ em A Xing suốt nhiều năm nay. Một ngày tháng 4-2019, Ngởi vỡ òa trong hạnh phúc khi chương trình Điều ước thứ 7 mang đến tặng cho Ngởi 10 triệu đồng để mua sách. Ngần ấy tiền, Ngởi mua hàng trăm đầu sách quý, cộng thêm với vài trăm đầu sách Ngởi xin lại của bạn bè. Thư viện chính là ngôi nhà tường gạch xây dở dang của gia đình Ngởi, bên cạnh một không gian nhỏ làm dịch vụ chụp ảnh, quay phim để mưu sinh. Những giá sách được xếp ngay ngắn, cửa không bao giờ khóa. Mỗi ngày, sau giờ học ở trường, trẻ thường tập trung về nhà Ngởi đọc sách. Các bậc phụ huynh ở A Xing bây giờ đã biết điểm đến của con em mình mỗi khi cần tìm chúng.
Ngởi bảo: “Khát vọng của em là làm sao để bà con Vân Kiều, Pa Kô quê mình có nước máy sạch như thành phố để sinh hoạt, hạn chế được các nguy cơ về bệnh tật tiềm ẩn trong nguồn nước bẩn. Em cũng ước mơ xây dựng một thư viện với nhiều đầu sách trên khuôn viên đất vườn nhà mình. Ở đó, trong không gian yên tĩnh, các em có thể thoải mái đến đọc sách, tìm hiểu thông tin bổ ích cho việc học, tích lũy kiến thức để đi xa hơn tới giảng đường đại học. Có như thế, việc duy trì truyền thống văn hóa và đổi thay nếp sống văn minh ở bản làng sẽ được bền vững hơn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)