Từ những thanh tre thô cứng, những con chuồn chuồn tre nhiều màu sắc của xã Thạch Xá đã được xuất khẩu đi khắp nơi phục vụ du khách như: Mỹ, Italia, Trung Quốc…
Giữ ký ức tuổi thơ
Nghề làm chuồn chuồn tre đến với những người dân Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) như một cái duyên.
Ông Đỗ Văn Liên, một trong những người đầu tiên làm chuồn chuồn tre và còn duy trì đến hôm nay cho biết: “Rất tình cờ, khi tôi còn ở gần chùa Tây Phương, 1 khách du lịch về đây đã mang theo một con chuồn chuồn làm bằng tre, tôi thấy nó rất độc đáo và có sẵn nghề làm mây tre đan trong tay, gia đình tôi bắt đầu tìm tòi cách để làm ra những con chuồn chuồn tre như hiện nay”.
Điểm đặc biệt của chuồn chuồn tre đó chính là làm bằng tre. Chúng có thể đứng thăng bằng trên những chiếc mỏ nhọn theo nguyên lý cân bằng trọng lực.
Để tạo ra được những chú chuồn chuồn sinh động, người thợ trong làng phải chọn được tre bánh tẻ – loại tre không được quá già hay quá non, ở các vùng núi như Hòa Bình, Hà Giang, Thanh Hóa, nơi ấy tre mới cứng cáp, đốt dài.
Để làm xong phần thô của 1 con chuồn chuồn tre, người thợ phải làm gần 10 công đoạn. Việc đầu tiên là cạo bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, sau đó đem phơi khô, để nước trong thân tre bốc hơi hết.
Ông Đỗ Văn Liên (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) làm nghề chuồn chuồn tre đã gần 20 năm.
Tiếp theo, tiến hành các công đoạn tỉ mỉ, công phu và chính xác: Cắt chia thành từng thanh tre nhỏ, có chiều rộng khoảng 1cm để làm bộ phận cánh, thân; Uốn cong phần mỏ bằng thanh sắt nung đỏ; Lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn màu, vẽ họa tiết.
Gắn cánh lên thân chuồn chuồn là công đoạn quan trọng nhất, bởi nó quyết định chuồn chuồn có giữ được thăng bằng hay không.
Người thợ phải tháo ra lắp vào nhiều lần và kiểm tra lại bằng cách đặt chuồn chuồn lên đầu ngón tay mình đến khi chúng giữ được thăng bằng. Công đoạn này phải khéo léo, tỉ mỉ và chú tâm.
Chuồn chuồn được phơi trên những chiếc giá “tự chế” cho khô sơn.
Sau khi hoàn thành sản phẩm ở dạng thô, những người thợ sẽ tạo “phần hồn” cho chuồn chuồn bằng việc quét sơn, trang trí họa tiết có chủ đề về đời sống thôn quê dân dã hoặc theo yêu cầu của khách đặt hàng.
Ở công đoạn phủ sơn và trang trí, ông Liên thường thuê những bạn trẻ trong làng thực hiện. Những chú chuồn chuồn tre được khoác lên mình những màu sơn rực rỡ, trở thành món quà lưu niệm cho khách thập phương, trẻ nhỏ.
Xuất khẩu cả chuồn chuồn tre sang Mỹ, Italia…
Bén duyên với nghề đã gần 20 năm, ông Liên vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên tự mày mò làm ra sản phẩm.
Có giai đoạn gia đình ông muốn bỏ nghề, bởi hàng làm ra không ai mua: “Nhưng vì cái nghề đã ngấm vào máu rồi nên tôi vẫn quyết tâm làm và tìm đường đi cho sản phẩm lưu niệm này”, ông Liên nói.
Hiện nay, ông đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, thậm chí làm không xuể vì số lượng đặt hàng lớn, ông Liên chia sẻ: “Hiện tại tôi có 1 đơn hàng 8000 sản phẩm và 1 đơn hàng 2000 sản phẩm. Chuồn chuồn gia đình tôi làm đã xuất sang Trung Quốc, Italia và sắp tới đây là Mỹ”.
Chuồn chuồn khi đã hoàn thiện phần thô.
Có duyên với nghề nên lượng khách tìm đến nhà ông mua chuồn chuồn ngày càng nhiều. Ban đầu chỉ có những khách lẻ mua một vài con để làm đồ chơi cho con trẻ, lâu dần, tiếng lành đồn xa, khách quốc tế và nhiều người đến mua với số lượng lớn để bán ở các cửa hàng lưu niệm hoặc làm quà tặng.
Ông Liên còn tiết lộ: “Đơn hàng xuất sang Mỹ sắp tới là chuồn chuồn tre trang trí họa tiết lá cờ của nước Mỹ rất cầu kỳ. Do đặc thù sản phẩm phải làm thủ công, nên tốn nhiều thời gian, có giai đoạn tôi phải làm xuyên đêm để kịp giao hàng cho khách”.
Không chỉ làm chuồn chuồn, ông Liên còn sáng tạo làm các con vật khác như con chim, bướm, công, rùa…
Chuồn chuồn tre được hoàn thiện qua đôi bàn tay của nhiều thế hệ ở làng nghề “sản sinh” ra món đồ chơi gần gũi này. Ngày nay, từ người già đến trẻ nhỏ vẫn miệt mài, không ngừng sáng tạo để làm ra những cánh chuồn chuồn sinh động.
Nếu những người lớn tuổi có kinh nghiệm chọn tre và tạo hình thô, thì những “búp măng non” lại nhạy bén trong khâu trang trí, tô vẽ.
Chuồn chuồn tre được đóng thành các gói 10 con, chung họa tiết nhưng khác màu sắc hoặc ngược lại. Khách hàng đến mua có thể lựa chọn những màu sắc và họa tiết mà mình thích, giá bán dao động 5.000 – 20.000 đồng/con, tùy theo kích cỡ.
Nhờ nghề làm chuồn tre mà mỗi hộ dân ở Thạch Xá mỗi tháng có thu nhập từ 10-20 triệu đồng.
Từ những cây tre xanh biểu tượng cho cốt cách thanh cao, bất khuất của con người Việt Nam, qua đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những người thợ thủ công ở Thạch Xá, đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre độc đáo có thể đậu được ở bất kỳ nơi đâu nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực.
Và cứ thế, những chú chuồn chuồn tre đã vươn mình ra khỏi lũy tre làng, bay cao, bay xa khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước.
Hà Hiền (theo dantri)
Bình luận (0)